(HQ) – Năm 2017, thế giới bùng lên “cơn sốt” mới mang tên Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số. Với hàng trăm lần tăng giá, liên tục lập đỉnh lên tới hàng chục nghìn USD rồi có thể mất giá vài nghìn USD trong vài giờ, “cơn điên” Bitcoin không chỉ làm đau đầu giới đầu tư, giới đầu cơ mà cả những nhà quản lý nhiều nước trên thế giới.
“Cơn điên” Bitcoin chưa dừng lại… Ảnh: ST.
Cơn sốt lớn
Theo trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Bitcoin (ký hiệu: BTC) là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp được phát minh từ năm 2009. Bitcoin có cách hoạt động khác hẳn so với các loại tiền tệ điển hình: Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý nó và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng trên Internet.
Mặc dù có lịch sử như vậy, nhưng Bitcoin chỉ thực sự khuấy đảo thế giới từ đầu năm 2017 đến nay và liên tục tăng giá phi mã. Khi mới ra đời, khoảng 1.300 đồng Bitcoin mới có thể đổi lấy 1 USD, nhưng đến tháng 3/2017, giá mỗi Bitcoin đã vượt hơn 1.000 USD. Sau đó, sự “điên loạn” của làn sóng tiền kỹ thuật số đã đẩy giá trị có lúc lên tới hơn 20.000 USD/Bitcoin, nghĩa là chỉ trong 1 năm, giá Bitcoin đã tăng hơn 20 lần, nhiều nhà đầu cơ nhanh chóng trở thành triệu phú.
Đa số quốc gia trên thế giới không chấp nhận loại tiền tệ này, nhưng trong năm 2017, nhiều nơi đã hợp thức hóa loại tiền này khiến Bitcoin càng được đà tăng giá dữ dội. Tiêu biểu như Nhật Bản đã công nhận Bitcoin là một phương thức thanh toán chính thức; Australia bãi bỏ việc thu thuế đối với Bitcoin; hai sàn giao dịch lớn tại Mỹ là CME và CBOE được phép tiến hành giao dịch các hợp đồng tương lai của đồng Bitcoin…
Tại Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng Bitcoin. Theo đó, Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước tác động và lợi nhuận khổng lồ mà tiền kỹ thuật số mang lại, hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số tại Việt Nam vẫn được một số cá nhân, tổ chức thực hiện “chui” như thành lập sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến, lắp đặt máy giao dịch tiền điện tử… Vì vậy, từ đầu năm 2017 đến trung tuần tháng 12, cả nước nhập khẩu 2.470 máy đào Bitcoin, Litecoin (máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng), toàn bộ đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại một cuộc hội thảo gần đây, một chuyên gia về Fintech đã tiết lộ, nhiều người Việt Nam đã nhập máy đào tiền ảo về, lập “trang trại” đào tiền ảo ở Lào, Campuchia… để tránh kiểm soát.
Tìm cách kiểm soát
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, pháp luật hiện hành quy định tài sản sở hữu gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Bitcoin thuộc quyền tài sản nên Bitcoin không phải là tiền. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin để thanh toán sẽ là hành vi bị cấm.
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, việc mua bán, trao đổi, “đào” tiền kỹ thuật số đều dùng đến tài nguyên thật, tiền thật nên nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, Nhà nước có thể thất thu thuế, ngân hàng khó kiểm soát lượng tiền ra, lượng tiền vào. Mới đây, vào tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử; giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử; giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo; giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo…
Các nhiệm vụ trên có thời hạn vào giữa năm 2018, sang năm 2019, nên đến thời điểm này, người chơi tiền kỹ thuật số tại Việt Nam đang đứng trước rất nhiều nguy cơ. Một mặt là lo ngại về rủi ro “bong bóng” tiền kỹ thuật số có thể vỡ bất cứ lúc nào khi nhiều dự báo tiền kỹ thuật số có thể giảm mạnh trong năm tới. Mặt khác, nhà đầu tư tại Việt Nam sẽ không được bảo vệ nếu loại tiền này sụp đổ do chưa có quy định pháp luật nào đưa ra. Vì vậy, Luật sư Trương Thanh Đức đã cho rằng, Bitcoin là một sản phẩm biểu hiện của công nghệ nhưng cũng là sản phẩm cần được thận trọng khi đầu tư; nếu sau này có vấn đề xảy ra, thì nhà đầu tư không nên trách Nhà nước, chuyên gia không cảnh báo.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy, nếu các quy định pháp luật không nhanh chóng được nghiên cứu và thực thi, sẽ có nhiều biến tướng về loại tiền này xảy ra. Mới đây, báo chí nói nhiều đến những hiện tượng, vụ việc kinh doanh, mua bán tiền kỹ thuật số núp bóng đa cấp để lừa người dân cả tin, thiếu hiểu biết. Các đối tượng sẽ làm giả tên một loại tiền kỹ thuật số, kêu gọi, lôi kéo người tham gia với cam kết càng kêu gọi nhiều người tham gia, lãi suất nhận được càng cao, họ sẽ giàu lên nhanh chóng; nhưng đến khi đạt được mục đích, sàn giao dịch này sẽ “sập” hoặc bày ra đủ chiêu trò để lấy tiền của người chơi… Ngoài ra, cộng đồng Internet còn có nguy cơ dính phải mã độc, virus… để các hacker phục vụ mục đích đào tiền ảo…
Có thể thấy, sự vào cuộc để quản lý, kiểm soát đang cần thiết, gấp gáp hơn bao giờ hết. Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS.Cấn Văn Lực nhận xét, tiền kỹ thuật số có lợi ích nhưng cũng có rủi ro nên các nước có cách tiếp cận khác nhau, Việt Nam đang có cách tiếp cận tương đối phù hợp với hoàn cảnh; nhưng Chính phủ cần thúc đẩy nhanh hơn việc nghiên cứu các loại tài sản ảo trong đó có tiền kỹ thuật số, để Việt Nam có đầy đủ hành lang pháp lý nhưng vẫn theo kịp xu hướng của thời đại.
Hương Dịu
—————–
Hải quan (Kinh tế) 28-12-2017:
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Quan-ly-tien-ky-thuat-so-Khong-de-bien-tuong.aspx
(94/1.242)