(ĐBND) – Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua cho thấy có tình trạng thất thoát tài sản, nhất là diện tích đất lớn đang thuộc quyền sử dụng của đơn vị. Tình trạng này được một số ý kiến lý giải là do có “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật điều chỉnh với cổ phần hóa DNNN.
Thất thoát do có “kẽ hở”
Biến tài sản công thành tài sản tư?
Trong thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, một số ĐBQH đã chỉ ra tình trạng cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian, làm chậm tiến độ cổ phần hóa DNNN đến nay vẫn chưa có hồi kết, mà cũng chưa được xử lý triệt để. Lực cản với chủ trương cổ phần hóa DNNN, để mở đường giải phóng nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển trong tương lai, được cho do quyền lợi, chế độ với những người đại diện Nhà nước tại các đơn vị này không nhỏ. Theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), thật khó có thể trả lời rằng, không có sự chi phối của lợi ích nhóm ở đây, vì đây đó hiện tượng thâu tóm cổ phần, biến tài sản công thành tài sản tư, làm giàu một cách không bình thường vẫn đang diễn ra.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn cũng chỉ ra hiện tượng, một số người có chức, có quyền trong DNNN và người thân của họ lợi dụng việc nắm giữ thông tin, thao túng quá trình cổ phần hóa, chuyển những lô đất vàng được đánh giá với giá trị thấp. Những lô đất này sau khi cổ phần hóa được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm thấy bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm tăng giá đột biến như vậy. Do đó, Chính phủ cần xác định việc khắc phục những bất cập trong cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016 – 2020.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại hội trường | Ảnh: quochoi.vn |
Một ví dụ tiêu biểu về thất thoát tài sản nhà nước, biến tài sản công thành tài sản tư lâu nay được dư luận nói nhiều đó là việc cổ phần hóa tại kem Tràng Tiền. Đây là thương hiệu lâu năm, được giao sử dụng 1.500m2 đất tại trung tâm Hà Nội, nhưng chỉ có hệ thống trang thiết bị cũ nát, hầu như không còn giá trị. Vì lý do này, giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa vào năm 2000 chỉ ở mức khiêm tốn là 3,2 tỷ đồng. Hơn 10 năm sau, khi Công ty Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) có ý định mua lại, thì công ty đã tự định giá gấp hơn 150 lần giá trị trước cổ phần hóa.
Số tiền OCH bỏ ra để mua lại Công ty Cổ phần Tràng Tiền (500 tỷ đồng) được một số chuyên gia kinh tế cho là rẻ hơn nhiều so với giá trị thật, dự kiến lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, việc không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp hoàn toàn đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Diện tích đất Công ty Cổ phần Tràng Tiền sử dụng chỉ được trả tiền thuê hàng năm, nên quy định hiện hành cho phép không đưa vào tính giá trị doanh nghiệp. Vì thế, OCH đương nhiên được hưởng quyền thuê một diện tích đất lớn ở khu vực đắc địa của Thủ đô, với chi phí thấp hơn nhiều so với giá thị trường, chưa kể không dễ để sở hữu quyền này.
Xác định giá trị doanh nghiệp chưa sát
Từ phân tích ví dụ nêu trên, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ, kẽ hở lớn nhất trong công tác cổ phần hóa hiện nay là việc xác định giá trị doanh nghiệp không sát thực tế, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Các nghị định về cổ phần hóa chưa tính đến yếu tố giá trị lợi thế của quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm vào giá trị tài sản cổ phần hóa. Trong khi, đây thường là khoản có giá trị rất lớn, đôi khi là lớn nhất của doanh nghiệp, nhất là giá thuê đất của Nhà nước thường rất thấp so với giá thị trường. Nhưng Luật Ðất đai năm 2013 quy định, doanh nghiệp chỉ được giao đất đối với đất ở, còn các trường hợp khác thì phải thuê đất, với sự lựa chọn hai cách trả tiền thuê đất một lần hoặc hàng năm. Nếu trả tiền thuê đất một lần thì giá trị quyền sử dụng đất sẽ cấu thành vào giá trị tài sản, còn đối với đất thuê trả tiền hàng năm thì không được tính vào giá trị tài sản.
Một số chuyên gia cũng nêu rõ, quy định về cổ phần hóa DNNN mới chú ý quy định về thẩm quyền, thủ tục và kinh phí, nhằm giúp hạn chế việc thất thoát tài sản nhà nước. Quy định hiện hành chưa coi trọng việc làm sao cho đạt giá bán tối đa cho cổ phiếu khi được đưa ra bán lần đầu cho công chúng. Ðiều này dẫn đến tình trạng hạn chế chi phí thỏa đáng cho công tác truyền thông, phổ biến công khai, minh bạch, rộng rãi nhằm mời chào, thu hút tối đa các nhà đầu tư quan tâm tham gia đấu giá khi cổ phần hóa, cũng như khi thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp.
Ngoài ra, quy định hiện hành cũng chưa có nhiều điểm chặt chẽ để khống chế và kiểm soát tình trạng những người quản lý doanh nghiệp lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh… để “làm giá”, điều khiển việc mua vào, bán ra cổ phần của Nhà nước và thâu tóm doanh nghiệp. Điều này cộng với quá trình bán cổ phần ra thị trường chưa thật sự minh bạch, công khai đã tạo điều kiện để nhóm lợi ích thâu tóm, thu lợi bất chính trong quá trình cổ phần hóa DNNN.
Trước đòi hỏi của thực tế, tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, QH thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát, trong đó quyết định một trong hai nội dung giám sát chuyên đề trong năm 2018 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016. Trong quá trình này, chắc chắn những hạn chế, vướng mắc được chỉ ra liên quan đến xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ được phân tích, làm rõ. Và sau giám sát, sẽ định ra hướng khắc phục kẽ hở pháp lý nếu có trong cổ phần hóa DNNN, nhất là liên quan đến xử lý đất đai như mong muốn của ĐBQH và cử tri.
Phương Thủy
Đại biểu Nhân dân (Diễn đàn) 17-7-2017:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=392957
(355/1.264)