1.742. Ngân hàng ngoại rút vốn: Không đáng lo ngại.

(KT&ĐT) – Gần đây, một số ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam có động thái thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi một ngân hàng nội.

Những diễn biến trên có thực sự thể hiện việc ngân hàng ngoại đang dần rời bỏ Việt Nam, hay chiến lược đầu tư của họ đang thay đổi?

Chỉ là thay đổi chiến lược kinh doanh

Các trường hợp thoái vốn gần đây là ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan, Standard Chartered Bank rút khỏi ACB, Dragon Financial Holdings Limited bán cổ phiếu của ACB; HSBC rút khỏi Techcombank và Commonwealth Bank of Australia (CBA) – cổ đông chiến lược đang nắm giữ 20% vốn tại VIB bán lại chi nhánh TP Hồ Chí Minh…

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi nhánh VIB Long Biên. Ảnh:  Trần Việt

TS Cấn Văn Lực cho rằng, hiện tượng trên không có gì đáng quan ngại. Thị trường ngân hàng bán lẻ còn rất nhiều tiềm năng. Các ngân hàng nước ngoài nhìn rất rõ nhưng về cơ bản họ đang thay đổi chiến lược kinh doanh chứ không hẳn do môi trường kinh doanh của Việt Nam xấu đi, như trong Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lo ngại. Theo các chuyên gia, động thái rút chân khỏi thị trường Việt Nam của một số ngân hàng ngoại chưa phải là xu hướng, bởi đây đều là ngân hàng toàn cầu vốn có những chiến lược kinh doanh riêng trong từng thời kỳ. Với những thị trường mà các ngân hàng này đánh giá là chưa hiệu quả như mong muốn hoặc do cạnh tranh quá quyết liệt, việc rút lui là bình thường và diễn ra tại nhiều thị trường chứ không riêng tại Việt Nam.
“Có thể loại ra ngay thương vụ ANZ bán lại mảng bán lẻ cho Shinhan khỏi “phong trào” hay “xu hướng” ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng nội; nếu có, đơn giản vì ông chủ mới mua lại mảng bán lẻ của ANZ cũng là một ngân hàng ngoại. Nếu đứng trên quan điểm rằng các ngân hàng ngoại đang có cái nhìn bi quan vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nên họ đang thoái vốn “hàng loạt” thì sẽ rất khó giải thích tại sao Shinhan lại mua lại một phần của ANZ” – TS Phan Minh Ngọc phân tích.
Đằng sau cuộc chia tay
Các nhà đầu tư thường có lý do riêng khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… Với bất cứ lý do gì thì việc thoái vốn có thể xảy ra khi họ đã đạt được một trong số đó hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình.
Như trường hợp của HSBC và Techcombank, câu chuyện chia tay đã được dự liệu sẽ sớm xảy ra, với nhiều lý do. HSBC đã có ngân hàng con 100% vốn điều lệ tại Việt Nam và đang ngày một mở rộng. Với thời gian 12 năm, đủ dài để định vị thương hiệu, mở rộng thị phần, mạng lưới giao dịch… HSBC có đầy đủ lý do để thoái vốn tại Techcombank cho dù Techcombank đang phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng lãi ròng.
Tương tự, Standard Chartered Bank thoái vốn khỏi ACB là nằm trong chiến lược rút khỏi thị trường châu Á đã có từ cách nay 2 năm của tập đoàn mẹ, Dragon Financial Holdings Limited bán cổ phiếu để đảm bảo tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.
Với CBA thoái vốn khỏi VIB, trước đó, phía lãnh đạo VIB cho biết, CBA muốn tập trung hơn vào một điểm đầu tư tại Việt Nam là VIB, thay vì phân tán nguồn lực. Trong khi đó, theo ông Dennis Hussey – Tổng Giám đốc ANZ Việt Nam, động thái bán lại mảng bán lẻ nằm trong chiến lược toàn cầu của tập đoàn, sau khi đánh giá kỹ lưỡng mảng kinh doanh bán lẻ tại thị trường châu Á cũng như muốn tập trung nguồn lực vào khối khách hàng DN và định chế tài chính.
Trong 3 năm gần đây, sự ra đi của nhiều đối tác ngoại trong lĩnh vực tài chính vẫn xảy ra chứ không phải chỉ vào thời điểm này. Vào tháng 11/2013, ngân hàng Singapore Oversea, Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) cũng đã thoái toàn bộ hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,88% vốn tại VPBank. HSBC thực hiện với Tập đoàn Bảo Việt (BVH) vào cuối năm 2012 khi việc bán toàn bộ 18% cổ phần cho cho đối tác Nhật Bản Sumitomo Life sau 5 năm HSBC đầu tư vào tổ chức này… Trong bối cảnh hiện tại, việc rút vốn của những đối tác ngoại không dừng lại ở đó, mà có thể sẽ là một khởi đầu mới ở một khía cạnh khác, đó chỉ là những toan tính riêng rẽ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ. Đó có thể là việc tái cơ cấu lại ngân hàng mẹ hoặc cả hệ thống ngân hàng đó trên toàn cầu, tập trung vào những mảng kinh doanh và thị trường cốt lõi, là thế mạnh của mình, hoặc thoái vốn khỏi ngân hàng nội để tránh việc phát sinh mâu thuẫn khi chính ngân hàng con của họ đang hoạt động trên cùng thị trường…

Các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế như Moody’s, Standard & Poors, Fitch hiện đều đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức độ “Ổn định”. Hiện nay, Việt Nam có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Riêng trong năm 2016, có 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập mới là Ngân hàng Woori Bank (Hàn Quốc), CIMB Bank Berhad và Public Bank Berhad (Malaysia).

Việc ngân hàng ngoại thoái vốn có thể không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của ngân hàng nội do giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) tại các ngân hàng ở mức 30%, chưa đủ để cho đối tác nước ngoài có thể có tiếng nói tại ngân hàng nội. Tuy nhiên, việc này có thể khiến kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng sẽ phải kéo dài thêm, hệ thống ngân hàng trong nước cần thay đổi cách thức hoạt động, linh hoạt hơn, chuyên nghiệp hơn, đồng thời phải tái cơ cấu một cách toàn diện.

Luật sư Trương Thanh Đức

NGUYÊN ANH


 

Kinh tế & Đô thị (Tài chính – Chứng khoán) 17-7-2017:

http://m.kinhtedothi.vn/ngan-hang-ngoai-rut-von-khong-dang-lo-ngai-293077.html

(111/1.175)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,028