1.719. Kỳ vọng năm 2018 là năm hành động chính sách và tiền tệ

(VTV1) – Để nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2017, dự báo các yếu tố tác động đến nền   kinh tế trong năm 2018, từ đó chỉ ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh   trong năm tới, Trung tâm Tin tức VTV24 và BizLIVE đã tổ chức Hội thảo Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 – kỳ vọng đây sẽ trở thành diễn đàn uy tín về thảo luận chính sách và phân tích diễn biến thị trường. Qua buổi tọa đàm này, nhìn chung, các đại biểu đều tỏ ra khá tin tưởng vào sự tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế 2018

Với tên sự kiện là “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018”, Ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhớ lại một cuộc hội thảo như vậy trong năm 2017 cũng thời điểm này.

“Khi đó chúng ta ngồi đây và đánh giá rất thận trọng về tăng trưởng kinh tế, đầu tư nước ngoài, vĩ mô. Khi đó tăng trưởng của chúng ta rất thấp, thảm họa môi trường ở miền Trung do Formosa gây ra chưa khắc phục được và nhiều tình hình mới trên thế giới diễn biến phức tạp, như Tổng thống Mỹ Donald Trump ưu tiên chính sách bảo hộ. Nhưng trong suốt năm 2017, chúng ta đã cố gắng và từ tháng 6/2017, tình hình sáng dần. Đến cuối năm đã vượt mục tiêu” – ông Nguyễn Mại chia sẻ.

Theo ông Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 4 động lực tăng trưởng kinh tế 2017 gồm:

– Thứ nhất, Việt Nam là kinh tế mở, 2017 kinh tế thế giới chuyển sang tích cực hơn, Việt Nam được lợi hơn.

– Thứ hai, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi, tích cực hơn.

– Thứ ba, đột biến trong sản xuất, xuất khẩu mà các chuyên gia hay đề cập đến Samsung và Formosa.

– Thứ tư, nỗ lực cải cách, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, thế giới ghi nhận.

Dù vậy, ông Nguyễn Mại đánh giá năm 2018 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức không hề nhỏ. Trong đầu tư nước ngoài, có các dự án chạy nhiệt điện bằng than chiếm hơn 7 tỷ USD. Nhìn vào đầu năm có rất nhiều diễn biến phức tạp nên không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường nên khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức để đối phó với bất kỳ tình huống nào. Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho rằng dù Việt Nam cố gắng rất nhiều nhưng GDP trên đầu người gần 2.400 USD vẫn còn chưa cao. Trong ASEAN, GDP của Indonesia đã vượt quá 1.000 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam chỉ có 220 tỷ USD.

Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng cần bàn luận nghiêm túc khi đánh giá về hiệu ứng 2017 và 2018: “Đối với Việt Nam, mọi sự phấn khởi dẫn đến mất bình tĩnh. Các số liệu, nhiều con số chúng ta biết như số liệu tăng trưởng năm qua cao nhất 8-9 năm trở lại, quý III có sự nhảy vọt. Số doanh nghiệp năm ngoái cũng ở mức cao kỷ lục, ít nhất 8-10 năm trở lại đây”.

“Với nỗ lực, xuất phát điểm thấp như đầu năm, điều ai cũng sửng sốt là kỳ tích nhưng nhiều chuyện còn hấp dẫn hơn, tôi cho rằng ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận thành tích năm nay. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là chất lượng. Đó là chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu” – ông Trần Đình Thiên cho biết thêm.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế 2018, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Cá nhân tôi nhận định rằng đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8-9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8-9% trong 10 năm”.

Ngay tại hội nghị, BTC đã tiến hành khảo sát và lấy kết quả ngay tại chỗ ý kiến các đại biểu dự đoán tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Kết quả khá lạc quan khi có 50% những người tham gia tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng từ 6,7 – 7% trong năm nay. Thậm chí có 25% kỳ vọng GDP sẽ tăng vượt mức 7%. Tăng trưởng kinh tế tích cực sẽ giúp thị trường tài chính sôi động hơn. Kênh đầu tư nóng nhất vẫn là chứng khoán. 57% người tham gia cho biết sẽ rót tiền mua cổ phiếu trong năm nay. Cao hơn nhiều so với những kênh đầu khác như gửi tiết kiệm, hay kinh doanh.

Triển vọng ngân hàng 2018 sau năm thành công của tài chính 2017

Về hoạt động của ngân hàng năm qua, ông Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Năm 2017, về khu vực tài chính bao gồm cả ngân hàng, đã có những thành công trong chính sách tiền tệ. Thành công ở đây không phải là đưa ra chính sách tốt mà hành động thực thi chính sách tốt. Chính sách của Việt Nam tốt nhưng hành động lại không mấy khi tốt. Tuy nhiên, năm 2017 chúng ta đã kiên định với mục tiêu dài hạn, không để cho mục tiêu ngắn hạn và thành tích chính trị phá bỏ mục tiêu dài hạn. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao điều này. Về tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng, trong năm qua ngân hàng chưa có điều kiện giảm nhiều nên khá kiên định với mục tiêu dài hạn đề ra”.

Năm 2017 cũng là năm thành công của tài chính, bao gồm toàn bộ các ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm và nhất là khu vực ngân hàng. Thành công của chính sách tiền tệ là hành động thực thi chính sách tốt. Năm 2017, Việt Nam kiên định các mục tiêu tài chính dài hạn và đã được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao.

Lòng tin vào hệ thống ngân hàng được cải thiện, các xếp hạng về ngân hàng được thay đổi theo hướng tích cực. Triển vọng xếp hạng của Việt Nam được chuyển từ “tiêu cực” sang “ổn định” và nay là triển vọng “ổn định tích cực”. Nợ xấu giảm từ 17% (2014), xuống 12% (2016) và 9,4% (2017). Chỉ số sinh lời tăng gần gấp đôi lên tới 11%, có ngân hàng vượt mức 14-15%, đạt mức trung bình khá của khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá: “Công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và toàn hệ thống nói chung đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định, tạo triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018”.

Theo đó, năm 2018 vẫn sẽ duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn. Chu kỳ dài hạn thì đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá.

Năm 2018, lạm phát mức 4%, lãi suất ổn định, giảm nhẹ, tỷ giá ổn định. Kiểm soát tín dụng với bất động sản sẽ như năm 2017, không siết vào nhưng cũng không nới lỏng làm bùng nổ. Cho vay tiêu dùng dự báo tiếp tục tăng mạnh.

Nhận định về thách thức ngành ngân hàng năm 2018, Ông Lê Xuân Nghĩa nêu ra 3 thách thức: “Thứ nhất, tình hình quốc tế, gỡ bỏ hạn chế kiểm soát tài chính ngân hàng. Thứ hai, yếu nhất là vốn và nhân lực. Thứ ba là rủi ro chính quyền, nói như Thủ tướng là ‘trên nóng dưới lạnh’ nhưng thật ra vẫn như cũ, rủi ro chính quyền còn lớn, chi phí để chống đỡ rủi ro chính quyền cao và mất nhiều thời gian về điều này cho nên kéo theo ngân sách và nợ công, nếu không xử lý dứt điểm. Điều quan trọng, hiệu quả vẫn rất kém. Đó là những thách thức trước mắt với Việt Nam. Những chính sách của lĩnh vực này không quan trọng bằng cách thức chúng ta thực hiện đó. Kỳ vọng năm 2018 là năm hành động chính sách và tiền tệ nhằm vào mục tiêu dài hạn“.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cũng có đánh giá về việc kiểm soát tín dụng như sau:Với câu chuyện tín dụng của Việt Nam, quan điểm của tôi là chúng ta không nên dựa quá nhiều vào tín dụng. Tất nhiên tín dụng vẫn là kênh đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trong vốn đầu tư thì đầu tư bằng tín dụng chiếm 60%, còn 40% từ các dòng vốn khác. Vậy nếu tín dụng tăng trưởng tích cực còn 40% còn lại không tích cực thì cũng không thể phát triển kinh tế.

Theo nghiên cứu của chúng tôi với số liệu của 10 nước, nếu đẩy tín dụng tăng thêm 10% thì tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0,5%. Như vậy không phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ nhất thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Có nên Bitcoin là tiền tệ?

Năm 2017, từ khóa được nhiều người tìm kiếm thứ 2 trên Google chính là Bitcoin. NHNN khẳng định là đây không phải là đồng tiền thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI lý giải: “Bitcoin là ứng dụng công nghệ. Nó không phải là tiền, nó cũng không phải là tiền mã hoá. Mọi người hay gọi là tiền ảo nhưng tôi gọi nó là tiền nhái. Nó không phải là loại 3 tài sản đầu theo quy định bộ Luật Dân sự (gồm vật, tiền và giấy tờ có giá), mà thuộc loại thứ tư là quyền tài sản. Tôi cho rằng không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch dù nó rất rủi ro, nhưng càng rủi ro thì càng nhiều cơ hội. Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật”.

Ông Noah Eric Silverman – Sáng lập Công ty Helios. AI – Chuyên gia Trí tuệ nhân tạo, tiền ảo lại cho biết: ” Khu vực châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, mọi người rất hào hứng với tiền ảo, họ dễ dàng chấp nhận sử dụng Bitcoin và có sự dịch chuyển từ dùng Bitcoin sang bất động sản. Chính phủ cần xây dựng khuôn khổ phù hợp quản lý tiền Bitcoin tốt hơn, coi đây như là tiền tệ có tính hợp pháp“.

Ông Đặng Huy Đông lại cho rằng không nên xem Bitcoin là phương tiện thanh toán: “Như ta đã thấy, 95% người chơi Bitcoin thua và chỉ có 5% là thắng. Như vậy độ rủi ro là rất cao và chúng ta phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Nói đơn giản một ngày anh muốn chuyển Bitcoin sang tiền thì anh có chuyển được không?“.

Năm 2018 là năm phân khúc bất động sản trung cấp tỏa sáng

Năm qua, thị trường bất động sản ấm lên ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt TP.HCM ở phân khúc bất động sản thương mại, condodel.

Ông Dương Đức Hiển – Đại diện Savills Hanoi đánh giá thị trường bất động sản năm qua: “2017 là năm có nhiều thành công, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Ngoài ra, đối với phân khúc trung cấp và thấp cấp có tỷ lệ hấp thụ tốt. Đặc biệt, 2017 là năm sản phẩm mới bất động sản condotel, các hạng mục được nhà đầu tư quan tâm năm 2017”.

“Theo nhận định chúng tôi, từ năm 2016, 2017 phân khúc cao cấp tỏa sáng. Với 2018, đây là năm phân khúc trung cấp tỏa sáng ở thị trường Việt Nam. Vì nguồn cầu cao, số lượng người có nhu cầu mua nhà thực rất lớn. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, số người có khả năng chi trả mua căn nhà của mình chưa nhiều. Năm 2017, nhiều dự án đưa ra có mức giá từ 40 triệu/m2, thậm chí lên đến 70-80 triệu/m2 thì không nhiều người đáp ứng được”.

Theo khảo sát của Savills Hanoi, nhiều người tính thuê nhà 10 năm, mất tiền thuê nhà 1,5-2 tỷ nhưng 10 năm tích lũy được phần vốn tương ứng có thể vay được. Dự án có mức giá trung bình rất thiếu, ngoài ra có chỉ số liên quan đến nhà ở xuống cấp ở Hà Nội, ở các thành phố là lớn.

Còn một phân khúc nổi bật trong năm qua là căn hộ condotel và khách sạn thương mại. Có tới 60% lượng tiền đổ vào condotel nhưng chính sách vẫn chưa có khả năng quản lý cụ thể về vấn đề này.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết về vấn đề này: “Hiện nay có hai luồng quan điểm. Thứ nhất, mọi người đều coi condotel, officetel là một dạng nhà ở. Quan điểm thứ hai là một công trình kinh doanh dạng du lịch không phải nhà ở. Quy định nhà nước là cấm sử dụng căn hộ nhà ở cho các mục đích khác, ngoài để ở. Hiện pháp luật chưa công nhận condotel là nhà ở, Luật Đất đai cũng chưa công nhận. Chính phủ về vấn đề này và đang trên con đường tiếp tục thảo luận xác định quan điểm này như thế nào. Nếu không xác định rõ khái niệm này thì năm 2018 sẽ xảy ra nhiều bàn cãi tranh luận gây ra rủi ro không đáng có cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức”.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC lại có ý kiến khác: “Với gần 20 năm trong nghề luật, tôi đồng tình với anh Khởi là loại hình này có thể ghép vào dịch vụ kinh doanh du lịch, nhưng tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng luật không rõ ràng về mô hình kinh doanh căn hộ condotel. Bởi vì Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS không có thì ta lấy Luật Dân sự ra ta làm. Giao dịch condotel là thỏa thuận dân sự theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư. Nếu luật không chấp nhận thì sao trên 60% dòng tiền đổ vào bất động sản là vào bất động sản nghỉ dưỡng”.

“Tôi tin nếu thống nhất được về vấn đề này, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn phát triển hơn nữa vào năm 2018, và sẽ không còn tình trạng hiểu sai, gây tranh chấp về vấn đề căn hộ condotel. Condotel là một cách huy động vốn nhanh, giúp đưa du lịch sớm trở thành kinh tế mũi nhọn. Quốc hội họp hai lần mỗi năm, thì nếu điều chỉnh luật có thể doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu nữa, trong khi dòng vốn đang đổ vào bất động sản nghỉ dưỡng ngày càng nhiều lên” – đại diện Tập đoàn FLC chia sẻ.

Nội dung: Báo điện tử VTV News – Trung tâm Tin tức VTV24

Ảnh: Nguyễn Sơn (BizLIVE)

Đồ họa: Duy Nguyễn

————————-

VTV1 (Kinh tế) 10-01-2018:

http://vtv.vn/kinh-te/ky-vong-nam-2018-la-nam-hanh-dong-chinh-sach-va-tien-te-20180109101826608.htm

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,984