(TBKD) – Trên thế giới đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của Bitcoin, nhưng tại Việt Nam trong năm qua, Bitcoin được nhiều nhà đầu tư (NĐT) xem là một kênh đầu tư như vàng. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chỉ nên cấm Bitcoin như phương tiện thanh toán. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật, mà nên đưa ra các hình thức quản lý.
Tại Việt Nam, Bitcoin không được coi là đồng tiền thanh toán hợp pháp. Vì thế, hầu hết người chơi đều coi Bitcoin là một kênh đầu tư “hái ra tiền”. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro đầu tư Bitcoin rất cao, có đến 95% NĐT thất bại.
Chưa được công nhận là tiền tệ
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, bản chất của Bitcoin là ứng dụng công nghệ, không phải là 3 loại tài sản đầu tư theo quy định của Bộ Luật Dân sự là vật, tiền và giấy tờ có giá, mà thuộc loại thứ tư là quyền tài sản vô hình.
“Nếu chúng ta không công nhận nó là hàng hóa thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau”, ông Đức nói.
Theo quy định, kể từ 1/1/2018, mọi giao dịch, phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin lẫn các tiền ảo tương tự khác nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng theo điều 27, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; thậm chí có thể bị khởi tố và phạt tù đến 3 năm tù giam.
Liên quan đến quy định này, ông Đức cho biết thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công nhận Bitcoin và tiền ảo khác là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Quy định cấm của NHNN chỉ áp dụng với các tổ chức tín dụng không được phép đầu tư, sử dụng, chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo, tiền số…
“Còn ở góc độ người chơi tiền ảo, họ giao dịch như hàng hóa, hay tài sản đầu tư, đầu cơ thì không bị cấm. Nếu Bitcoin là tài sản thì cũng không thuộc danh mục tài sản của quy định pháp luật Việt Nam, cũng chưa có luật điều chỉnh loại tài sản này”, ông Đức khẳng định.
Kể từ 1/1/2018, mọi giao dịch, phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin lẫn các tiền ảo tương tự khác nếu bị phát hiện sẽ bị phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng; thậm chí có thể bị khởi tố và phạt tù đến 3 năm tù giam.
Chỉ nên cấm như phương tiện thanh toán
Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết hiện nay trên thế giới đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của Bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại. Trong khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý Bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại 4 nước còn khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định NHNN không có quyền cấm người dân đầu tư, chơi Bitcoin, mà khi nào Quốc hội bấm nút thông qua luật thì mới thực thi được.
Ông Đức khẳng định: “Rất khó có kịch bản cấm đầu tư Bitcoin. Rủi ro hay bong bóng, đó là nhận thức của NĐT. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật. Tôi cho rằng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch dù nó rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội. Hiện, số lượng các NĐT vào Bitcoin tại Việt Nam đang tăng nhanh và tài sản sở hữu rất lớn”.
Đồng quan điểm, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, đề xuất: “Tôi đồng ý với việc không nên sử dụng Bitcoin làm công cụ thanh toán. Theo quan sát cá nhân, tôi thấy rất khó cấm, nên hãy xem nó như tài sản, hàng hóa để thu thuế và quản lý”.
Còn theo ông Noah Eric Silverman, sáng lập Công ty Helios. AI – chuyên gia trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, có đến 60% người được khảo sát chưa muốn thừa nhận đồng tiền ảo. Kết quả này là hoàn toàn bình thường vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có suy nghĩ truyền thống, kinh doanh truyền thống. Trong khi đó, Bitcoin hoạt động không theo khuôn khổ nào, nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, ông Noah cho rằng Bitcoin đang phát triển rất nhanh. Trong năm nay, Bitcoin được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới. Một trong những vấn đề đang cản trở cho giới đầu tư đó là hoạt động giao dịch Bitcoin hiện nay đang tốn quá nhiều thời gian và chi phí phát sinh. Trong khi đó, một số “đàn em” như Litecoin hay Bitcoin cash lại khắc phục được nhược điểm này.
“Năm 2018 có thể tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của các đồng tiền ảo như Litecoin, Ripple, Bitcoin cash… bên cạnh đồng Bitcoin truyền thống. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng khuôn khổ phù hợp quản lý tiền Bitcoin tốt hơn, coi đây như là tiền tệ có tính hợp pháp”, ông Noah nói.
Huyền Anh
———————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 08-01-2018:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Co-nen-cam-dau-tu-Bitcoin-46919.html
(411/997)