(VNP) – Là người làm ngân hàng lâu năm, trực tiếp tham gia vào công cuộc xử lý nợ xấu của ngân hàng mình, ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank thừa hiểu hiện nay để xử lý được một vụ việc liên quan đến tài sản thế chấp mà trở thành nợ xấu nó khó khăn, phức tạp thế nào.
Nhiều khoản nợ xấu là bất động sản. Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chính vì vậy, Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua theo ông Hưởng không đơn thuần là giải quyết những khó khăn cho các ngân hàng thương mại mà thực chất là gỡ những nút thắt hằn sâu trong nền kinh tế sau nhiều năm. Đây là bước đột phá chính sách hội nhập sẽ làm tăng điểm tín nhiệm quốc gia trên trường quốc tế.
Tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản
Vấn đề đặc biệt quan trọng được quan tâm là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.
Theo đó, kể từ ngày 15/8, nếu bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không giao tài sản cho tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng sẽ được phép thu giữ tài sản bảo đảm đó theo quy định.
Tuy nhiên, việc thu giữ tài sản bảo đảm phải tuân thủ điều kiện không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thu lý, chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án, tài sản không đang bị Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Đồng thời, tổ chức tín dụng được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Theo Nghị quyết mới, việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản tại các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các điều kiện như dự án bất động sản đó đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt, có quyết định giao đất, cho thuê đất, dự án đó không có tranh chấp hay đã được thụ lý chưa giải quyết hoặc đang giải quyết tại Tòa án.
Lãnh đạo một ngân hàng lớn có trụ sở chính tại Hà Nội cho biết, ngân hàng của ông rất nhiều lần đưa ra kiến nghị để tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm nhưng do Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận bảo đảm, nên đã tạo ra sự ỷ lại của một số khách hàng giữ lại tài sản và tiếp tục khai thác để sản xuất kinh doanh.
Ông đưa ra một dẫn chứng tại ngân hàng của mình, một khách hàng vay vốn của ba ngân hàng lớn hơn 300 tỷ đồng để kinh doanh khách sạn ở thành phố Huế chây ỳ không trả nợ đã hơn 5 năm, trong khi tài sản bị thế chấp ngân hàng đã tìm được khách mua để thu nợ nhưng khách hàng vay không chịu bàn giao tài sản vẫn ngang nhiên khai thác thu lời lên đến hàng chục tỷ đồng/năm trên chính tài sản mà theo luật đã là tài sản của các ngân hàng. Ngân hàng kiện ra tòa nhưng đến nay đã 48 tháng nhưng vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.
“Nếu xử lý được khách sạn đó, đem bán thì mới thu được nợ gốc nhưng để chậm vài ba năm nữa thì hết khấu hao, việc thu được 50% giá trị khoản vay cũng là điều khó,” lãnh đạo ngân hàng trên nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý nữa để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản đảm bảo là Nghị quyết quy định rõ: “Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự khi tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài… xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu,”Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo.
Ông Hưởng cho rằng, đây là lần đầu tiên việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng và công an tại nơi thu giữ tài sản bảo đảm được quy định rõ trong Nghị quyết. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết vướng mắc lớn nhất trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng cũng như giúp các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo nhanh hơn với giá bán cao hơn.
Rút ngắn thời gian tại tòa
Nghị quyết cũng quy định, Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông Đoàn Doãn Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn khi trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC có quyền xử lý tài sản bảo đảm; giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Đánh giá về Nghị quyết này, luật sư Trương Thanh Đức thừa nhận rằng, Nghị quyết này mới hơn vì trước đây một vụ án ra tòa thường phải mất rất nhiều thời gian, kéo dài nhiều năm. Đấy là một trong những nguyên nhân rất lớn dẫn tới nợ xấu bị tích tụ, chậm được xử lý.
Luật sư Đức phân tích, trong những năm gần đây, phần lớn nợ xấu của ngành ngân hàng đã từng được gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn và cơ cấu lại nợ dưới các hình thức khác nhau. Vì vậy, có thể ước tính về thời hạn của các khoản nợ như sau: Bình quân thời hạn cho vay vốn là khoảng 1 năm thì thời hạn chuyển thành nợ xấu cộng thêm khoảng 1 năm và thời hạn để xử lý xong nợ xấu là khoảng 3 năm nữa. Như vậy, khoản nợ ngắn hạn 1 năm đã bất đắc dĩ trở thành khoản nợ dài hạn 5 năm, tính ra kéo dài quá 5 lần, tương đương vượt quá 500% kế hoạch.
Chia sẻ về điều này, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cho biết, tại SCB có những vụ việc ngân hàng khởi kiện từ 3 – 4 năm nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng dẫn tới việc xử lý tài sản đảm bảo kéo dài, gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
“Với Nghị quyết này mở ra một hướng tích cực là giải quyết theo thủ tục rút gọn, tất nhiên việc rút gọn thế nào thì lại tiếp tục chờ hướng dẫn của tòa án. Cơ quan soạn thảo cũng nói rằng rút ngắn được một số thời gian chứ không hy vọng được rút ngắn theo nghĩa chúng ta mong muốn. Không thể một vài tuần, một vài tháng giải quyết xong một vụ mà vẫn cứ phải nhiều tháng, thậm chí là hàng năm. Đấy là những khó khăn trong lâu dài,” ông Đức nhấn mạnh.
Tổ chức tín dụng được phép bán nợ dưới giá trị sổ sách. Ảnh minh họa. Ảnh: T.H/Vietnam+)
Cho phép bán nợ xấu dưới giá trị
Một điểm rất quan trọng khác là nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng, VAMC được bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật, giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Quy định này nhằm khẳng định rõ ràng hơn quyền của người bán được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Hiện tại, VAMC chỉ được mua nợ xấu hạch toán trong bảng. Quy định này hạn chế đối tượng các khoản nợ xấu được mua bán theo giá thị trường. Do vậy, bên cạnh việc mua bán các khoản nợ nội bảng, Nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Ông Đoàn Doãn Sơn nhấn mạnh, việc này sẽ cải thiện chất lượng một cách bền vững hơn tài sản của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và VAMC bán nợ theo giá trị thị trường thu được nợ bằng tiền mặt để phục vụ cho việc mở rộng đầu tư, tín dụng mới, giải phóng vốn bị đọng trong các khoản nợ xấu, giảm chi phí cơ hội và cải thiện khả năng sinh lời của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng giảm được số nợ xấu bán cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt để xử lý dứt điểm nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản của của mình.
Ngoài ra, theo ông Sơn, khi bán được các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng, các tổ chức tín dụng sẽ có thêm thu nhập bất thường và nâng cao khả năng như trích lập dự phòng rủi ro đối với tổn thất do chuyển các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường và trích lập dự phòng cho việc xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng, tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá trị thị trường.
Đồng thời, việc cho phép chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua bán theo giá trị thị trường sẽ giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu.
Thúy Hà
Vietnam+ (Tài chính) 14-7-2017:
http://www.vietnamplus.vn/bai-2-ba-nut-that-duoc-thao-go-trong-nghi-quyet-xu-ly-no-xau/455752.vnp
(290/1.947)