(TP) – Phân tích với Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, sự việc đến lúc này cũng không thể đổ tại ngân hàng, doanh nghiệp hay công an mà lỗi bởi tại luật của chúng ta chưa đồng bộ.
Người mua xe trả góp bị phạt vì lỗi không có đăng ký.
Cụ thể, ông chỉ ra: xét về lý, Bộ Công an đã làm đúng pháp luật. Hiện Nghị định 163 về giao dịch đảm bảo đã hết hiệu lực, lẽ ra khi chưa kết thúc thì các bộ ngành phải tranh thủ ngồi lại kiến nghị ngay, còn để đến giờ, muốn làm phải sửa luật (4 luật có liên quan như Luật Đường bộ, Hàng hải, Hàng không…). Còn xét về tình, ngân hàng đã cho vay rồi, trả giấy tờ gốc giờ khác nào như thả gà ra đuổi, không có gì cầm cố, ngân hàng có thể mất tiền.
Nên làm gì với tình thế hiện nay? Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất hai giải pháp. Thứ nhất, việc cần làm là phải sửa luật ngay. Thứ hai, phải chấp nhận cho ngân hàng giữ giấy tờ bản gốc và sau đó sửa luật. Trong lúc đó, dừng lại không phạt người dân nữa vì họ đúng là đứng giữa, oan ức.
Theo vị luật sư này, hiện tham khảo thông lệ quốc tế đều cho phép ngân hàng giữ giấy tờ gốc của chủ xe hay giấy tờ sở hữu nhà nếu tài sản đó thấp chấp vay ngân hàng. Thậm chí, người ta còn tách giấy sở hữu xe và giấy lưu hành xe ra làm hai. Khi đó, chủ xe giữ giấy tờ lưu hành bình thường, còn ngân hàng giữ giấy tờ sở hữu nếu ở Việt Nam mình làm được như vậy thì tốt quá.
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của NHNN, đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực. Nhưng theo Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 thì ngân hàng được phép giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp của chủ sở hữu theo thỏa thuận, trừ trường hợp có luật khác.
Phân tích, giới luật sư đều nhấn mạnh: Nghị định 163 và Nghị định 11 (sửa đổi Nghị định 163) không phải là văn bản dưới luật. Do đó, tất cả các quy định khi thực hiện vẫn phải căn cứ điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 – tức là bên cho vay được phép giữ giấy tờ liên quan.
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và Công văn số 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 của NHNN, đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực. Nhưng theo Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 thì ngân hàng được phép giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp của chủ sở hữu theo thỏa thuận, trừ trường hợp có luật khác.
KHÁNH HUYỀN
Tiền phong (Pháp luật) 07-7-2017:
http://www.tienphong.vn/phap-luat/lo-tha-ga-ra-duoi-1165060.tpo
(610/610)