1.683. Nguy cơ vỡ “bong bóng” Bitcoin và “sóng dữ” trên thị trường tiền ảo

(ANTĐ) – Được sinh ra với mục đích ban đầu là để truyền tải giá trị giữa con người với con người, dựa trên nền tảng công nghệ, tuy nhiên, đến nay tất cả các loại tiền ảo lại đang trở thành công cụ đầu cơ, tạo thành những “con sóng” dữ trên thị trường tài chính.

Cần có hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo

Ai là người cuối cùng “cầm hòn than nóng”?

Thời điểm này, hẳn không ít nhà đầu tư vào tiền ảo Bitcoin đang “đau tim” khi chứng kiến sự sụt giảm không phanh của đồng tiền này. Chỉ sau ít ngày chạm mức cao kỷ lục, gần 20.000 USD vào đầu tuần, đến cuối tuần, đồng tiền kỹ thuật số có mức vốn hóa lớn nhất thị trường này đã giảm tới 30%, xuống mức 13.000 USD. Không chỉ Bitcoin, tuần qua, hàng loạt loại tiền ảo khác cũng bị mất giá nghiêm trọng. Trong ngày 22-12, tất cả các đồng tiền ảo đều giảm giá. Đồng tiền có vốn hóa lớn thứ hai là Ethereum mất tới gần 18% giá trị; Bitcoincash mất gần 22%; Litecoin mất 21%…

Theo các chuyên gia, diễn biến này là điều có thể thấy trước đối với thị trường tiền ảo khi “làn sóng” đầu cơ ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Không giống như các thị trường được điều tiết nhiều hơn như chứng khoán, thị trường tiền ảo mà tiêu biểu là Bitcoin không có quy tắc “ngắt mạch” nào. Vấn đề chính nằm ở nhu cầu điên cuồng về đồng tiền này trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến những nhà đầu tư không có kinh nghiệm lao vào nắm giữ phần lớn khối lượng tiền này.

“Có một điều không phủ nhận là số lượng người quan tâm, sẵn sàng đầu cơ các đồng tiền này ngày càng lớn. Những người đầu tư có thể nhìn nhận những sản phẩm “blockchain” (công nghệ chuỗi khối) như Bitcoin là tiền, là tài sản hay như một công cụ để chuyển tiền ẩn danh. Ba khía cạnh trên đều hấp dẫn”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết.

Tương tự, dưới góc độ của một đơn vị trung gian mua bán tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam, bà Nguyễn Trần Bảo Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam cho rằng hiện nay đa số mọi người đổ xô vào Bitcoin để đầu cơ. “Bitcoin giống như gạo, lúa, cà phê… Mọi người sẽ mua khi giá xuống, bán khi giá lên”, bà Nguyễn Trần Bảo Phương nói.

Còn luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì ví “cơn sốt” Bitcoin hiện nay cũng giống như thị trường chứng khoán cách đây 11 năm, khi mọi người lao vào, đẩy chứng khoán lên đến 1.000 điểm. Nhưng sau đó, “bong bóng” chứng khoán đã bị vỡ. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, ông không thể dự đoán được xu hướng giá Bitcoin trong ngắn hạn vì đồng tiền này không có một quy tắc nào. “Nó có thể lên đến hàng triệu USD nhưng cũng có thể sập ngay tối nay. Tuy nhiên, quan điểm của tôi, về lâu dài đồng tiền này sẽ ngày càng về gần số 0”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Tương tự, ông Trần Hữu Đức, thành viên Ban quản trị Câu lạc bộ Fintech Vietnam cũng cho rằng rất khó dự đoán xu hướng thị trường Bitcoin vì thị trường đang bị thao túng quá lớn. Nếu như trước đây, đa phần chỉ có những người không chuyên và bán chuyên đầu tư Bitcoin thì thời gian gần đây rất nhiều định chế tài chính cũng đã tham gia đầu tư loại tiền ảo này. Ông Nguyễn Duy Hưng thì ví những người đang nắm giữ Bitcoin hiện nay như “cầm cục than nóng”. “Ai là người cuối cùng cầm cục than nóng ấy sẽ là người chết. Khi nó sập sẽ gắn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”, ông Nguyễn Duy Hưng nhận định.

Không chỉ rủi ro ở góc độ đầu tư, mà hiện nay các loại tiền ảo đang trở thành công cụ cho các hoạt động lừa đảo đa cấp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tiền ảo để mời gọi đầu tư với lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm mỗi năm. Nhiều đường dây đa cấp đã bị phá, không ít người đã mất toàn bộ tài sản, vỡ nợ vì dính vào đa cấp tiền ảo.

Nếu là sản phẩm tài chính thì phải theo luật chứng khoán

Theo các chuyên gia, Bitcoin và một số loại tiền ảo khác thực chất là ứng dụng của công nghệ “blockchain”. Theo đó, giống như công nghệ Internet giúp con người truyền tải thông tin cho nhau thì “blockchain” là công nghệ giúp truyền tải giá trị giữa người này sang người kia. Như vậy, có thể thấy tiền ảo là một phương tiện lưu giữ giá trị, giống như vàng hay tiền tệ. Tuy nhiên, hiện tại nước ta chưa có một định nghĩa nào về tiền ảo. Ở khía cạnh tài chính, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng tiền ảo chưa thể được coi là tiền vì tiền là phải do Ngân hàng Trung ương phát hành, được Ngân hàng Trung ương chấp nhận là phương tiện thanh toán và đồng tiền đó phải kết nối được với các đồng tiền khác bằng tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, dưới góc độ luật pháp, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải vật, không phải tiền (vì chưa có nước nào công nhận), không phải phương tiện thanh toán, cũng không phải giấy tờ có giá. Nhưng nó là quyền tài sản, vì nó có giá trị, có thể mua bán được.

“Theo tôi, nó là tiền ảo, vì nó không phải thật. Nhiều người nói là tiền điện tử, nhưng tôi không đồng ý, vì tiền điện tử thì tiền đó phải có thật rồi người ta mới chuyển sang dạng điện tử”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Cũng theo vị luật sư, tiền ảo là tài sản thì được trao đổi, nhưng không thanh toán được. “Tuy nhiên, ranh giới giữa trao đổi và mua bán thì rất mong manh. Ví dụ tôi dùng 1 Bitcoin để mua 1 chiếc ô tô thì không được, nhưng nếu dùng 1 Bitcoin để đổi 1 chiếc ô tô thì lại được”.

Các chuyên gia đều đồng tình rằng Nhà nước cần sớm có một hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nếu “bong bóng” tiền ảo “nổ” thì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. “Đây cũng là ngành kinh doanh tài chính nên buộc phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tránh việc người cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm”, ông Hưng nói. Còn luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng vấn đề tiền ảo hiện nay “sống được” là do tiền thật: “Điều quan trọng nhất khi muốn mua được tiền ảo là phải nộp tiền thật vào. Nộp ở đâu, tiền gì và chuyển cho ai thì cần phải có sự quản lý”. 

Theo các chuyên gia, để quản lý được tiền ảo thì điều đầu tiên là phải định nghĩa được tiền ảo là gì. “Nếu cấm thì Quốc hội phải ra văn bản cấm. Mà nếu cấm thì cấm như thế nào, vì không phải chỉ có 1 đồng Bitcoin mà còn hàng trăm đồng tiền ảo khác. Vì vậy, theo tôi chúng ta hay ngồi lại với nhau, định nghĩa nó là cái gì, nó là cái gì thì quản lý nó đúng ở cái sân đó. Nếu coi nó là tiền thì sẽ dựa theo các quy định về tiền tệ; nếu là công cụ tài chính thì sẽ theo luật tài chính. Chỉ cần xác định nó là cái gì, không cần tạo ra luật mới”, luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Đồng tình, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng Nhà nước cần sớm định nghĩa tiền ảo là gì để kiểm soát. Nếu là tiền thì phải do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, còn nếu là sản phẩm tài chính thì phải theo luật chứng khoán: “Cũng giống như con dao, nếu để chém người thì là vũ khí, còn nếu để mổ trâu mổ bò thì là công cụ sản xuất. Định nghĩa nó là cái gì thì sẽ quản lý nó theo cái đó”.

Tương tự, đại diện Bitcoin.vn, ông Dominik Weil cũng cho rằng ông rất hoan nghênh Chính phủ Việt Nam sớm có các luật cụ thể để doanh nghiệp này có thể dựa vào đó để hoạt động. “Khi thành lập, chúng tôi đã làm hết sức có thể để đăng ký kinh doanh, nhưng thời điểm đó Chính phủ chưa có một mô hình phù hợp với chúng tôi. Dù sao, có hành lang pháp lý để tuân thủ vẫn dễ dàng hơn là mò mẫm trong bóng tối”, ông Dominik Weil nói.

“Bất cứ lĩnh vực nào có tiềm năng phát triển thì sẽ có nhiều mô hình có tính chất lừa đảo xuất hiện. Lời khuyên của tôi là trước khi đầu tư Bitcoin, nhà đầu tư cần tỉnh táo. Bitcoin lúc này chính là tiền. Vì giá tăng cao quá, nên đồng tiền này bị đem ra làm “mồi”. Những người đầu tư chỉ cần đặt câu hỏi bình thường thôi, rằng có chuyện không cần kinh nghiệm, kiến thức, không cần gì hết, cứ đưa tiền cho ai đó là trong một tháng sẽ được trả lãi 30% hay không, lợi nhuận ở đâu ra mà lớn thế. Nếu cảnh giác như vậy, họ sẽ né được cái bẫy”.

Bà Nguyễn Trần Bảo Phương (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam)

Hà Loan

—————–

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 24-12-2017:

http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/nguy-co-vo-bong-bong-bitcoin-va-song-du-tren-thi-truong-tien-ao/752419.antd

(490/1.721)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,982