(GT) – Theo luật sư, người của Eximbank phạm tội thì trách nhiệm vẫn thuộc ngân hàng, phải trả tiền cho khách hàng, không cần chờ phán quyết của toà.
Nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM có phạm tội gì thì trách nhiệm vẫn thuộc về ngân hàng. Và trách nhiệm của ngân hàng là phải trả lại tiền cho khách hàng mà không cần chờ phán quyết của toà án |
Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, tiền không cánh mà bay
Bộ Công An đã chính thức truy nã ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc EximBank chi nhánh TP.HCM đã chiếm đoạt 301 tỷ đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng rồi bỏ trốn.
Sự việc này gây không ít hoang mang cho khách hàng hai ngày qua. Và tâm lý người gửi tiền còn hoang mang hơn khi biết Eximbank tuyên bố chỉ trả lại tiền khi có phán quyết của toà án trong khi người của nhà băng đã bị tri nã và bản thân Eximbank đã công bố việc ông Hưng bị cáo buộc là người lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng của nữ khách hàng VIP rồi bỏ trốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên suốt hơn 1 năm qua người bị hại là bà Chu Thị Bình, người gửi tiền tại ngân hàng vẫn không thể nhận được tiền của mình.
Bà Chu Thị Bình (nạn nhân) bức xúc: Tôi không chấp nhận phương án Eximbank chờ phán quyết của toà án mới trả lại tiền của lãnh đạo Eximbank. Tại sao phải chờ quyết định của tòa án khi tôi là người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này và không làm gì sai trái? Tôi là chủ sở hữu các sổ tiết kiệm đến rút tiền, tại sao ngân hàng không chi trả? Giả sử tất cả người gửi tiết kiệm đồng loạt mất tiền do ngân hàng quản lý yếu kém đều phải chờ tòa án phân xử thì đến bao giờ chúng tôi mới rút được tiền? “Cơ quan công an đã thông báo Eximbank có trách nhiệm trả lại tiền nhưng ngân hàng không thực hiện là oan ức cho tôi. Như thế là Eximbank thiếu thiện chí với người gửi tiền. Tôi sẽ kêu cứu các cơ quan chức ban, ngành cũng như công luận bảo vệ quyền lợi của mình”, bà Bình nói.
Được biết, bà Chu Thị Bình là khách hàng thân thiết của Eximbank từ năm 2007 đến nay. Bà Bình đã mở sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM với giá trị sổ từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, lãi tất toán cộng tiền gốc vào năm sau. Tuy nhiên, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt khoảng 310 tỷ đồng tiền gửi của bà Bình tại Eximbank.
Từ cuối tháng 2/ 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện các tài khoản đã “bốc hơi” lên tới hàng trăm tỉ. Sau đó bà đã làm việc với Tổng Giám đốc EximBank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Phía Nam (C44B – Bộ Công An).
Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank, chi nhánh TP.HCM. Khởi kiện ông Hưng, xem mức độ thiệt hại rồi mới trả.
Như vậy đây là sự việc do chính khách hàng phát hiện báo cho ngân hàng. Và sự việc này được trình báo từ đầu năm 2017 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Eximbank chưa trả lại tiền cho khách hàng là không đúng quy định
Đại diện Eximbank đã lên tiếng rằng sẽ chờ phán quyết của toà án. Cụ thể ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng:”Eximbank không có chủ trương trì hoãn hay né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là khởi kiện ông Hưng. Sau đó, tòa phán quyết Eximbank là bên thiệt hại thì HĐQT Eximbank mới có thể ban hành quyết định trả lại tiền cho bà Bình. Chúng tôi đang mong muốn công an nhanh chóng đưa ông Hưng (đã bỏ trốn ở Mỹ) về Việt Nam để khai báo rõ ràng nhằm giảm bớt hệ lụy của một số người liên quan đến vụ mất tiền” ông Quyết phân trần.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Trong trường hợp này khách hàng không ủy quyền cho người lạ mà họ ủy quyền cho cán bộ lãnh đạo Eximbank chi nhánh TP.HCM theo chính sách chăm sóc khách hàng VIP. Vì thế người của ngân hàng phạm tội tham ô hay lừa đảo, thì sai phạm này đương nhiên phải thuộc về phía ngân hàng. Và ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường cho khách hàng mà không cần chờ đến khi có kết luận của tòa mới thực hiện”. “Nếu không thể qui trách nhiệm cho ngân hàng trong những trường hợp tương tự thì dù là khách VIP hay khách thường, thực hiện giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào, khách hàng đều có thể đối diện với nguy cơ mất tiền”, ông Đức nhấn mạnh.
Một luật sư khác tại TP.HCM cho hay, nếu chờ đến khi có phán quyết của tòa mới trả lại tiền cho người bị hại là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thể đưa ông Hưng về thì ai bảo về quyền lợi cho khách hàng khi gửi tiền tại ngân hàng? Đặc biệt khách hàng đến giao dịch là làm việc với ngân hàng, với chi nhánh đó…nên gửi tiền vào vậy trách nhiệm nay thuộc về phía ngân hàng. Hơn nữa, hầu hết những khách hàng họ chỉ biết ông Tổng giám đốc nhà băng đó, chứ họ không quan tâm tới các công hội đồng quản trị. Tại sao Eximbank lại đẩy trách nhiệm sang cho Hội đồng quản trị khi khách hàng bị hại?
Yên Trang
————————-
Giao thông (Pháp luật) 24-2-2018:
(149/1.079)