(TT) – Gần đây nhiều người mua xe trả góp bị đẩy vào thế kẹt khi bị CSGT xử phạt về hành vi không xuất trình giấy đăng ký xe bản chính bởi giấy tờ này ngân hàng đang giữ do xe được thế chấp.
Người mua xe trả góp nếu không mang theo giấy đăng ký xe bản gốc sẽ bị CSGT xử phạt – Ảnh: Hữu Khoa |
Trước đó, Cục CSGT (C67) Bộ Công an có công văn gửi công an các tỉnh thành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng (NH).
Theo công văn này, bên thế chấp được giữ bản chính giấy đăng ký xe. Điều đó có nghĩa NH không được giữ đăng ký xe và CSGT được quyền xử phạt đối với lỗi vi phạm không có giấy đăng ký xe bản gốc khi lưu thông.
Chủ xe lo bị phạt
Anh Toàn, giám đốc một công ty sắt thép tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết đang vay mua hai ôtô, một chiếc để đi lại và một chiếc để chở hàng ở hai NH khác nhau.
Nghe thông tin này, mấy ngày nay anh Toàn đã chụp các quy định cũng như thông tin gửi cho phía NH để hỏi nhưng NH nào cũng trả lời chưa nhận được triển khai nên rất lo khi di chuyển trên đường sẽ bị xử phạt.
Còn anh Nguyễn Tuấn Quang (trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết đang sở hữu một xe Honda Civic mua trả góp. Khi làm thủ tục mua, phía NH yêu cầu anh Quang phải thế chấp giấy tờ xe bản gốc.
Trước đây, khi tham gia giao thông bị lực lượng chức năng kiểm tra, anh Quang vẫn đưa giấy tờ xe bản sao có xác nhận của NH và được chấp nhận.
Tuy nhiên, theo anh Quang, thời gian gần đây anh cũng như một số bạn bè đang đi xe trả góp gặp khó vì lực lượng CSGT yêu cầu tài xế đi xe trả góp cũng phải xuất trình giấy tờ xe bản gốc khi mắc lỗi vi phạm.
Ngân hàng lo rủi ro
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn, cho biết từ trước đến nay những ôtô mua trả góp buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc tại NH. Nếu không sẽ có tình trạng một tài sản thế chấp nhiều nơi hoặc vay ở tiệm cầm đồ. Như vậy rất rủi ro cho NH.
Theo các NH, với việc giữ bản chính giấy đăng ký xe như hiện nay, trong trường hợp khách hàng không trả được nợ NH có thể tịch thu xe, yêu cầu khách hàng viết giấy ủy quyền để NH xử lý.
Ngược lại, nếu khách hàng giữ bản chính giấy tờ xe thì xử lý nợ sẽ khó hơn nếu khách hàng không hợp tác và viện cớ “mất giấy tờ”.
Đồng tình quan điểm này, một vị giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại Q.3, TP.HCM cho biết các khoản cho vay mua xe có thể lên đến tối đa 70% chiếc xe mà NH không giữ giấy tờ thì xác định là vay tín chấp vì trong tay NH không có gì.
Không chỉ các NH, các công ty tài chính cũng lo lắng vì đối tượng vay mua xe máy rất nhiều.
Do là khoản vay nhỏ lẻ, phổ biến chỉ từ 10-20 triệu đồng nên các công ty tài chính không đăng ký giao dịch đảm bảo mà giữ giấy tờ bản gốc của chiếc xe nhưng lách bằng cách yêu cầu người vay ủy quyền cho công ty tài chính quản lý bản chính giấy tờ xe.
Anh T.V.N vay mua xe trả góp, phía công ty tài chính chỉ cung cấp bản sao đăng ký xe (có đóng dấu xác nhận), còn bản chính thì công ty giữ – Ảnh: Hữu khoa |
Cần hỗ trợ ngân hàng
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết từ trước đến nay khi nhận thế chấp tài sản đảm bảo là xe NH đều đăng ký giao dịch đảm bảo, do vậy người vay không thể thế chấp thêm tại NH khác, trừ khi là giao dịch bất hợp pháp.
“Nếu NH không giữ giấy tờ gốc xe dẫn đến trường hợp khách hàng không trả được nợ thì quá trình xử lý tài sản sẽ khó khăn và phức tạp hơn” – ông Tùng cho biết.
Ông Tùng kiến nghị: nếu cơ quan công an và NH Nhà nước không thay đổi quy định thì phía công an cũng nên có sự hỗ trợ các NH bằng cách khi đến hạn mà khách hàng chây ì không trả nợ, NH sẽ thông báo đến cơ quan công an và khi thấy xe di chuyển trên đường, công an có thể hỗ trợ giữ phương tiện hoặc thông báo với NH để NH xử lý.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn kiến nghị nên có giải pháp dung hòa, như cho phép NH giữ bản chính giấy đăng ký xe nhưng trong giấy xác nhận sẽ ghi rõ thời điểm hiệu lực từ khi nào đến khi nào. Nếu không cho NH giữ giấy tờ chính thì rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu cho NH.
“Ở đây cần xác định rõ mục tiêu là quản lý hành chính phương tiện lưu thông hay quản lý nợ xấu. Từ đó sẽ xác định được mục tiêu nào cao hơn để dành ưu tiên hơn. Vấn đề là các cơ quan quản lý phải ngồi lại, bàn bạc, cân nhắc và đưa ra hướng dẫn rõ ràng để chúng tôi thực hiện” – phó tổng giám đốc một công ty tài chính tại TP.HCM nêu kiến nghị.
Đã vay thì chấp nhận giao giấy đăng ký Luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng trong hoạt động kinh doanh phải có lợi nhuận, đồng thời hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. Nếu cho vay mua ôtô, xe máy trả góp mà không có gì để đảm bảo thì NH làm sao dám cho vay. Nếu đã thế chấp vay thì phải đưa giấy đăng ký xe cho NH và chấp nhận bị phạt khi cơ quan công an kiểm tra thấy thiếu giấy tờ xe. Còn trường hợp cho doanh nghiệp vay thì có thể NH cũng giải ngân mà không cần phải có bản gốc giấy đăng ký xe. “Đơn cử như cho một doanh nghiệp có uy tín để mua cả vài chục ôtô. Vì uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp thì NH mới dám cho vay mà không giữ bản gốc đăng ký xe. Còn cho cá nhân vay để mua xe thì chắc chắn phải có tài sản cầm cố, thế chấp” – luật sư Đức phân tích. |
Phạt là đúng luật Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, phó cục trưởng C67, cho biết thời gian gần đây cục nhận được ý kiến của lực lượng CSGT một số địa phương về việc xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp điều khiển ôtô mà chỉ có giấy tờ xe bản sao do bản gốc đã thế chấp NH. Sau khi trao đổi với NH Nhà nước, C67 đã có văn bản gửi CSGT các địa phương hướng dẫn: “Đối với xe thế chấp NH khi tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại nghị định số 163/2006 về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNN của NH Nhà nước”. Theo ông Dánh, lực lượng CSGT thực hiện việc kiểm tra, xử lý những trường hợp tham gia giao thông vi phạm mà sử dụng giấy đăng ký xe bản sao trong thời gian qua là đúng quy định. |
A.HỒNG – T.HOÀNG – L.THANH
Tuổi trẻ (Pháp luật) 06-7-2017:
(183/1.374)