(KT&TD) – Vấn đề giữ giấy tờ gốc xe ô tô thế chấp tại ngân hàng được dư luận quan tâm trong thời gian qua, tại Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng diễn ra sáng nay (12/7), nhiều chuyên gia ngân hàng, luật sư đã đưa ra ý kiến.
Ý kiến của các chuyên gia về giữ giấy tờ gốc xe ô tô thế chấp |
Vấn đề giữ giấy đăng ký bản gốc trong khi xe đang được thế chấp tại ngân hàng là một trong những chủ đề nóng được nhiều người quan tâm hiện nay. Những quy định về pháp luật đang tạo nhiều lúng túng cho cả người đi vay, công an và ngân hàng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Chỉ cần dùng bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng
Tiến sĩ Cấn Văn Lực |
TS Cấn Văn Lực cho rằng khi khách hàng đã sử dụng ô tô đó để làm tài sản thế chấp thì thông thường giấy tờ sở hữu tài sản đó phải đi cùng hồ sơ thế chấp. Ngân hàng là chủ nợ thì ngân hàng nên là người nắm giữ giấy tờ gốc này.
Về phía công an, có thể căn cứ vào bản sao công chứng, nếu bên công an nghi ngờ việc bản sao công chứng có thực hay không, có thể hiện là giấy tờ gốc đang ở ngân hàng hay không thì đó là nhiệm vụ của chủ xe. Theo đó, ngân hàng có thể thực hiện xác nhận vào giấy tờ trên với nội dung thể hiện rõ thông tin về khoản vay và hợp đồng thế chấp tài sản tại ngân hàng.
Theo ông giải pháp sử dụng giấy tờ sao y công chứng có xác nhận của ngân hàng là đủ tính pháp lý thể hiện việc sở hữu xe và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Chuyên gia Kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Công an không cần thiết phải kiểm tra giấy tờ gốc
Chuyên gia Kinh tế Lê Xuân Nghĩa |
Nhận định về việc công an yêu cầu phải xuất trình giấy tờ đăng ký bản chính đối với các xe đang thế chấp tại ngân hàng, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng đó là một điều không nên làm.
Theo ông, công an chỉ giám sát lái xe ở khía cạnh có bằng lái xe, có đi đúng luật và xe có đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành (thể hiện ở đăng kiểm của xe) hay không. Còn việc ai là chủ sở hữu xe thực sự không quan trọng vì xe có thể là xe đi mượn, xe đi thuê hay xe thế chấp.
Ông cũng đưa ra ví dụ trong trường hợp vay tiền mua nhà và thế chấp, công an có tự dưng đến để kiểm tra nếu không có sổ đỏ thì hiểu ngay là ông ở nhà người khác và mời ra khỏi nhà hay không.
Tiến sĩ cho rằng, công an cần tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý để người dân có thể tuân thủ và hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không thể cái gì cũng kiểm soát được.
Luật sư Trương Thanh Đức: Nếu áp dụng theo Luật sẽ dễ gây khủng hoảng
Luật sư Đức cho biết có ít nhất 6 luật liên quan đến các phương tiện giao thông khác nhau, 4 luật trong số đó từ trước đến nay đều quy định rõ khi lưu hành phải mang theo bản chính đăng ký phương tiện sử dụng, không có ngoại lệ. Riêng Luật đường sắt và Luật thuỷ sản (quy định về tàu cá) thì không nói ai giữ giấy tờ gốc.
Theo ông, quy định mang giấy tờ sở hữu gốc theo xe là đúng nhưng đúng trong môi trường lý thuyết như tại nước ngoài khi hệ thống quản lý pháp luật chặt chẽ. Còn tại Việt Nam, mặc dù đã ký hợp đồng thế chấp, thông báo hạn chế chuyển nhượng nhưng nếu xe ô tô đã đi thế chấp mà chủ xe vẫn giữ giấy tờ xe gốc thì “cực kỳ nguy hiểm”.
Do đó, ông khẳng định là ngân hàng sẽ không bao giờ buông giấy tờ này mặc dù trái luật.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Ông cũng nêu rõ theo luật quy định từ năm 2007 – 2011 thì ngân hàng được phép giữ bản chính, nhưng từ năm 2012 ngân hàng không được giữ nữa.
Luật đã có từ lâu nhưng việc thi hành thì đang còn bỏ ngỏ. Vấn đề này không hề có lỗi của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ vì luật đã ban hành, chỉ có ngân hàng đang thực hiện sai luật, luật sư nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Luật sư thể hiện quan điểm ủng hộ việc ngân hàng giữ bản chính. Ông cũng đưa ra nhiều trường hợp trong thực tế, ngay cả khi giữ giấy tờ gốc, ngân hàng vẫn có khả năng mất trắng. Khi tình trạng tín dụng đen đang không kiểm soát được và khó mà kiểm soát được thì khách hàng hoàn toàn có thể sử dụng xe đi cầm cố ở nơi khác mặc dù trái pháp luật. Trong khi đó để xử lý vấn đề thông qua toà án thì mất rất nhiều thời gian, chi phí mà có trường hợp không thu về được.
Từ những quan điểm và đánh giá trên, Luật sư đưa ra kiến nghị là nên tạm thời dừng xử phạt lỗi không mang giấy tờ gốc đối với xe đang thế chấp tại ngân hàng. Trường hợp Quốc hội để nguyên tình trạng trên thì ngân hàng phải dừng cho vay thế chấp xe. Trong khi đó khối lượng phương tiện đang thế chấp là rất lớn, việc xử phạt này gây ảnh hưởng đến nhiều đối tượng từ khách hàng, ngân hàng đến cơ quan hành pháp.
Mặt khác, ông phân tích nếu xem xét rõ ra thì giấy đăng ký xe hoàn toàn không nên mang thêm giá trị sở hữu.Nhiều nước trên thế giới đã tách riêng hai loại giấy đăng ký lưu hành và giấy tờ sở hữu xe để tiện cho việc sử dụng.
Ông cũng đề xuất việc ngân hàng được giữ giấy tờ gốc và thêm một số điều kiện khác về lưu hành xe đang thế chấp. Nếu không ngân hàng sẽ bằng cách nào đó để “lách luật”. Hoặc sẽ sử dụng một số biện pháp khác để giữ giấy tờ bản chính như làm thêm hợp đồng đề nghị ngân hàng giữ giấy tờ xe. Hoặc khách hàng vay có đơn đề nghị ngân hàng giữ hộ giấy tờ xe với lý do tránh mất mát, khách hàng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Diệp Bình
Kinh tế & Tiêu dùng (Thị trường) 12-7-2017:
http://vietnambiz.vn/chuyen-gia-ngan-hang-noi-gi-ve-giu-giay-to-goc-xe-o-to-the-chap-26133.html
(608/1.172)