(PL) – Nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Nghị định 49/2017 gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết.
Quy định bắt buộc chủ thuê bao di động phải chụp ảnh khi đăng ký SIM theo Nghị định 49/2017 đang gây phản ứng trong dư luận.
Không đẩy khó cho người dân
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, cho rằng: Quy định tại Nghị định 49/2017 sẽ gây khó khăn và có thể đẩy doanh nghiệp viễn thông vào tình trạng vi phạm hợp đồng với khách hàng mà mình đã giao kết trước đó.
“Mục đích của việc yêu cầu chụp ảnh so với quy định ban đầu chỉ cần CMND là để đảm bảo tính chính xác trong nhận diện người đăng ký, tránh tình trạng người này lấy hình ảnh của người khác mua SIM. Tuy nhiên, việc này là không phù hợp. Bởi lẽ yêu cầu này chỉ quản lý người dùng, hạn chế người dùng mua quá nhiều SIM chứ không quản lý được tình trạng nhà mạng dùng thông tin của người dùng để đăng ký SIM khác và bán ra thị trường (như SIM rác). Trong khi đó, nguyên nhân khiến SIM rác tràn lan là do từ nhà mạng quản lý chưa chặt chẽ chứ không phải do một người đăng ký quá nhiều SIM” – luật sư Chánh phân tích.
Theo quy định, trách nhiệm chụp ảnh thuộc về doanh nghiệp viễn thông nhưng rõ ràng để thực hiện việc bổ sung ảnh chụp thì buộc doanh nghiệp viễn thông phải yêu cầu khách hàng đến các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để chụp ảnh. Điều này gây phiền phức cho khách hàng vì họ buộc phải bỏ thời gian, công việc… để thực hiện. Trong khi lỗi để xảy ra việc không quản lý được SIM rác, việc cung cấp thông tin sai là của các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng cũng như sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng.
Vì vậy, xét về bản chất, theo ông Chánh, việc chụp ảnh không đạt được nhiều hiệu quả như mong đợi. Chưa kể việc quản lý là vai trò của Nhà nước, Nhà nước cần nắm rõ bản chất của vấn đề tại khâu nào để kiểm soát chặt chẽ chứ không phải đề ra quy định không khả thi và đẩy cái khó về cho doanh nghiệp lẫn người dân.
Hơn nữa, việc chụp ảnh để quản lý trong khi khách hàng đã cung cấp giấy tờ tùy thân như CMND, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân đều có ảnh. Do vậy việc chụp ảnh này là “thừa thãi”.
Khách hàng đăng ký SIM tại điểm giao dịch của VinaPhone. Ảnh: Viết Thịnh
Luật sư Nguyễn Đức Chánh phân tích thêm: Trong quan hệ dân sự thì nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận giữa các chủ thể tham gia giao dịch được đặt lên hàng đầu. Giữa doanh nghiệp viễn thông với khách hàng là quan hệ dân sự nên không bên nào được áp đặt ý chí khi bên kia không đồng ý. Do vậy, việc yêu cầu khách hàng phải đến các điểm kinh doanh viễn thông để chụp ảnh là không phù hợp với nguyên tắc trên.
“Chưa nói việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng/giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của các bên chứ không phải là sự áp đặt từ một phía. Do đó nhà mạng đã có hợp đồng với khách hàng để cung cấp dịch vụ thì không thể nói ngang rằng sẽ cắt dịch vụ vì thiếu ảnh chụp chân dung chính chủ” – luật sư Chánh nhấn mạnh.
Vô cùng tốn kém
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ tịch CLB Pháp chế ngân hàng, cho biết hệ quả rõ ràng nhất từ quy định phải chụp ảnh chủ thuê bao di động là vô cùng tốn kém.
“Với 120 triệu thuê bao di động tính tới hết năm 2016, tất cả đều phải bổ sung ảnh chân dung thì rõ ràng chi phí về tiền bạc, thời gian của cả khách hàng, doanh nghiệp, xã hội, Nhà nước là vô cùng lớn. Không hiểu cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động ra sao?” – ông Đức đặt vấn đề.
Đại diện Bộ TT&TT nói rằng thực tế đã có nhiều trường hợp đối tượng sử dụng các SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật (đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo…) và coi đó như một trong những nguyên nhân để bắt chủ thuê bao phải bổ sung chân dung.
Tuy nhiên, luật sư Đức đặt câu hỏi: “Vậy yêu cầu phải có giấy tờ và khai báo đúng tên tuổi thuê bao lâu nay đã thực hiện đến đâu? Nếu đăng ký đúng CMND mà vẫn không quản lý được các cuộc gọi rác, gian lận, lừa đảo, tội phạm thì đăng ký thêm ảnh chẳng khác nào để trang trí thêm. Kiểm soát hàng chục triệu gương mặt qua ảnh là vô cùng khó.
Hơn nữa, quy định này cũng có khả năng khó thi hành. Bởi với hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu thuê bao mà chỉ có một năm để bổ sung là một khoảng thời gian quá ngắn. Thay căn cước là cần thiết, quan trọng và quyết liệt thế mà còn phải đặt ra lộ trình 4-5 năm”.
Từ đó, luật sư Đức cho rằng có nhiều cách thức khác quản lý hiệu quả hơn như tăng cường kết nối, xử lý dữ liệu CMND, căn cước công dân. Kinh nghiệm các nước cho thấy chỉ một số định danh là có thể quản lý được đầy đủ thông tin của công dân.
Ông Đức cũng nhận định một tư duy vẫn đang hiện hữu, một trong những mục tiêu ban hành chính sách luôn được nhắc tới là để “thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước”. Nói cách khác, tư duy này chính là “một người đau mắt bắt cả làng uống thuốc”.
“Lẽ ra quản lý nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân và nhận phần khó về mình. Nhưng quản không được thì cấm vẫn đậm nét trong nhiều quy định, chính sách. Đã đến lúc phải đoạn tuyệt với tư duy này” – luật sư Đức nhấn mạnh.
Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận thông tin về Nghị định 49/2017. Cục đang giao cho các cá nhân của Cục phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để xem xét vấn đề và có kết luận chính thức sau. Trong khi đó, theo ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp, một khi đã yêu cầu khách hàng đưa CMND, thẻ căn cước thì việc gì phải bắt chụp ảnh nữa. Điều này tạo ra một cơ chế bất lợi cho người dân. ông Sơn đánh giá đây là một thủ tục không phù hợp, làm khó cho người dân, đồng thời không cần thiết. “Trường hợp đăng ký rồi phải đi chụp ảnh lại là không được, cần phải xem lại tính hợp lý cho người dân” – ông Sơn bày tỏ. Cũng theo ông Sơn, việc Cục Viễn thông giải thích phải quy định ảnh chụp vì có trường hợp dùng CMND giả hoặc dùng CMND của người này đăng ký cho người khác là chưa thuyết phục. “Nếu chụp ảnh người ta vẫn dùng ảnh chụp cho người khác được, điều đó kiểm tra thế nào được. Quy định đó là thái quá, vượt quá nhu cầu cần thiết để quản lý đối tượng sử dụng” – ông Sơn nhấn mạnh. Khách phản ứng rất gay gắt Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện nhà mạng VinaPhone (VNP) cho hay đơn vị này đã và đang trong quá trình hoàn thiện để đưa ra phương án thực hiện tối ưu nhất đối với VNP và khách hàng, bao gồm việc thực hiện đối với từng đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, đơn vị này cũng thừa nhận: “Thực tế trong hai tháng triển khai thử nghiệm, VNP đã gặp phải khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó khó khăn nhất là nhận thức của khách hàng về quy định chụp ảnh. Khách hàng không nhận thức được việc này nên phản ứng rất gay gắt và không đồng ý cho chụp ảnh”. |
QUỲNH NHƯ – VIẾT THỊNH-CHÂN LUẬN
—————-
Pháp luật TP HCM (Thời sự) 21-6-2017:
http://plo.vn/thoi-su/buoc-chup-anh-chu-thue-bao-la-vo-ly-709923.html
(462/1.503)