(TBKD) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng không nên duy trì vàng miếng thương hiệu quốc gia, vì thương hiệu nào là câu chuyện của thị trường, nó không phải là tiền tệ nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng, không phải là sản phẩm đặc thù của Việt Nam, không có hàm lượng chất xám, trí tuệ, công nghệ hay yếu tố nào khác của thương hiệu quốc gia.
Theo các chuyên gia, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2015 đến nay đã cân bằng được cung – cầu trên thị trường. Không còn tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước, thị trường vàng miếng đã không còn những “cơn sốt” vàng như trước đây, mà chỉ được người dân xem như một tài sản tích trữ để phòng thân. Nhưng không cần thiết phải có thương hiệu vàng quốc gia. Hãy để thị trường tự lựa chọn, Nhà nước quản lý chất lượng chứ không quản thương hiệu.
Để thị trường điều tiết
Dự thảo Nghị định này có nhiều điểm bổ sung, sửa đổi lớn. Cụ thể, theo quy định hiện hành, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường và pháp luật đã thay đổi, cần thay đổi quan điểm cơ bản về quản lý vàng nói chung và kinh doanh vàng nói riêng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cụ thể là cần sửa đổi theo hướng chuyển từ quản lý thắt chặt sang thả lỏng tương đối, chuyển từ quản lý như tiền sang quản lý như hàng hóa, chuyển từ quản chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sang Bộ Công Thương, chuyển từ tiền kiểm bằng giấy phép sang hậu hiểm bằng quy chuẩn. NHNN chỉ cần tập trung vào việc quản lý vàng là ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng.
Bình luận về vấn đề này, Ts. Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu Nghị quyết 24 là khá tốt nhưng không cần thiết phải có thương hiệu vàng quốc gia. Hãy để thị trường tự lựa chọn, Nhà nước quản lý chất lượng chứ không quản thương hiệu.
“Phải quản lý như ngoại hối. Nhưng không để ngân hàng trung ương như người đi kinh doanh vàng, mà chỉ quản lý điều tiết thôi. Bởi, việc kinh doanh phân phối vàng miếng có nghề, có mạng lưới, thành ra chúng ta không dùng biện pháp hành chính để quản lý, mà phải khai thông thị trường thì giá cả mới sát thị trường thế giới”, ông Lịch nói.
Đồng tình với quan điểm không nên duy trì vàng miếng thương hiệu quốc gia, ông Đức phân tích thương hiệu nào là câu chuyện của thị trường, nó không phải là tiền tệ nói chung, đồng tiền Việt Nam nói riêng, không phải là sản phẩm đặc thù của Việt Nam, không có hàm lượng chất xám, trí tuệ, công nghệ hay yếu tố nào khác của thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, quy định Nhà nước độc quyền về kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng và vàng tài khoản đang đi ngược với Luật NHNN năm 2010, trái với Luật Cạnh tranh năm 2004…
Việc quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh là phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, tuy nhiên lại trái với quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Có nên độc quyền kinh doanh vàng?
Theo đó, NHNN không có chức năng kinh doanh, mà chỉ là quản lý nhà nước về kinh doanh vàng. Nhưng tại Dự thảo sửa đổi đề xuất cần quy định Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này.
Do đó, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh là phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, tuy nhiên lại trái với quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Dẫn Luật Đầu tư năm 2014, ông Đức cho hay, mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh (ngoài 7 ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định tại Điều 6 thì không còn khải niệm Nhà nước độc quyền, mà chỉ hoặc là được tự do kinh doanh, hoặc là đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016.
Ngoài ra, hoạt động huy động vốn để kinh doanh vốn thì mới là hoạt động kinh doanh, còn huy động vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh thì không phải là hoạt động kinh doanh để phải chấp hành quy định về điều kiện kinh doanh.
“Mặc dù Dự thảo không chỉ rõ, nhưng nếu “quy định Nhà nước độc quyền” huy động vàng và kinh doanh vàng tài khoản “để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này” như Tờ trình thì lại trái với quy định của Luật Đầu tư. Muốn vậy thì phải quy định đây là một hoạt động bị cấm đầu tư, kinh doanh theo Luật Đầu tư”, ông Đức khẳng định.
Với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng, ông Đức bình luận đã đến lúc xem xét lại. Cần chuyển sang chủ yếu quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, bỏ quản lý bằng điều kiện kinh doanh, nhất là việc cấp phép.
Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn sản xuất vàng khối, vàng cục, vàng thỏi, vàng nhẫn có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp giống hệt vàng miếng. Trên thực tế, vàng miếng chỉ khác vàng khác ở chỗ là được NHNN tổ chức sản xuất hoặc cho phép sản xuất.
Huyền Anh
—————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 26-12-2017:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Khong-nen-duy-tri-vang-mieng-thuong-hieu-quoc-gia-46706.html
(698/1.151)