1.725. Nỗi lo “siết” tín dụng nếu ngân hàng trả giấy tờ xe trả góp.

(NĐT) – Nhiều ngân hàng phản ứng khi bị dư luận phản đối việc giữ giấy tờ xe trả góp, trong khi chuyên gia kinh tế lo ngại rằng tín dụng theo hình thức thế chấp ngân hàng có thể bị siết lại.

Người tiêu dùng hoang mang…

Thời gian qua, nhiều người mua xe ô tô trả góp có thế chấp ngân hàng khi lưu thông trên đường đã bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi không có giấy đăng ký xe. Đa số các chủ xe này tỏ ra khá bất ngờ vì khi mua xe theo hình thức trả góp, họ đã thế chấp giấy đăng ký gốc tại ngân hàng và phải sử dụng giấy tờ phô tô công chứng có xác nhận của ngân hàng. Việc này được thỏa thuận sẽ kéo dài cho đến khi trả hết số tiền đã vay.

Vấp phải phản ứng của người dân, lực lượng CSGT địa phương đã có văn bản đề nghị Cục CSGT (C67, Bộ Công an) hướng dẫn. Và ngày 31/5/2017, Cục CSGT có văn bản số 2916/C67-P9 hướng dẫn lực lượng CSGT các tỉnh thành, khẳng định việc xử phạt chủ phương tiện không có giấy tờ gốc là hoàn toàn chính xác.

Người tiêu dùng bất ngờ khi bị CSGT phạt vì thiếu giấy tờ gốc đối với xe trả góp (ảnh minh họa)

Theo nội dung văn bản này: “Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Trước đó, ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc thế chấp tài sản, nhất là phương tiện giao thông. Theo nội dung văn bản này, bên thế chấp (tức chủ xe) được giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Cả bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định việc các ngân hàng giữ giấy tờ xe trong giao dịch vay thế chấp là phạm luật.

Ngân hàng sẽ gánh rủi ro

Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – VNBA), nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải) thì không nghĩ thế.

Trao đổi với phóng viên báo Người đưa tin, luật sư Đức cho rằng việc ngân hàng giữ hồ sơ gốc của người mua xe trả góp không hẳn là sai, vấn đề là tùy theo cách giữ.

Luật sư Trương Thanh Đức

Về mặt pháp luật thì từ trước đến nay luật luôn thống nhất quy định phải có giấy tờ gốc khi lưu hành xe.

Chỉ có thời kỳ những năm 2006 (ra đời Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm) và năm 2012 (Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 ra đời sửa đổi, bổ sung NĐ 163) là Chính phủ cho phép Ngân hàng được giữ giấy tờ gốc.

Tuy nhiên đến nay hai Nghị định này đã hết hiệu lực, do đó việc ngân hàng giữ giấy tờ xe gốc của khách hàng “mà có thỏa thuận rõ trong hợp đồng” là sai.

Tuy nhiên, vị chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm luật sư tư vấn chuyên nghiệp về lĩnh vực kinh tế – ngân hàng này lại khẳng định luật pháp và thực tế trong lĩnh vực này vẫn đang tồn tại một khoảng cách.

Cụ thể là sau khi 2 Nghị định nói trên hết hiệu lực thì các ngân hàng hiện nay đang “lách luật” một cách khôn ngoan là lập một thỏa thuận bên ngoài với khách hàng thông qua đơn của chủ xe tự nguyện nhờ ngân hàng giữ hộ giấy tờ xe, hoặc là một hợp đồng gửi giữ giấy tờ quan trọng, tương tự như hợp đồng nhờ ngân hàng giữ hộ vàng bạc đá quý, cổ phiếu, di chúc… vào kho két của ngân hàng.

“Đây hoàn toàn là một cuộc chơi sòng phẳng, tự nguyện. Bộ Luật dân sự năm 2015 có quy định người tiêu dùng mua xe theo hình thức này thì giấy tờ xe do khách hàng hay ngân hàng giữ sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên” – luật sư Trương Thanh Đức nói.

Dưới góc độ pháp lý thì vẫn có quyền lên án ngân hàng nhưng thực tế thì ngân hàng không bao giờ “thả” ra được. Thà là không nhận thế chấp, nếu nhận thì bằng mọi giá họ phải giữ giấy tờ gốc. Vì đã có quá nhiều bài học trong đó ngân hàng giữ giấy tờbản chính vẫn bị mất xe chứ nói gì không giữ. Trong giai đoạn trả nợ ngân hàng, nhiều chủ xe vẫn bán bất hợp pháp, mang đi nơi khác hoặc là không trả nợ nhưng không để ngân hàng thu giữ… Trường hợp này tài sản đó coi như mất và ngân hàng phải chịu. – luật sư Đức cho biết thêm.

Luật sư Đức cũng chia sẻ: Trước đây ngân hàng cấp bản sao đăng ký xe cho khách hàng, ban đầu cấp dài hạn, về sau phải cấp từng tháng. Lý do vì sao? Là vì nếu cấp dài thì khách hàng quên ngân hàng, có khi hàng năm họ không đến ngân hàng trả nợ, trong khi xe vẫn chạy ầm ầm.

Nỗi lo tín dụng bị siết lại

Trong khi đó, một số ngân hàng bắt đầu rục rịch có phản ứng, còn các chuyên gia kinh tế thì lo ngại rằng khi ngân hàng không được quyền giữ bản gốc giấy tờ xe thế chấp để đảm bảo khoản cho vay, thì việc cho vay mua ôtô trả góp theo hình thức thế chấp sắp tới có thể sẽ bị siết chặt.

Trao đổi với PV, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết đơn vị này đã bắt đầu nhận được những phản hồi đầu tiên của khách hàng. Hiện tại họ đang trì hoãn trả lời khách hàng để chờ văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, vị giám đốc này cho biết sẽ liên kết với một số ngân hàng thương mại khác để gửi văn bản xin hướng dẫn chi tiết lên Ngân hàng Nhà nước.

“Nếu trong văn bản trả lời chi tiết, NHNN vẫn yêu cầu các ngân hàng thương mại trả giấy tờ xe bản chính cho khách hàng thì chúng tôi buộc phải chấp hành. Tuy nhiên song song với chấp hành chủ trương nói trên, chúng tôi sẽ phải đề xuất các phương án khác để đảm bảo tài sản, tránh rủi ro nợ xấu” – vị giám đốc ngân hàng cho hay.

Trước tình hình nói trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, nếu chủ trương này được áp dụng, ông lo ngại thời gian tới các ngân hàng sẽ thắt chặt tín dụng với ôtô trả góp và như vậy sẽ kìm hãm thị trường và gây ra một số rối loạn tâm lý không cần thiết.

Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong

Ông Phong cho rằng việc bộ Công an siết chặt xử phạt xe không có giấy tờ gốc là một hình thức tăng cường quản lý xe ô tô chính chủ, đây là một chủ trương đúng, tuy nhiên cần thực hiện mềm dẻo, linh hoạt.

“Tôi ủng hộ việc các ngân hàng giữ bản gốc giấy tờ xe thế chấp để quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn vay trong quá trình cho vay. Nếu cho vay thế chấp mà không được giữ giấy tờ xe bản chính, chắc chắn tín dụng cho vay ôtô sẽ bị thắt chặt lại. Ngân hàng sẽ chuyển sang cho vay tín chấp, khi đó, lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều và người tiêu dùng chính là người chịu thiệt” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.

Minh Minh


Người đưa tin (Kinh doanh) 11-7-2017:

http://www.nguoiduatin.vn/noi-lo-siet-tin-dung-neu-ngan-hang-tra-giay-to-xe-tra-gop-a332004.html

(572/1.459)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.980. Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất...

Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất động sản sẽ có cuộc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,040