(TN) – Các mức thuế, phí tài nguyên đang gây ra hai luồng ý kiến trái chiều, khi một bên cho rằng phải tăng cao để hạn chế khai thác bừa bãi, còn một bên cho rằng thuế cao đang gây khó cho doanh nghiệp trong nước.
Các mức thuế, phí tài nguyên đang gây ra hai luồng ý kiến trái chiều, khi một bên cho rằng phải tăng cao để hạn chế khai thác bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên cho đất nước, còn một bên cho rằng thuế cao đang gây khó cho doanh nghiệp trong nước.
“Bác” những đề xuất giảm thuế
Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính (BTC) chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí đối với tài nguyên, khoáng sản. Theo đó, những năm qua các chính sách tài chính, thuế đối với tài nguyên, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng để đáp ứng yêu cầu quản lý của nhà nước, hạn chế khai thác bừa bãi, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, vẫn có những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, cần tiếp tục sửa đổi cho phù hợp.
Vài ngày trước, BTC đã thẳng tay “bác” không giảm thuế cho than và khẳng định thuế với than đã hợp lý. Bộ dẫn số liệu cụ thể chiến lược phát triển ngành than bảo đảm xuất – nhập khẩu than hợp lý, giảm dần xuất khẩu khoáng sản, chỉ xuất khẩu các loại than trong nước chưa có nhu cầu. Theo đó, giai đoạn 2017 – 2020, mỗi năm xuất khẩu than khoảng 2 triệu tấn. Thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10% – mức thấp nhất của khung thuế từ 10 – 45%, tương đương với thuế xuất khẩu than của Trung Quốc. Còn thuế bảo vệ môi trường với than đang ở mức 10.000 – 20.000 đồng/tấn tùy loại, mức thấp nhất trong khung thuế (10.000 – 50.000 đồng/tấn). Tương tự, thuế tài nguyên với than đá có mức tối đa là 20%, nhưng hiện chỉ thu 10 – 12%.
Không những vậy, BTC cũng quyết không giảm thuế đối với quặng sắt thô, khi Bộ Công thương kiến nghị xuất khẩu quặng sắt do tồn kho lớn, nhu cầu trong nước giảm, đồng thời đề xuất giảm thuế xuất khẩu đối với quặng sắt chế biến chất lượng cao. Hiện thuế xuất khẩu với quặng sắt và tinh quặng sắt là 40%, bằng với mức trần khung thuế suất.
“Thị trường là cạnh tranh, không có lý do nào để giảm thuế tài nguyên, nếu không nói là phải tăng để bảo vệ tài nguyên. Một loạt các tổng công ty khác như Vinalines đã buộc phải tái cơ cấu, thì đây là cơ hội để TKV nói riêng và các công ty nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh.”(Luật sư Trương Thanh Đức)
Thống kê từ biểu mức thuế suất thuế tài nguyên từ năm 2010 đến nay, thì sắc thuế tài nguyên có lộ trình tăng qua từng năm, với mức tăng 2 – 5%. Chẳng hạn sắt từ 10% lên 14%, mangan từ 11 lên 14%, titan từ 11 lên 18%; vàng, đất hiếm từ 15 lên 17%; chì, kẽm từ 10 lên 15%; đá, sỏi từ 6 lên 10%; cát từ 10 lên 15%, than antraxit hầm lò từ 5 lên 10% than antraxit lộ thiên, than nâu, than mỡ từ 7 lên 12%, than khác từ 5 lên 10%… Đây là lý do mà từ năm 2016, ngành than đã nhiều lần xin giảm thuế phí vì điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp, làm giá thành tăng, tồn kho lớn, hiệu quả doanh nghiệp giảm. Giá than nhập khẩu thấp hơn trong nước, trong khi thuế nhập khẩu 0% khiến lượng than nhập khẩu tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2017, VN đã nhập khẩu 5,57 triệu tấn than, trị giá 577,218 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 58,3% về trị giá. Trong khi năm 2016, VN nhập khẩu 13,3 triệu tấn than, trong khi dự kiến chỉ nhập hơn 3 triệu tấn. Hiện nay, Công ty TNHH MTV 397 – Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn than – khoáng sản VN (TKV) tồn kho 10,2 triệu tấn than.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh phân tích, nền kinh tế đang cần vốn đầu tư phát triển. Theo định hướng, quy mô thu ngân sách trong giai đoạn 2016 – 2020 gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011 – 2015, trong đó quy mô thu nội địa (chưa bao gồm thu từ sử dụng đất) tối thiểu gấp 2 lần, đồng thời nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách. Như vậy, nhìn trên mặt bằng chung, khó thể vịn vào lý do mức thuế cao làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh như ngành than. Hơn nữa, cơ chế thị trường hiện nay thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh được thì kinh doanh, mua bán, không thì đóng cửa, thu hẹp quy mô cũng là chuyện thường.
Tài nguyên đang cạn kiệt
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại có góc nhìn khác, khi nhận định rằng chính sách thuế đang tự mâu thuẫn và chưa có sự hậu thuẫn tốt nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Thứ nhất, chúng ta ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có quy định giảm dần mức thuế suất nhập khẩu. Khi phải cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì điều chỉnh các chính sách thuế nội địa.
“Các thuế tài nguyên, bảo vệ môi trường đồng loạt tăng lên đối với than, đá, cát, nguồn nước… có thể hiểu được là một phần trong chủ trương không thể để lãng phí, khai thác bừa bãi mà phải bảo vệ nguồn tài nguyên. Nhưng đồng thời chính sách thuế phí cũng phải hài hòa, bảo vệ được hoạt động sản xuất trong nước nói chung thì mới hợp lý”, ông nói.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng khai thác tài nguyên như than, quặng là gây độc hại đến môi trường, gây hiệu ứng nhà kính… phải đánh thuế ngang ngửa với xăng dầu, trong khi thực tế, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu còn cao hơn so với than. Ông Đức nhận định: “Thị trường là cạnh tranh, không có lý do nào để giảm thuế tài nguyên, nếu không nói là phải tăng để bảo vệ tài nguyên. Một loạt các tổng công ty khác như Vinalines đã buộc phải tái cơ cấu, thì đây là cơ hội để TKV nói riêng và các công ty nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Hồng Sương
Thanh niên (Kinh doanh) 15-7-2017:
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nen-tang-thue-de-han-che-khai-thac-tai-nguyen-855671.html
(125/1.179)