(VOVGT) – Dù đã nhiều lần xử lý nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng xe ba bánh tung hoành trên đường phố Hà Nội lại tiếp tục tái diễn.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Ảnh minh họa
Theo quy định, xe ba bánh hay còn gọi là xe ba
gác được sản xuất nhằm mục đích phục vụ một số thương binh không có khả năng lao động, tạo điều kiện cho họ trong việc di chuyển. Tuy nhiên, loại xe này trên thực tế đang bị lạm dụng thành phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá tải trọng, gây nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Đa số các xe ba bánh lưu thông trên đường phố lại không phải loại xe được sản xuất tại nhà máy có uy tín mà hầu hết là xe tự chế, tự gióng.
Nói về tình trạng này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố chỉ có 30 xe ba bánh được ngành chức năng đăng ký, số còn lại (khoảng 99%) không được đăng ký quản lý. Năm 2016, Công an các cấp của thành phố Hà Nội cũng đã kiểm tra, xử lý trên 6.900 xe ba bánh, 4 bánh, phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng.
Cùng với đó là thực hiện tịch thu, tiêu hủy 342 xe ba bánh các loại. Cũng theo Thiếu tướng Khương, mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân, quyết liệt xử lý xe ba bánh, nhưng tình hình vẫn còn phức tạp, nhất là tình trạng giả danh thương binh, bệnh binh gây áp lực khi bị xử lý vì vi phạm. Cho tới thời điểm hiện nay, tình trạng xe ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh vẫn đang diễn ra trên đường phố Hà Nội.
Phân tích về nguyên do khiến việc cấm và quản lý xe ba, bốn bánh tự chế trên địa bàn Thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy lý giải:
“Thứ nhất là do nhiều lúc chúng ta còn chưa phân biệt rõ ràng về loại xe này, chúng ta cấm xe 3,4 bánh nhưng lại cho thương binh sử dụng nên nhiều người lợi dụng điều này để chạy xe. Thứ hai đây là loại phương tiện được thiết kế phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa nhỏ với giá thành rẻ, luồn lách vào ngõ ngách, phù hợp với kế mưu sinh của nhiều người lao động. Tuy nhiên, với những phương tiện 3, 4 bánh tự chế giả danh và không đảm bảo an toàn, chúng ta phải kiên quyết xử lý, dẹp bỏ”.
Nghe chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy lý giải:
Với thiết kế sơ sài, không đăng ký, quản lý, không qua kiểm định của cơ quan chuyên môn, nên khi lưu thông trên đường, loại xe này thường gây ra sự nguy hiểm rất lớn cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông khác. Hơn nữa, những trường hợp giả danh thương binh, người khuyết tật, đã và đang gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của những người có công với đất nước, người được hưởng chính sách đặc biệt của Nhà nước.
Nhìn vào nguyên nhân sâu xa hơn, quy định cấm xe ba bánh tự chế giả xe thương binh, xe của người tàn tật hoạt động trên địa bàn thành phố đã có từ lâu song vì kế sinh nhai nên nhiều lao động vẫn cố tình vi phạm. Vì thế theo các chuyên gia, để thay thế dứt điểm các loại xe 3, 4 bánh tự chế, việc cần làm là phải tìm được loại phương tiện thay đổi, đảm bảo an toàn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.
Ảnh minh họa
Mặt khác, trước thực trạng vừa nêu cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và xử lý vi phạm của các loại xe 3-4 bánh tự chế nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu giải pháp để tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn cho loại phương tiện này:
“Trước tình hình vi phạm các quy định về an toàn kỹ thuật, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đang diễn ra rất phức tạp. Trong đó có các hành vi sử dụng xe 3 bánh tự chế không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện, gây nguy hiểm cho người sử dụng phương tiện và người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông nên cần được đưa vào kiểm tra, xử lý chặt chẽ hơn”.
Có thể thấy, để “xóa sổ” được các loại xe 3, 4 bánh tự chế sẽ cần nhiều thời gian và trước mắt, loại xe này cần được sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần tính toán các phương tiện thay thế để giải quyết nhu cầu mưu sinh cho người dân. Với các giải pháp triển khai phù hợp mới có thể sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, giải quyết tình trạng xe tự chế lưu hành không đúng quy định; mặt khác đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại, ổn định đời sống nhân dân và tạo chuyển biến tốt trong đời sống văn minh đô thị.
TP Hà Nội đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết tình trạng xe 3,4 bánh giả danh thương binh bằng việc chỉ đạo triển khai nhiều đợt ra quân xử lý mạnh tình trạng này và nhiều xe vi phạm đã bị tịch thu, bán đấu giá, sung công quỹ. Tuy nhiên, những đợt ra quân này chỉ khiến tình hình tạm lắng xuống một thời gian và sau đó bùng phát trở lại. Vậy cần thêm những giải pháp nào để hình ảnh những chiếc xe ba bánh chở theo hàng hóa cồng kềnh dần biến mất trên đường phố Thủ đô. Phóng viên kênh VOV Giao thông đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp về vấn đề này:
“Khi chúng ta nhận thấy những nguy hại từ loại phương tiện này thì chúng ta cần triển khai ngay những nhóm giải pháp như: Lực lượng chức năng cần quyết liệt xử lý vi phạm, vì chúng ta đã có quy định pháp lý nên hoàn toàn có thể tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm theo luật định. Thứ hai cần tiến hành những cuộc đối thoại với những thương binh, bệnh binh để tuyên truyền về vấn đề sử dụng phương tiện ưu tiên, nhằm tránh để lợi dụng quyền lợi này”.
“Ngay tại các cơ sở ở các địa phương thì cần phải quản lý và giám sát việc sản xuất ra những chiếc xe 3, 4 bánh tự chế bởi mua những chiếc xe này chỉ mất khoảng 15- 18 triệu đồng. Và không chỉ lực lượng cảnh sát giao thông mà các lực lượng khác cũng cần vào cuộc để đảm bảo tính phối hợp, thống nhất trong công tác quản lý và giám sát loại phương tiện này”.
Ảnh minh họa
Nhằm làm rõ hơn nội dung trên, phóng viên Kênh VOV Giao thông Quốc gia đã có cuộc trao đổi cùng cùng Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Đoàn luật sư TP Hà Nội. Từ góc độ tư vấn pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức sẽ phân tích những vi phạm cụ thể của các loại xe 3, 4 bánh tự sản xuất, tự lắp ráp, giả danh thương binh và đưa ra một số biện pháp hữu hiệu trong xử lý đối với xe 3,4 tự chế không đảm bảo an toàn. Sau đây là nội dung chi tiết cuộc trao đổi:
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể quy định của pháp luật đối với hành vi điều khiển các loại xe 3, 4 bánh tự chế, giả danh thương binh? Và theo nhìn nhận của ông, đâu là nguyên nhân khiến loại xe bị cấm này vẫn có thể tồn tại?
Luật sư Trương Thanh Đức: Trước hết phải khẳng định, việc sản xuất, lưu hành xe giả danh xe thương binh là trái pháp luật, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm đưa vào sử dụng các loại phương tiện giao thông không đảm bảo kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Các loại xe giả danh xe thương binh là các xe không được cấp phép lưu hành và phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ trương cấm xe ba bánh tự chế đã được Thành phố phát động cách đây nhiều năm. Nó là câu chuyện cũ với cơ quan chức năng của Thành phố khi ra quân nhiều đợt, nhận thức của người dân và người điều khiển phương tiện đã dần thay đổi. Tuy nhiên vì khó khăn trong việc phân biệt giữa đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà Nước với nhữn g người lợi dụng chính sách này nên cơ quan chức năng không thể phát huy hết khả năng kiểm tra, xử lý.
Hậu quả là những hình ảnh không đẹp như chở hàng cồng kềnh, phóng nhanh vượt ẩu vẫn diễn ra hàng ngày trên nhiều con đường, ngõ phố của Thủ đô Hà Nội. Do vậy cần phải có các giải pháp bài bản, căn cơ và dài hơn để xử lý vấn nạn này.
Phóng viên: Vậy xin được hỏi ý kiến đóng góp của Luật sư về những biện pháp nhằm tăng cường quản lý loại phương tiện này?
Luật sư Trương Thanh Đức: Chúng ta cần những nhóm giải pháp pháp lý và nhóm giải pháp xã hội. Thứ nhất là lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý theo Nghị định 171 đối với các loại xe vi phạm bởi chúng ta đã có hành lang pháp lý và sự đồng tình của người dân. Thứ hai cần tuyên truyền và phổ biến về quyền lợi và trách nhiệm đến những người thương binh để họ không bị những người khác lợi dụng việc sử dụng loại phương tiện, hoặc hướng dẫn việc chuyển đối phương tiện. Từ đó ban hành các quyết sách khả thi để tiến tới xóa bỏ loại phương tiện 3, 4 bánh tự chế nhưng vẫn đảm bảo chính sách ưu đãi với người có công. Tiếp đó cần kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất xe 3,4 bánh tự chế, các loại xe rẻ tiền để lưu hành và khi bị xử lý sẵn sàng bỏ xe lại.
Phóng viên: Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Nội dung cuộc trao đổi giữa PV Kênh VOVGT Quốc gia và Luật sư Trương Thanh Đức:
Thiết nghĩ, để tình trạng xe ba, bốn bánh tự chế ngang nhiên lưu thông trên đường được hạn chế, cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn trong công tác xử lý vi phạm, đặc biệt là không nề hà đối với những đối tượng “giả danh” thương binh điều khiển phương tiện. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hy vọng câu hỏi: Đến bao giờ vi phạm của xe 3,4 bánh chấm dứt?, sẽ có được câu trả lời.
—————-
VOVGT (Giao thông đô thị) 17-6-2017:
(519/2.016)