1.684. Tranh chấp thương mại: Vì sao nên chọn hòa giải?

(DĐDN) – Quá tải trong giải quyết tranh chấp thương mại luôn là vấn đề bức xúc của DN và cơ quan quản lý nhà nước. Theo LS Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trọng tài và hoà giải là giải pháp căn cơ giai đoạn hiện nay.

Ông Đức cho biết, hơn 3 năm qua, riêng ngân hàng NN&PTNN đã có trên 6.800 vụ tranh chấp được khởi kiện. Tuy nhiên, mới có 1/8 trong số đó đã được giải quyết còn lại vẫn phải chờ giải quyết bởi bình quân tòa án phải mất 2-3 năm mới xử lý xong 1 vụ.

– Thưa ông, toà án quá tải, trong khi vụ việc trọng tài giải quyết mới chỉ đạt chưa đến 1% số vụ việc so với toà án. Vậy ở góc độ một luật sư, một trọng tài viên, ông có thể lý giải nguyên nhân?

Đúng là tính tổng số vụ việc giải quyết tranh chấp của 12 trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam thì số lượng vẫn còn rất hạn chế chỉ là hàng trăm, còn toà án hàng chục nghìn. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của hiệu lực phán quyết. Kể từ khi Luật Trọng tài thương mại 2010 có hiệu lực thì các phán quyết của trung tâm trọng tài có giá trị như bản án của toà án.

Giải quyết tranh chấp tại trọng tài cũng nhanh hơn, trung bình chỉ mất 5 – 6 tháng/1 vụ. Nếu tính tổng chi phí giải quyết tranh chấp, trọng tài bao giờ cũng tiết kiệm hơn toà án. Tuy nhiên, vấn đề chính ở đây là thói quen. Thực tế, pháp luật hiện tại cũng đã tạo điều kiện rất lớn để DN sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Hiện tại, các điều khoản về trọng tài cũng đơn giản hơn trước rất nhiều. Nếu như trước kia, trong hợp đồng thương mại, các bên phải có điều khoản trọng tài và phải ghi rõ trung tâm trọng tài sẽ giải quyết nếu xảy ra tranh chấp. Nhưng nay thì, hợp đồng có thể ghi cơ quan giải quyết tranh chấp là toà án hoặc trọng tài, như vậy DN có thể giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở bất kỳ trung tâm nào họ muốn.

Hơn nữa, quy định giải quyết tranh chấp liên quan đến bên thứ ba, trước kia chỉ có toà án mới giải quyết được thì nay trọng tài cũng có thể giải quyết. Không chỉ có vậy, trọng tài viên có thể giải quyết tranh chấp trực tuyến. Có nghĩa là, họ có thể ngồi ở Singapore, Anh, Nhật Bản… vẫn xét xử vụ án ở Việt Nam được. Đây là ưu thế vượt trội của trọng tài so với toà án.

– Mới đây, Chính phủ đã ban hành NĐ số 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Với hành lang pháp lý này, vấn đề giải quyết tranh chấp có thay đổi, thưa ông?

Giải quyết tranh chấp bằng hoà giải lại là một bước tiến nữa trong lĩnh vực xử lý tranh chấp thương mại. Nếu nhìn theo chiều dọc, giải quyết tranh chấp bắt đầu từ thương lượng, hoà giải, giải quyết tại trọng tài và cuối cùng mới là toà án.

Hoà giải tạo ra một cơ chế mở hơn cho các bên so với giải quyết tranh chấp tại trọng tài và toà án. Quyền tự do thoả thuận của các bên được thể hiện rõ hơn. Nhìn vào kết quả hoà giải có thể nói cả hai bên đều thắng vì họ đều chốt được những quyền lợi của mình trong biên bản hoà giải thành.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, văn bản kết luận hoà giải thành hướng đến sự tự nguyện thi hành của các bên. Để văn bản này có giái trị pháp lý như một bản án thì phải được toà án phê chuẩn. Có nghĩa là giá trị pháp lý của văn bản này sẽ như phán quyết của trọng tài trước năm 2010 khi Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực.

 Nhưng trách nhiệm dân sự của Việt Nam đang là một hạn chế rất lớn cho dù chúng ta đang thí điểm triển khai cơ chế thừa phát lại, thưa ông?

So với các quốc gia phát triển, trách nhiệm dân sự của Việt Nam đã có những bước tiến nhưng rất chậm. Tại các nước như Mỹ và Châu Âu, các phán quyết của cơ quan tư pháp được tôn trọng và cơ bản mặc nhiên có giá trị thực thi đến hết đời.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời hiệu để thi hành các bản án và quyết định tương đương sẽ được tính 3 năm kể từ khi người được thi hành có đơn gửi đến cơ quan thi hành án. Đến nay đã tăng thời hiệu lên 5 năm. Nhưng vấn đề chính là việc xác định tài sản. Việc kê khai, đăng ký và quản lý tài sản của chúng ta rất yếu và hầu như không có thay đổi từ hàng chục năm nay.

Mới gần đây, chúng ta có bổ sung thêm tội coi thường toà án trong Bộ luật Hình sự. Như vậy, các phán quyết của toà án sẽ được tuân thủ nghiêm túc hơn vì nếu không họ có thể bị xử lý hình sự. Nhưng đối với các quyết định, phán quyết của trọng tài thì chưa bị xử lý hình sự. Rõ ràng, trách nhiệm dân sự vẫn còn là vấn đề cần phải thay đổi nhiều hơn nữa.

– Ông có lời khuyên nào cho DN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại?

Đối với các điều khoản giải quyết tranh chấp, chủ DN đừng vì thói quen mà đặt bút ký. DN phải dự tính và lựa chọn trước cho mình cách thức, phương thức xử lý tranh chấp nếu xảy ra một cách đỡ tốn kém và hiệu quả nhất.
– Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC):

Trong nỗ lực cải cách thư pháp, TAND Tối cao đã đưa ra mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo bộ luật tố tụng dân sự từ 400 ngày giảm xuống 300 ngày. Nhưng thực tế điều này vẫn là tính toán trên lý thuyết, toà án đang quá tải. Đây không còn là vấn đề của toà án mà là vấn đề của chính DN. Trọng tài và hoà giải sẽ giúp DN giải quyết cơ bản bài toán chậm được giải quyết tranh chấp. DN phải là người tự cứu mình. VIAC đã nộp đơn lên Toà án nhân dân Tối cao để thành lập trung tâm hoà giải thuộc VIAC.

Bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng, Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp):

Hòa giải thương mại đang trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp được ưa chuộng trên thế giới. Hòa giải thương mại đang có ưu thế hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác…
Nguyên tắc của hoà giải thương mại phải tôn trọng tối đa thỏa thuận của các bên, đồng thời đảm bảo tính linh hoạt, đơn giản. Thỏa thuận hòa giải dựa vào điều khoản trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng theo văn bản.

Bá Tú thực hiện

—————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 10-6-2017:

http://enternews.vn/tranh-chap-thuong-mai-vi-sao-nen-chon-hoa-giai-112133.html

 (1.033/1.289)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984