(PL)- “Giải quyết cục máu đông nợ xấu này không phải là không có thuốc, mà là do cách làm của chúng ta”- ông Trần Dũng, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.
Tại hội thảo “Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” do Trung tâm trọng tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) vừa tổ chức, ông Trần Dũng, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn nói rằng: ông bay từ Sài Gòn ra để phát biểu những vướng mắc, khó khăn, bức xúc của hệ thống tín dụng, chứ không phải chỉ riêng ngân hàng ông.
Điều không hợp lý
Sau khi nói về những khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo cũng như những ách tắc tại khâu thi hành án, ông Dũng kết luận: “Thực chất là không có nợ xấu. Nợ xấu là nợ không còn khả năng trả… Vấn đề nằm ở cơ chế xử lý nợ không cho phép xử lý tài sản đảm bảo để dứt nợ. Đó là điều không hợp lý”, ông Dũng nói.
Giám đốc pháp chế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn cho rằng khi nào nhà nước cho xử lý hết số tài sản đảm bảo này thì phần nợ còn lại không xử lý được mới là nợ xấu.
“Lỗi này là cơ chế giải quyết vấn đề. Làm sao để giải quyết được khó khăn, vướng mắc, bức xúc của các tổ chức tín dụng. Giải quyết cục máu đông nợ xấu này không phải là không có thuốc, mà là do cách làm của chúng ta”, lời kết thúc phát biểu này của ông Dũng nhận được tràng pháo tay dài.
Ông Trần Dũng, Giám đốc Pháp chế Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn: “Vấn đề nằm ở cơ chế xử lý nợ không cho phép xử lý tài sản đảm bảo để dứt nợ”.
Ngồi trên bàn chủ tọa, Luật sư Trương Thanh Đức, người có gần 20 năm làm trong lĩnh vực ngân hàng và là Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng nói rằng: vấn đề nợ xấu không chỉ ở lỗi của ngân hàng. Ngân hàng chỉ xếp vào chủ thể thứ ba sau doanh nghiệp đi vay và tòa án.
“Mỗi vụ tranh chấp kéo dài bình quân 2 – 3 năm, thậm chí 5- 7 năm thì tích tiểu thành đại, tích lại thành to, tốt cũng thành xấu, xấu ít thành xấu nhiều là điều đương nhiên”, ông Đức minh định điều đó và bày tỏ hy vọng vào Nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội đang thảo luận.
“Hy vọng Nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội lần này sẽ được thông qua. Nhưng nếu có thông qua thì cũng chỉ xử lý được vài chục phần trăm nợ xấu hiện nay thôi. Vậy cũng tốt lắm rồi!”, ông Đức nhận định.
Theo vị trọng tài viên của VIAC này, nấn đề lớn hơn là bản án hay phán quyết trọng tài cũng bị chậm trễ trong khâu thi hành án như vậy. “Hơn 60.000 tỷ nợ xấu có tài sản đảm bảo nhưng cũng đang nằm “chết dí” ở thi hành án. Tình trạng chung này chắc còn phải kéo dài nhiều năm nữa”, ông Đức cho hay.
Tại tòa quá tải
Chủ tịch VIAC Trần Hữu Huỳnh cũng đồng quan điểm xem nợ xấu là “cục máu đông” trong hệ thống tuần hoàn không khoẻ mạnh. Hệ thống tuần hoàn đó lại là của một cơ thể kinh tế vừa vượt ra khủng hoảng, lại đang oằn người ra gánh nợ công như quả núi khổng lổ đặt lên.
“Nợ xấu và nợ công nếu xử lý không tốt sẽ gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Đấy là lý do vì sao mà Quốc hội đang phải ráo riết để thực hiện giải quyết nhưng vấn đề này”, Chủ tịch VIAC nói.
Tuy vậy, một cách đa chiều, ông Huỳnh cũng cho rằng: hàng nghìn vụ án kinh doanh đang đọng ở tòa án, không phải vì tòa trễ nải mà vì tòa đang quá tải, tòa án và thẩm phán đang có quá nhiều việc.
“Trong số hàng nghìn vụ án tồn đọng đó, theo tòa án, phần lớn là các vụ tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng”, ông Huỳnh cho hay.
Bà Nina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cấp cao, Thị trường & Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết nhận định: “Các khách hàng đều mong muốn sử dụng hệ thống hòa giải trong tranh chấp nhiều hơn so với tòa án như trước đây”.
Bà Nina Mocheva nhận định rằng: “Với phương thức trọng tài ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đã có thể giải quyết nhiều hơn nữa những tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cũng đông tình và cho rằng: “Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án là xu thế, nhất là nếu tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải”.
Về mặt quản lý nhà nước, bà Mai đến từ Bộ Tư pháp cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017 về hòa giải thương mại và có hiệu lực từ tháng 4/2017 đã mở ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với xu thế. Ngỏ lời với hội thảo, vốn chủ yếu là các đại diện bộ phận pháp chế các ngân hàng và tổ chức tín dụng, bà Mai nói rằng: “Hãy đưa quy định quy định bắt buộc về sử dụng hòa giải thương mại vào các hợp đồng. Hãy sử dụng hòa giải ngay khi có tranh chấp”.
Ngoài ra, bà Mai còn khuyến nghị các bên khi tranh chấp trong quan hệ tín dụng nên thực hiện quyền lực của mình trước khi thực hiện quyền lực của nhà nước là tòa án.
“Các bên nên lựa chọn hòa giải viên, trung tâm hòa giải có đủ điều kiện để hòa giải cho các tranh chấp của mình và nên sử dụng hòa giải ngay khi có tranh chấp”, bà Mai nói.
Tuy nhiên, bà Mai nhận định: “Tâm lý người Việt vẫn là “không ai chịu thua ai”, khi đã tranh chấp đã đối đầu, hai bên sẽ không tự ngồi với nhau để tự hòa giải”.
GS Michael Hwang:“Bản thân con người khi có tranh chấp, ngồi lại với nhau là đã khó”
GS Michael Hwang, một luật sư hàng đầu trong giải quyết tranh chấp tín dụng của thế giới đến từ Singapore chia sẻ điều này và nhận định: “Bản thân con người khi có tranh chấp, ngồi lại với nhau là đã khó. Những vụ việc tranh chấp xuyên quốc gia mới là rắc rối. Tôi đang có vụ một ngân hàng Mỹ mua ngân hàng tại Đài Loan, nhưng theo luật của Hồng Kông và thỏa thuận nếu có tranh chấp thì sẽ xử lý ở Trọng tài London. Như vậy, dù là ngân hàng Mỹ nhưng sẽ không tuân theo luật Mỹ, luật Đài Loan nữa mà sẽ xử lý tranh chấp tại nước thứ 3”.
GS Hwang bằng kinh nghiệm của mình cho hay: với những vụ tranh chấp phức tạp thì những tranh chấp giữa ngân hàng với khách hàng giàu có là phức tạp nhất.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký VIAC thì cho rằng: muốn giải quyết tranh chấp nhanh chóng thì các bên cần phải thiện chí, nỗ lực. Như thế thì khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của Trọng tài viên mới phát huy được tác dụng.
Tại phiên thảo luận sáng 7-6 tại Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu hiện nay có thể chiếm tới 10,08% tổng dư nợ tín dụng. Ông cho biết, tính đến 31-12-2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỉ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ; tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỉ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ; nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỉ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng, nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý và nợ đều có nguy cơ cao trở thành nợ xấu. Nếu tính cả những khoản này, và NHNN đánh giá rất thận trọng, thì đến hạn cũng sẽ thành nợ xấu, tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Theo Thống đốc, NHNN đã phân loại, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ. Hàng ngàn vụ đang chờ xử lý Theo thống kê, từ năm 2008 đến năm 2014, hệ thống Tòa án đã thụ lý giải quyết 81.214 vụ án kinh doanh, thương mại, bình quân khoảng 13.000 vụ/năm. Mỗi thẩm phán giải quyết hàng trăm vụ/năm, thời gian giải quyết không đáp ứng yêu cầu của pháp luật do số lượng quá tải, ngoài ra, việc tống đạt hồ sơ, giấy triệu tập cho các đương sự cũng gặp rất nhiều khó khăn. Và thời gian giải quyết được một vụ án tại tòa là 400 ngày. 400 ngày là thời gian xử lý vụ án, còn hàng nghìn vụ án đang nằm tại tòa chờ đến lượt.[1] Luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm VIAC |
CHÂN LUẬN
—————-
Pháp luật TP Hồ Chí Minh (Kinh tế) 08-6-2017:
http://plo.vn/kinh-te/no-xau-la-do-co-che-bat-cap-707332.html
(323/1.738)
[1] Đâu có nói 400 ngày, phải là vài năm. Xử lý là gì?