1.710. Biệt phủ Yên Bái: Ngân hàng nào cho vay 20 tỷ xây nhà?

(NĐT) – Dư luận đang “nóng” chuyện Giám đốc sở TN&MT Yên Bái vay 20 tỷ xây nhà. Vậy theo quy định ngân hàng, phải đáp ứng điều kiện nào để vay được 20 tỷ làm nhà? Phải thế chấp bằng khối tài sản trị giá như thế nào hay có thể tín chấp bằng “ghế” giám đốc sở?

 Biệt phủ Yên Bái: Tài sản thế chấp 5 tỷ, vay 20 tỷ được không?

Ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc sở TN&MT Yên Bái cho biết, khu dinh thự 600m2 được xây dựng trên mặt bằng gần 2 ha  là từ tiền vay ngân hàng 20 tỷ đồng và tiền ông tích góp từ buôn chổi đót, lá chít, nấu men rượu từ “ngày xửa xưa”.

Vay 20 tỷ cần tài sản thế chấp 30 tỷ và thu nhập 200 triệu/tháng

Mổ xẻ câu chuyện trên cũng có nhiều ý kiến trái chiều và hiện cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra làm rõ.

Nhưng riêng chuyện “vay ngân hàng  20 tỷ xây nhà” đang khiến nhiều vị làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng không khỏi thảng thốt. Bởi nếu ai cũng như ông Quý, vay 20 tỷ làm nhà thì cũng quả là đáng lo ngại cho ngành ngân hàng Việt Nam.

Các vị lo một ngày nợ xấu ngân hàng lại lên chót vót, có khi không phải là 12-15% như dạo vỡ bong bóng bất động sản, mà có khi nó phải lên tới vài trăm %.

Tuy nhiên, điều “may mắn” là không dễ ai cũng được như ông Quý. Theo tìm hiểu, tuy mỗi ngân hàng có một chiến lược tín dụng khác nhau, nhưng thường những khoản vay lớn khoảng 20 tỷ đồng đều phải có tài sản thế chấp bằng sổ đỏ, quyền sử dụng đất chứ không chấp nhận vay tín chấp.

Riêng với các khoản vay xây dựng nhà cửa thì khoản vay chỉ được bằng tối đa 70% so với tài sản thế chấp. Vì thế, muốn vay 20 tỷ đồng xây nhà anh phải có 30 tỷ đồng để thế chấp.

Đi kèm với điều kiện trên là việc chứng minh thu nhập đủ trả lãi và gốc hàng tháng. Cụ thể, vay 20 tỷ với lãi suất ưu đãi khoảng 7%/năm thì anh cũng phải có tối thiểu 130 triệu để trả tiền lãi, cộng với số tiền gốc phải trả trong 30 năm là khoảng 60 triệu đồng/tháng. Vậy là 1 tháng anh phải có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Tài sản 5 tỷ vẫn vay được 20 tỷ, “không có gì là không thể”

Ông Phạm Sỹ Quý sinh năm 1971, quê quán ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông là em trai ruột của bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, ông từng có nhiều năm làm Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái kiêm Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái.

 Ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở TNMT Yên Bái là em ruột bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Theo bản kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý được lập vào ngày 20/12/2016, ông Quý có các tài sản như sau: Nhà ở, công trình xây dựng gồm: Nhà thứ nhất tại Tổ 51 phường Minh Tân (công trình cấp 3) có diện tích xây dựng 600m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Nhà thứ hai tại khu chung cư Mandarin Garden (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) rộng trên 130m2 với giá trị khi mua là 2,5 tỷ đồng, đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Ngoài ra, ông Quý còn có một trang trại diện tích 2 ha giá trị 1 tỷ đồng,  một mảnh đất 1.000m2 trị giá 500 triệu đồng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Một nhà tạm diện tích xây dựng 150 m2, giá trị 200 triệu đồng đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Giám đốc sở còn có một ô tô Toyota Camry trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Như vậy, tính sơ bộ khối tài sản ông Quý kê khai, toàn bộ những tài sản mà ông có thể mang ra thế chấp tính đến cuối năm 2016, cả nhà, đất, ô tô chỉ vào khoảng trên dưới 5 tỷ đồng (chưa tính căn nhà 600m2 hiện tại, vì không thấy kê khai cụ thể và ở thời điểm vay tiền xây nhà thì căn nhà cũng chưa hình thành).

Như vậy, rõ ràng nếu dùng cả khối tài sản đang có để thế chấp thì thẳng thắn ra là ông Quý cũng không thể vay được 20 tỷ đồng để xây nhà.

Điều này đặt ra 3 vấn đề: Một là khối tài sản của ông Quý đã được ngân hàng định giá quá cao so với những gì ông kê khai? Hai là có sự liên thông, móc ngoặc giữa ông Quý và nhân viên tín dụng để “đẩy” giá tài sản của ông Quý lên cao hơn giá trị thực để có thể vay được số tiền khủng 20 tỷ đồng? Ba là có thể đã có sự thoả thuận ngầm nào đó giữa ông Quý và lãnh đạo ngân hàng kia, để ông Quý có thể vay không cần thế chấp, hay nói cách khác là vay tín chấp bằng chính chiếc “ghế” giám đốc sở của ông?

Để chứng minh việc vay tiền của ông Quý có đúng hay không, ngân hàng nào cho vay, thủ tục cho vay thế nào…, cơ quan chức năng liên quan cần sớm làm rõ để công khai trước dư luận.

Theo kinh nghiệm của một vị cán bộ tín dụng ngân hàng lâu năm thì thường với những khoản vay lớn như ông Quý kể trên đều cần có sự thông qua của hội đồng cấp cao của các ngân hàng.

Nếu đúng là có khoản vay trên như lời ông Quý nói với chứng từ đầy đủ thì không biết trong thời gian tới và sau này ngân hàng sẽ lấy gì để bù lãi và vốn cho khoản 20 tỷ đồng nêu trên? Liệu sẽ có một ngày ngân hàng tới siết nợ, thanh lý những tài sản thế chấp đang được ông Quý khai trị giá khoảng 5 tỷ đồng kia không?

Điều 12, Quyết định 1627 ban hành ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định về mức cho vay của ngân hàng với khách hàng: Tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay.

Điều 7 của Quyết định này quy định về điều kiện vay vốn của khách hàng, yêu cầu khách hàng phải có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.

Như vậy, luật pháp không có ràng buộc nào trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng. Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: Khách hàng không có tài sản bảo đảm hay có bao nhiêu tài sản bảo đảm cũng đều có thể vay được 20 tỷ đồng để xây nhà. Bởi theo quy định của luật pháp thì không có điều nào nghiêm cấm câu chuyện trên.

Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngân hàng có một quy định nội bộ khác nhau về việc cho những đối tượng nào vay và vay theo hình thức nào. Cụ thể, có những ngân hàng không cho vay nếu không có tài sản đảm bảo trên 200%, hoặc có ngân hàng lại yêu cầu khách hàng phải có vốn tự có trên 50%, ông Đức cho biết.

Riêng với câu chuyện ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái vay 20 tỷ để xây nhà trong khi chỉ có khối tài sản ước đoán 5 tỷ đồng, ông Đức cho biết, nên xem xét câu chuyện ở góc độ liệu có thực có khoản vay như vậy? Và nó có vi phạm vào điều khoản nào của luật pháp hay không?

Tuy nhiên, trả lời Nhadautu.vn, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái cho biết bản thân Ngân hàng Nhà nước “không có chức năng để quản lý vụ việc nêu trên” và bản thân ông cũng ‘không quan tâm lắm tới sự việc ông Quý vay ngân hàng 20 tỷ để xây nhà”.

NGUYỄN THOAN


 

Nhà đầu tư (Tài chính) 03-7-2017:

http://www.nhadautu.vn/biet-phu-yen-bai-ngan-hang-nao-cho-vay-20-ty-xay-nha-d1611.html

(218/1.507)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,022