1.713. Không được giữ đăng ký bản gốc, ngân hàng lo nở rộ lừa đảo.

(GT) – Phương tiện chỉ xuất trình đăng ký xe phô tô công chứng sẽ bị CSGT xử phạt – Ảnh: Tạ Tôn

Chủ phương tiện bị phạt “oan”?

Anh N.H.V. (Đức Thượng, Hoài Đức Hà Nội) cho biết, tháng 2/2016 anh làm thủ tục vay 440 triệu đồng để mua xe ô tô tại văn phòng giao dịch Văn Phú của Ngân hàng (NH) Quốc tế VIB. “NH giữ bản chính giấy đăng ký xe còn tôi chỉ được cầm bản photo công chứng. Mấy hôm nay rộ lên thông tin người đi xe trả góp không có giấy tờ gốc bị xử phạt mà chưa biết thực hư như thế nào” anh V. lo lắng.

Tương tự, anh T.V.T., chủ một DN tư nhân có trụ sở tại Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi nghe thông tin đã tá hỏa gọi điện đến NH Quân đội (MB) – nơi vay vốn mua ô tô xem thực hư ra sao, song đại diện NH khất câu trả lời. “Từ trước tới nay, ai cần vay vốn mua xe trả góp ở bất cứ NH, tổ chức tín dụng (TCTD) nào cũng đều bị giữ lại giấy đăng ký xe và coi đó là đương nhiên. Thế nhưng bây giờ CSGT lại đặt vấn đề xử phạt khiến chúng tôi không khỏi hoang mang, ấm ức vì ngoài nguy cơ bị mất tiền “oan”, còn phải chịu tâm lý như mình sai khi tham gia giao thông”, anh T. chia sẻ.

Ngày 4/7, trong vai khách hàng có nhu cầu vay vốn mua xe trả góp, PV Báo Giao thông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của các nhân viên NH tư vấn về thủ tục, hồ sơ thế chấp. Một nhân viên tín dụng xưng tên Q. chi nhánh Từ Liêm của NH VIB cho biết: Nếu khách hàng mua ô tô mới sẽ được hỗ trợ vay tối đa 80% giá trị hợp đồng với lãi suất ưu đãi 7% trong năm đầu tiên. Về vấn đề NH sẽ giữ đăng ký xe như vật thế chấp đảm bảo cho khoản vay khiến khách hàng đi xe trả góp có thể bị CSGT xử phạt, Q. trấn an: “Từ trước tới nay tất cả NH vẫn làm thế, khách lưu hành xe bình thường, đã có điều luật nào xử phạt đâu? Mấy trăm nghìn xe đang thế chấp ở NH thì chả nhẽ phạt tất?”.

Tương tự, nhân viên của một loạt NH khác cũng khẳng định với giấy xác nhận của NH, khách mua xe trả góp cứ đi bình thường. Thậm chí, một nhân viên NH còn cam kết: “Nếu bị bắt (CSGT giữ xe – PV) thì cứ gọi cho chuyên viên phụ trách hợp đồng, đã giữ giấy tờ thì NH phải đảm bảo cho chị”.

Ngân hàng tăng áp lực nợ xấu

Mang những băn khoăn, lo lắng của khách hàng trao đổi với đại diện các NH, PV Báo Giao thông nhận lại được không ít tâm tư. Trưởng phòng Pháp chế một NH thương mại cổ phần (xin không nêu tên) cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này có điểm chưa khớp nhau, gây khó cho cả NH và khách vay vốn. Nghị định số 163 (và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163) căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005 (và hiện nay là Bộ luật Dân sự 2015). Theo Bộ luật này, các bên có thể thỏa thuận về việc bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm nên tất cả các NH đều đang thực hiện như vậy. “Không hiểu sao mới đây, CSGT lại đặt vấn đề xử phạt? Ngoài ra, đối với các phương tiện giao thông đã thế chấp với NH, bên cạnh bản sảo Giấy đăng ký có đóng dấu sao y của NH, còn có Sổ kiểm định xe bản gốc, Giấy bảo hiểm bản gốc nên việc xác định chủ xe không khó khăn”, vị trưởng phòng Pháp chế nói.

Trước đó, Báo Giao thông đã phản ánh, thời gian vừa qua, nhiều người mua xe trả góp trong quá trình lưu hành đã bị CSGT xử phạt lỗi không có giấy đăng ký xe do khi mua xe đã thế chấp giấy đăng ký gốc, chỉ sử dụng giấy tờ phô tô công chứng và xác nhận của ngân hàng cho đến khi trả hết số tiền đã vay.

Bộ Công an khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, trong đó nêu rõ: “Trong trường hợp tài sản thế chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông, bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”.

Ngày 24/5, NHNN cũng có công văn gửi các TCTD đề nghị thực hiện nghiêm túc quy định nêu trên. Tuy nhiên, thực tế các NH hiện vẫn cầm giữ giấy tờ gốc của chủ xe đã thế chấp.Hoàng Ngân

Lãnh đạo một NH lớn khác thì nêu quan điểm, quy định xử phạt các người mua xe trả góp không xuất trình được bản gốc đăng ký xe cần phải xem xét lại vì gây khó cho cả khách vay vốn lẫn NH. Ông này chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản yêu cầu các NH thương mại giao giấy tờ gốc cho khách vay vốn, NH không thực hiện thì trái chỉ đạo, song nếu áp dụng thì kiểm soát rủi ro thế nào? Ông phân tích, thực tế khi NH nhận thế chấp phương tiện giao thông và giữ bản chính của giấy tờ liên quan đến phương tiện, vẫn có không ít trường hợp bên thế chấp mang tài sản đi cầm đồ, bán cho bên thứ ba bằng giấy viết tay, thậm chí thực hiện các hành vi lừa đảo. Khi xảy ra nợ quá hạn, NH đề nghị cơ quan Công an hỗ trợ thu hồi tài sản từ bên thứ ba để xử lý thu hồi nợ, song phía Công an cho rằng, người mua tài sản bằng giấy tờ viết tay vẫn có quyền lợi liên quan, dù phương tiện đã thế chấp, do đó NH vẫn chưa được bảo đảm quyền lợi theo hợp đồng thế chấp đã ký. Mặt khác, khi NH thu giữ và thực hiện bán đấu giá tài sản bảo đảm thì NH phải bàn giao bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông cho người trúng giá để làm thủ tục sang tên tại cơ quan công an. Nếu thực hiện việc giao giấy tờ gốc cho bên thế chấp như quy định tại Nghị định 163 và yêu cầu của Bộ Công an, các NH, TCTD sẽ gặp vô vàn khó khăn, như: Khách hàng vay vốn có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ… mà TCTD không kiểm soát được; Khách hàng không bị áp lực với bên cho vay (vì không cần TCTD cấp lưu hành xe định kỳ như hiện nay) nên việc kiểm tra tài sản bảo đảm định kỳ, theo dõi biến động và quản lý tài sản bảo đảm không thực hiện được khiến TCTD rất mất thời gian, công sức và chi phí để xử lý, thậm chí không xử lý được.

“Nếu quy định này áp dụng trong thực tế, tôi e ngại sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hệ thống NH. Mặt khác, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng vọt, gây áp lực lớn cho không chỉ các NH mà còn cho cả nền kinh tế”, lãnh đạo NH này lo lắng.

Nên sửa đổi quy định?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Trương Thanh Đức, phân tích: NH giữ lại giấy tờ gốc của xe thế chấp là việc làm trái so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu không thực hiện biện pháp này, rất nhiều rủi ro sẽ dồn về phía NH. “Nếu không được giữ giấy tờ đảm bảo tôi khẳng định, tất cả NH sẽ dừng không nhận thế chấp xe”, ông Đức nhận định.

Theo Luật sư Đức, cần có một phương án hài hòa vừa bảo đảm quyền lợi của chủ xe khi tham gia giao thông, vừa hạn chế rủi ro thấp nhất cho phía NH. “Tôi được biết, tại một số nước, chủ xe sẽ được cấp 2 loại giấy gồm: Giấy sở hữu và giấy lưu hành. Trong trường hợp cần thiết phải vay vốn thì sẽ giao cho NH kiểm soát giấy sở hữu, còn phương tiện vẫn lưu thông bình thường. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay chỉ có Giấy chứng nhận đăng ký xe nên từ lâu nghiễm nhiên được coi là hình thức chứng minh quyền sở hữu”, ông Đức nói.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng: “NHNN không nên ra mệnh lệnh hành chính, đẩy rủi ro về phía các NH thương mại và TCTD. Thay vào đó, NHNN nên cùng ngồi lại với Bộ Công an, đề nghị cấp cho 1 loại biển đối với các loại xe đã thế chấp tại các NH và TCTD. Chủ xe sẽ không thể sang nhượng, mua bán trái phép; chỉ có thể đổi sang biển thông dụng khi đã quyết toán với ngân hàng”, ông Truyền đề xuất.

PV Báo Giao thông đã đặt các câu hỏi liên quan, những lo lắng của khách hàng cũng như băn khoăn của các NHTM cũng như đề xuất của các luật sư về vấn đề này với đại diện NHNN, tuy nhiên vẫn chưa nhận được câu trả lời.

 

Nhóm P.V  


 

Giao thông 06-7-2017:

http://xe.baogiaothong.vn/khong-duoc-giu-dang-ky-ban-goc-ngan-hang-lo-no-ro-lua-dao-d215529.html

(200/1.721)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,024