(LĐ) – Các chuyên gia kinh tế, luật sư đều cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải có nghiên cứu, thậm chí có đề án về khuôn khổ pháp lý để quản lý các tiền ảo, tài sản ảo, không nên “không quản được thì cấm”.
Ông Noah Eric Silverman – Sáng lập Công ty Helios. AI – chuyên gia Trí tuệ nhân tạo, tiền ảo – cho rằng, Chính phủ cần xây dựng khuôn khổ phù hợp quản lý tiền bitcoin tốt hơn, coi đây như là tiền tệ có tính hợp pháp. Ảnh: Quang Sơn
Trước sự tăng, rồi giảm giá khá nóng gần đây của bitcoin trên các sàn tiền ảo quốc tế đã khiến dư luận trong nước khá quan tâm và thậm chí vẫn đang có những giao dịch “ngầm” diễn ra cho dù về mặt pháp lý hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã nhiều lần khẳng định quy định pháp luật hiện hành bitcoin không phải là đồng tiền pháp định và bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở trên lãnh thổ Việt Nam.
Trên thực tế hiện nay, bitcoin chỉ là loại tiền ảo, theo ông Trần Hữu Đức – thành viên CLB Fintech Vietnam – hiện có hai loại tiền ảo dựa trên Blockchain, trong đó loại thứ nhất là những cái tên quen thuộc như bitcoin, ethereum… Và loại thứ 2 là tiền ảo sinh ra thông qua ICO dựa trên nền tảng khác mà phổ biến là dựa trên ethereum. Việc đầu tư vào ICO có nhiều rủi ro, thực chất là hình thức gọi vốn trước khi thực hiện dự án thông qua phát hành tiền ảo.
Chính vì tính hấp dẫn nhưng đi kèm theo đó là rủi ro như vậy nên mới đây, trong văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1.2018 có yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với NHNN khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21.8.2017.
Theo TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – trong khảo sát tại 10 nước thì 6 nước có xu hướng quản lý bitcoin theo hệ thống bài bản, còn lại khá thận trọng như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… “Chúng ta không nên cấm đoán hoàn toàn bitcoin mà nên quan tâm đến vấn đề quản lý bitcoin như thế nào” – ông Lực khuyến nghị.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng, bitcoin không phải là 3 loại tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá, mà là loại tài sản thứ tư, đó là quyền tài sản. Vị luật sư này phân tích: Vấn đề là tài sản thì mặc nhiên phải theo quy định của Bộ luật Dân sự. Vậy chúng ta có công nhận bitcoin là hàng hoá hay không theo quy định của Luật
Thương mại.
Từ đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, không nên cấm giao dịch đầu tư, kinh doanh bitcoin, mặc dù bitcoin “rất ảo và rất rủi ro”. Ông Đức lý giải “Theo luật hiện hành thì bitcoin không bị cấm giao dịch mua bán, trao đổi, tặng cho… chỉ bị cấm thanh toán, tức là cấm coi bitcoin như tiền”.
Chắc chắn những ý kiến của các chuyên gia kinh tế và luật sư sẽ được Bộ Tư pháp và NHNN tham khảo, xem xét, nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam.
Bản thân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng khẳng định: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp từ góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ để có cơ sở pháp lý để quản lý bitcoin” – Thống đốc nói.
Tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư kinh doanh 2018” mới được tổ chức gần đây (ngày 5.1.2017), ông Noah Eric Silverman – chuyên gia trí tuệ nhân tạo, tiền ảo – sáng lập Cty Helios, cho rằng: Khu vực Châu Á là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, mọi người rất hào hứng với tiền ảo, họ dễ dàng chấp nhận sử dụng bitcoin và có sự dịch chuyển từ dùng bitcoin sang bất động sản. Tuy nhiên, trước thông tin cho rằng nhiều người Việt Nam vẫn đang rất e dè và nghi ngại tiền ảo, ông Noah Eric Silverman nêu ý kiến: Đây là do suy nghĩ truyền thống, kinh doanh truyền thống vì bitcoin hoạt động không theo khuôn khổ nào, nhiều rủi ro. Ông Noah cũng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng khuôn khổ phù hợp quản lý tiền bitcoin tốt hơn, coi đây như là tiền tệ có tính hợp pháp.
Còn theo quan điểm của nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, không nên xem bitcoin là phương tiện thanh toán. Cũng không nên coi bitcoin là tài sản, bởi như chúng ta đã thấy, 95% số người chơi bitcoin thua và chỉ có 5% là thắng. Như vậy độ rủi ro là rất cao và chúng ta phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. Ví như, nếu người sở hữu muốn chuyển bitcoin sang tiền thật thì có chuyển được không? Ông Đông cũng cho rằng nên tìm hiểu gốc gác của bitcoin là gì. Khi bitcoin ra đời thì tính công nghệ của nó đã vượt lên, trở nên tiện dụng cho thanh toán và nhiều mặt khác. Xu thế trên thế giới là đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại. Thời gian tới sẽ có nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý tiền ảo một cách chính thức hơn.
NGỌC THỦY
—————————–
Lao động (Kinh tế) 13-01-2018:
https://www.laodong.vn/tien-te-dau-tu/tien-ao-khong-nen-cam-ma-quan-ly-the-nao-586127.ldo
(155/1.064)