(DĐDN) – Chính quyền huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) phát loa kêu gọi người dân không thuê ki ốt của Cty TNHH BĐS đầu tư thương mại Hiệp Hòa có thể xem là một hiện tượng chưa từng có ở Việt Nam.
Dự án xây dựng chợ trung tâm huyện Hiệp Hòa (gọi tắt là chợ Hiệp Hòa) được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt cho Cty TNHH BĐS Đầu tư thương mại Hiệp Hòa làm chủ đầu tư tại Quyết định số 460/QĐ-UBND ngày 16/01/2014. Sở Xây dựng Bắc Giang cũng đã cấp phép xây dựng cho công trình này với tổng diện tích xây dựng khoảng 5.600 m2, tổng mức đầu tư hơn 65,8 tỉ đồng, thuộc khu 2, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa. Khu đất dự án này được UBND tỉnh Bắc Giang ký hợp đồng cho Cty Hiệp Hòa thuê vào tháng 8/2016, thời gian thuê 50 năm.
Từ vụ việc tại huyện Hiệp Hoà, vấn đề quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phát đi thông tin đến cộng đồng cần được làm rõ và tuyên truyền rộng rãi. Ảnh: Xe chở loa tuyên truyền về các sai phạm của DN.
Can thiệp quá mức
Để giải thích lý do đầu tư dự án, ông Hà Văn Hải – đại diện Cty Hiệp Hòa cho biết, vợ chồng ông quê ở Bắc Giang, đang sống và làm việc tại TP HCM. Tháng 5/2015, vợ chồng ông tham dự buổi kêu gọi xúc tiến đầu tư của tỉnh Bắc Giang tại TP HCM. Hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư về quê hương, DN của ông Hải đã đầu tư dự án xây dựng chợ Hiệp Hòa. Mặc dù, các thủ tục triển khai dự án ở cấp tỉnh thì khá suôn sẻ. Tuy nhiên, khi xuống cơ sở thì mọi việc lại vô cùng “chông gai” do hành xử kỳ lạ của chính quyền huyện Hiệp Hòa.
Theo ông Hải, liên tiếp từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều đoàn kiểm tra do huyện Hiệp Hòa lập ra đã đến công trình để thanh tra. Trong vòng 7 tháng, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa đã ban hành 12 văn bản gửi đến nhà đầu tư cũng như các bên liên quan với những nội dung gây bất lợi cho quá trình triển khai dự án. Trong các ngày từ 16-22/5/2017, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa cử đoàn gần 30 người do Phó chủ tịch Nguyễn Văn Chính đến công trình kiểm tra, cho xe chở loa đi tuyên truyền về các sai phạm của chủ đầu tư, ra văn bản yêu cầu điện lực, cty nước sạch cắt dịch vụ, cấm xe chở vật tư đến công trình…
Đặc biệt, chỉ trong ngày 23/5, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Phạm Văn Thịnh liên tiếp ký hai quyết định thành lập tổ tuyên truyền về một số nội dung vi phạm của Cy Hiệp Hòa Công; thành lập tổ liên ngành ngăn chặn người lao động và phương tiện chở vật liệu vào công trình.
Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu Cty Hiệp Hòa phải ký hợp đồng đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ với UBND huyện Hiệp Hòa. Như vậy là Cty Hiệp Hòa đã bỏ tiền ra thuê đất 50 năm nhưng lại không được hợp tác với khách hàng để giao dịch cho thuê ki ốt, mà phải bàn giao cho chính quyền địa phương định đoạt.
Chính quyền lạm quyền
Lý giải về việc phát loa kêu gọi người dân không hợp tác với chủ đầu tư, ông Phạm Văn Thịnh – Chủ tịch huyện Hiệp Hoà cho rằng, dự án chợ Hiệp Hòa chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng đặt cọc với hơn 60 người là hình thức huy động vốn trái phép. Theo ông Thịnh, “chúng tôi phải tuyên truyền thông báo rõ hành vi đấy, để người dân không nộp tiền cho chủ đầu tư nữa”.
Ông Thịnh cũng xác nhận, mình đã gọi điện cho một số nhà thầu yêu cầu không cung cấp bê tông cho dự án với lý do: “Chủ công ty bê tông là bạn tôi, họ có hỏi tình hình hoạt động thì tôi cũng trình bày những sai phạm và khuyên anh em lưu ý”.
Đứng dưới góc độ chuyên gia pháp luật về đầu tư LS Trương Thanh Đức cho rằng, khi những vấn đề liên quan đến chủ đầu tư chưa có sự phán quyết của một cơ quan tư pháp, hành pháp theo đúng thẩm quyền, thì mọi thông tin ảnh hưởng đến quyền lợi có họ được phát đi công khai là vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, đối với những vấn đề như nhà đầu tư huy động vốn hay nhận tiền đặt cọc , theo một số chuyên gia pháp lý, việc huy động này là hợp pháp phù hợp với hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Khoản 5 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-BCT ngày 23/1/2014. Trong khi, chính quyền cấp huyện chưa làm rõ, chưa nhận được một văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền thì chưa thể đưa ra những phát ngôn vội vàng gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của DN.
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC: Nếu xét về tinh thần của Luật Đầu tư và Luật DN thì sự can thiệp của chính quyền huyện Hiệp Hoà là xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của DN. DN hoàn toàn có thể khởi kiện chính quyền huyện để được bảo vệ quyền tự do kinh doanh, đồng thời đòi bồi thường thiệt hại nếu có. |
Bá Tú
—————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 24-6-2017
http://enternews.vn/chinh-quyen-phat-loa-beu-xau-dn-112863.html
(139/982)