(SHTT) – Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, những ngân hàng ôm nợ xấu lớn hơn con số 3% sẽ có nguy cơ đổ vỡ lớn do nợ xấu ăn sâu vào lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.
Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 9,5%. Ảnh minh họa
Theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối năm 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp, và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tập trung ở các ngân hàng thương mại yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số ngân hàng thương mại vẫn còn khá lớn.
Năm 2017 Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC), xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tải sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.
Trong năm, đã xử lý khoảng 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ lệ nợ xấu vượt trên mức 3% đều ở mức nguy hiểm
Đánh giá tỉ lệ nợ xấu hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cho rằng, đối với nền kinh tế, phát triển tỷ lệ nợ xấu của một ngân hàng được coi là an toàn phải ở mức dưới 1%.
Với một thị trường rủi do như Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu được cho phép ở mức dưới 3%. “Như vậy những ngân hàng có số nợ xấu vượt trên mức 3% đều ở mức nguy hiểm”, TS Hiếu đánh giá.
Theo TS Hiếu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg được ban hành quá trình xử lý nợ xấu được đẩy mạnh.
Đặc biệt Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu của các TCTD đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, như: Trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, tạo cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu.
Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá trị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng chậm.
Từ thực tế nợ xấu trong năm 2017, TS Hiếu cho rằng, xử lý nợ xấu khi bán cho VAMC đang mắc ở việc cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ. VAMC chỉ là trung gian gom nợ xấu để xử lý, muốn xử lý được phải tạo ra được cơ chế thị trường để các khoản nợ có thể đem ra đấu giá và giải quyết.
Chung quan điểm, LS Trương Thanh Đức – Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cho rằng, nút thắt hiện nay trong vấn đề xử lý nợ xấu triệt để là bán thanh lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu.
Trong đó hầu hết tài sản đảm bảo trong các khoản nợ xấu là bất động sản. Việc giải quyết thanh lý tài sản này không dễ bởi liên quan đến quyền sở hữu. Hoặc khi thanh lý tài sản đảm bảo đất liên quan đến việc có nên cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu?.
Theo LS Trương Thanh Đức, nợ xấu có thể ví giống như sản phẩm tồn đọng, cần yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt. LS Đức ủng hộ phương án bán tài sản bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài bởi với những hàng hóa, công nghệ khác thì còn sợ nước ngoài, còn tài sản bảo đảm toàn là những cơ sở vật chất ở Việt Nam thì không cần thiết phải hạn chế.
Hoàng Linh/Tạp chí SHTT
———————–
Sở hữu trí tuệ (Kinh tế) 04-01-2018:
https://tintucvietnam.vn/thay-gi-tu-ty-le-no-xau-95-24731
(199/829)