(SHTT) – Cho phá sản ngân hàng, giảm lãi suất, xét xử đại án OceanBank…và rất nhiều sự kiện đáng chú ý của ngành ngân hàng năm 2017. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm qua.
10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2017. Ảnh minh họa
Phá sản ngân hàng và quyền lợi người gửi tiền
Một trong những nội dung gây chú ý và thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chính là việc có cho phá sản ngân hàng hay không.
Theo đó ngân hàng là 1 doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng. Việc phá sản ngân hàng có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng thì việc cho phá sản ngân hàng yếu kém là hết sức đúng đắn, cần thiết.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Chuyên gia pháp lý Tài chính – Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống.
Quyền lợi người gửi tiền được dư luận quan tâm nhiều
Chung quan điểm Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, phá sản ngân hàng là cần thiết bởi ngân hàng cũng như doanh nghiệp khi làm ăn thua lỗ không còn đủ điều kiện hoạt động của một tổ chức tín dụng tại sao lại không cho phá sản, quyết định không cho phá sản ngân hàng là thiếu cơ sở luật pháp.
Về quyền lợi người gửi tiền các chuyên gia cho rằng người gửi tiền hưởng lãi suất vì vậy phải có rủi ro. Do đó khi phá sản ngân hàng người gửi chỉ được hưởng bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng.
Sau cùng khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chính thức thông qua vấn đề phá sản ngân hàng chỉ thực hiện khi các biện pháp khác không có kết quả. Theo luật dù phá sản ngân hàng nhưng quyền lợi người gửi tiền vẫn được đảm bảo.
Giảm lãi suất
Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Đồng thời, NHNN cũng quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Mục tiêu của động thái giảm lãi suất lần này thể hiện rất rõ trong thông cáo của NHNN, là nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo Chỉ thị 24/CT-TTg và tiếp tục triển khai tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” của Nghị quyết 35.
Ngay sau chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay.
Khởi tố, bắt giam, xét xử nhiều vụ án tài chính – ngân hàng lớn
Phạm vi và mức độ khởi tố, bắt giam cũng như xét xử các vụ án tài chính – ngân hàng của năm 2017 gây ấn tượng cực kỳ đậm nét. Nổi bật, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn, chung thân với Hà Văn Thắm trong đại án OceanBank.
Liên quan đến đại án này, thậm chí một cựu lãnh đạo cao cấp như ông Đinh La Thăng cũng bị khởi tố, bắt giam và hiện đối diện với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhận án tử hình.
Năm 2017 vụ bắt Trầm Bê, khởi tố Huỳnh Nam Dũng cũng gây chú ý.
Ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 – Bộ Công an) bắt tạm giam ông Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch HĐTD Ngân hàng Sacombank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo buộc cùng hành vi, ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 15 người là cựu cán bộ các ngân hàng TPBank, BIDV, giám đốc các công ty… cũng bị bắt giam 4 tháng. 9 người khác bị khởi tố, song được tại ngoại.
Trong một vụ án ngân hàng khác, ngày 16/10, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) đã hoàn tất cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) Huỳnh Nam Dũng và 16 đồng phạm về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra còn có thể kể đến các vụ xét xử và tuyên án phúc thẩm đại án Phạm Công Danh; xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga lừa đảo; bắt giam thêm nhiều cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á…
Nhiều chính sách ngân hàng quan trọng được ban hành
Ngày 15/8, Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên ngành ngân hàng có nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu, dù chỉ mang tính thí điểm, có hạn định về thời gian và phạm vi xử lý nợ xấu nhưng đây vẫn là “cơ hội vàng” để các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khai thông dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.
Chiều ngày 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Hai nội dung nổi bật trong Luật sửa đổi là việc Quốc hội bổ sung thêm “Mục 1e: Phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, được xem như là động thái mở đường cho phá sản ngân hàng; và quy định lãnh đạo ngân hàng không được kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo tại doanh nghiệp.
Một số chính sách ngân hàng quan trọng khác có thể kể đến như: Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; Thông tư số 09/2017/TT-NHNN Sửa đổi quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC; Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Quyết định số 1425 và 1424 của NHNN giảm lãi suất điều hành, cho vay; Quyết định 21/2017/QĐ-TTg nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi từ 50 lên 75 triệu đồng…
Sốt tiền ảo
Bitcoin cùng các loại tiền ảo khác đã gây lên cơn sốt toàn cầu trong năm 2017, trong đó có Việt Nam. Trước thực tế này, tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Tiền ảo gây sốt trên thị trường. Ảnh minh họa
Đến tháng 10, NHNN đã phát đi thông báo rằng việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tài chính tiêu dùng tăng kỷ lục
Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) công bố mới đây, cho vay tiêu dùng năm 2017 tăng trưởng kỷ lục 65%. Năm ngoái, mức tăng “chỉ” là hơn 50%.
Năm 2017 là một năm đầy dấu mốc đối với thị trường tài chính tiêu dùng. Thông tư 43 chính thức có hiệu lực tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ và đầy đủ để phát triển thị trường đầy màu mỡ này.
Hàng loạt cái tên mới cũng đồng loạt xuất hiện như FCCOM, Công ty tài chính tiêu dùng SHB, liên doanh cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam BIDV – SuMi TRUST (BSL)… Hàng loạt thương vụ M&A ngành tài chính tiêu dùng được diễn ra như Lotte thâu tóm TechcomFinance, Prudential bán mảng cho vay tiêu dùng, ANZ bán mảng bán lẻ… cho thấy thị trường tài chính tiêu dùng đang cực kỳ hấp dẫn.
Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 48 tỷ USD
Ngày 21/12, tại lễ kỷ niệm 26 năm thành lập Sacombank, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, xấp xỉ 48 tỷ USD.
Đây là con số rất ấn tượng bởi nếu so với hồi đầu năm, dự trữ ngoại hối đã tăng tới khoảng 9 tỷ USD, còn nếu so với năm 2012, dự trữ ngoại hối đã tăng trên 22 tỷ USD.
Mức kỷ lục của dự trữ ngoại hối sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc NHNN cho biết: “Mức dự trữ ngoại hối cao như hiện tại cho phép chúng ta ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết”.
Làn sóng lên sàn và bán vốn
Năm 2017 chứng kiến hàng loạt ngân hàng “dắt tay nhau” lên sàn, hồi đầu năm là VIB, giữa năm là Kienlongbank, sau đó là VPBank, LienVietPostBank. Nhưng không chỉ có làn sóng lên sàn, làn sóng bán vốn tại các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân cũng rất đáng chú ý.
Ngày 21/12 vừa qua, HDBank đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận sở hữu cổ phiếu cho các đại diện của 76 nhà đầu tư nước ngoài trong đợt bán 21,5% vốn điều lệ. Tổng cộng, các nhà đầu tư ngoại đã chi hơn 300 triệu USD để nắm giữ 21,5% vốn điều lệ HDBank, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng. Mỗi nhà đầu tư được sở hữu không quá 3% vốn HDBank. Được biết, mức giá cho mỗi cổ phiếu HDBank là 32.000 đồng/cổ phiếu.
Trước HDBank, VPBank – “ông lớn” vừa vượt BIDV về lợi nhuận với “át chủ bài” cho vay tiêu dùng – cũng huy động được 250 triệu USD từ đợt bán vốn và lên sàn hồi tháng 8 vừa qua. Quy mô bán vốn của cả 2 thương vụ này đều thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử bán vốn ngành ngân hàng.
Bên cạnh HDBank và VPBank, TPBank mới đây cũng đã gây ấn tượng về tiềm năng huy động vốn. Ngày 7/12 vừa qua, Quỹ đầu tư PYN Fund Management đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần để sở hữu 4,99% vốn điều lệ TPBank với mức giá bỏ ra là gần 40 triệu USD, gấp đôi số tiền mà IFC bỏ ra mua cùng lượng cổ phần một năm trước.
Cuộc lựa chọn khó cho các đại gia
Nhằm hạn chế sở hữu chéo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua quy định Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.
Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) sẽ phải lựa chọn một là làm Chủ tịch Ngân hàng SHB hoặc là Chủ tịch của Tập đoàn T&T.
Từ quy định này so với thực tế hiện nay rất nhiều chủ tịch hội đồng quản trị của các ngân hàng tư nhân đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị của rất nhiều doanh nghiệp khác. Do đó các đại gia này sẽ buộc phải lựa chọn giữa các vị trí lãnh đạo khác nhau.
Điển hình như như ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) vừa làm Chủ tịch Ngân hàng SHB đồng thời cũng là Chủ tịch của Tập đoàn T&T;
Ông Dương Công Minh vừa làm Chủ tịch Ngân hàng Sacombank kiêm chủ tịch HĐQT của Công ty CP Him Lam (chủ đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất);
Tương tự bà Nguyễn Thị Nga hiện đang là Chủ tịch Seabank và Chủ tịch của BRG Group và là Chủ tịch/thành viên HĐQT của nhiều công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam …
Nhiều vụ cướp ngân hàng táo tợn
Năm 2017 có thể coi là năm không mấy may mắn khi xảy ra nhiều vụ tội phạm tấn công, cướp ngân hàng. Gần đây nhất là vụ một kẻ mặc đồ đen, đội mũ trùm kín đầu xông vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột) nổ súng cướp nhưng bất thành .
Tương tự đầu tháng 11/2017 công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Linh (28 tuổi, xã Trường Xuân An, huyện Thới Lai) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Theo điều tra ban đầu, do muốn có nhiều tiền xài nên Linh lên kế hoạch cướp ngân hàng. Ngày 3/11, thanh niên này mang balô, chạy xe máy đến huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang mua 20.000 đồng xăng rồi chiết qua hai chai nhựa và lên kế hoạch cướp nhưng không thành Linh đã bị bắt.
Trước đó Ngày 11/10, Công an thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã ra quyết định tạm giữ đối với Lò Văn Soa (23 tuổi) ở xã Chiềng Lao, Mường La, Sơn La để điều tra hành vi cướp tài sản.
Người đàn ông cầm súng cướp ngân hàng được xác định đã tự sát.
Theo báo điện tử Công an nhân dân, vào chiều 10/10, tại ngân hàng TMCP Bưu điện (Liên Việt Postbank), chi nhánh Bắc Ninh tại khu phố Thọ Môn, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Soa đội mũ lưỡi trai, đeo khẩu trang bịt mặt và đem theo con dao đến để cướp tiền của khách giao dịch tại ngân hàng.
Lúc này, trong phòng giao dịch có một phụ nữ đang lấy số tiền 200 triệu của nhân viên ngân hàng đưa cho thì bị Soa kề dao vào cổ, yêu cầu nạn nhân đưa ra một túi màu đen, bỏ tiền vào đó rồi cầm đi.
Bị nhân viên ngân hàng tri hô, Soa buông dao và vơ toàn bộ số tiền, lên xe máy rời đi.Thời điểm trên, tổ tuần tra mật phục chống trộm cướp của Công an thị xã Từ Sơn đang có mặt gần đó đã phát hiện sự việc và tổ chức truy đuổi, khống chế, quật ngã Soa và thu toàn bộ 200 triệu đồng và các tang vật liên quan.
Đáng chú ý nhất trong năm 2017 là vụ cướp xảy ra tại Ngân hàng HDBank tại Đồng Nai khi tên cướp dùng mã tấu khống chế nhân viên và cướp số tiền 200 triệu đồng. Trên đường bỏ chạy tên cướp làm rơi nhiều cọc tiền, được người dân nhặt trả lại ngân hàng. Tổng cộng số tiền bị mất khoảng 20 triệu đồng.
Hoàng Linh (T/H)
—————–
Sở hữu trí tuệ 31-12-2017:
https://tintucvietnam.vn/10-su-kien-noi-bat-nganh-ngan-hang-nam-2017-24347
(55/2.945)