(ĐT) – Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ “không thể hiểu nổi” Bộ Giao thông và Vận tải cấm dịch vụ đi xe chung dựa trên cơ sở nào.
LS Trương Thanh Đức |
“Tôi cho rằng đây là hành động trái luật. Dịch vụ đi xe chung không hề có trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh của Luật Đầu tư”, ông Đức khẳng định.
Soi vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông vận tải, ông Đức cũng cho biết không có tên ngành nghề này.
“Việc Bộ Giao thông – Vận tải đưa ra văn bản không áp dụng dịch vụ đi xe chung đối với xe hợp đồng là không có căn cứ. Không thể dùng quy định của một lĩnh vực này để điều chỉnh hoạt động khác”, ông Đức bày tỏ quan điểm.
Thậm chí, nếu cơ quan quản lý nhà nước muốn cấm dịch vụ này thì trước hết phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư về thủ tục để xuất bổ sung ngành nghề cấm kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện.
Trao đổi với phóng viên Baodautu.vn, một chuyên gia của Bộ Tư pháp cho rằng họ chưa biết có công văn này, nhưng nếu có thì không phù hợp với quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh.
Trước đó, trong công văn số 6781/BGTVT-VT ký ngày 22/6, Bộ GTVT yêu cầu Uber và Grab không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng.
Bộ GTVT cho biết sẽ yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường xử lý các xe cung cấp dịch vụ đi chung. Mức phạt cho lỗi vi phạm này là từ 4 đến 6 triệu đồng.
Vào tháng 5, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe. Dịch vụ trên được nhận định cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe và giảm lượng xe lưu thông trên đường
Khánh An
Đầu tư (Thời sự) 30-6-2017:
http://baodautu.vn/ls-truong-thanh-duc-cam-dich-vu-di-xe-chung-dua-tren-co-so-nao-d65914.html
(406/406)