1.749. Ngân hàng “đủng đỉnh” lên sàn.

(NLĐ) – Nhiều ngân hàng không mặn mà với việc niêm yết trên sàn chứng khoán là do giá cổ phiếu đang thấp, có thể bị người khác thu tóm

Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa thông báo đến cổ đông ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông phục vụ đăng ký, lưu ký tập trung chứng khoán và niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Thời điểm chốt danh sách cổ đông là ngày 28-7.

Mới có 11/35 ngân hàng niêm yết

Thông báo nêu trên cho thấy VPBank đang có những bước đi cụ thể để thực hiện lời hứa sẽ lên sàn nhanh nhất vào quý III/2017 như từng đặt ra tại những mùa đại hội cổ đông gần đây. VPBank hiện có vốn điều lệ hơn 14.000 tỉ đồng, giá giao dịch trên OTC đang ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu. Với 1,33 tỉ cổ phiếu niêm yết, dự kiến NH này sẽ có vốn hóa ước đạt 46.700 tỉ đồng.

Như vậy, rất có thể VPBank là NH đầu tiên lên sàn chính thức trong năm nay. Trước đó, 300 triệu cổ phiếu Kienlongbank đã giao dịch phiên đầu tiên trên sàn giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM, mã chứng khoán: KLB) vào ngày 29-6, giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phần. Sớm hơn nữa là ngày 9-1, hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) niêm yết trên UPCoM (mã chứng khoán: VIB), mở hàng cổ phiếu NH với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu. Ban lãnh đạo VIB cho biết theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông năm 2016 thông qua, VIB dự kiến niêm yết trên HoSE vào năm 2018.

Việc niêm yết trên sàn chứng khoán chưa được nhiều ngân hàng quan tâm Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trên hệ thống UPCoM, LienVietPostBank là NH mới nhất thông báo về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 17-7 để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên UPCoM đối với toàn bộ 646,6 triệu cổ phiếu. Các NH khác như Techcombank, OCB, Nam Á, MaritimeBank, VietABank, TPBank… đều đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa rõ khi nào hoàn thành.

Đến nay, mới có tổng cộng 11/35 NH niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Cụ thể niêm yết trên HoSE có Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank; niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có ACB, SHB, NCB và 2 ngân hàng niêm yết trên UPCoM là VIB, Kienlongbank.

Lo bị đổi chủ

Theo yêu cầu đặt ra, tiến độ thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các NH vẫn đang quá chậm bởi theo quy định tại Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính, chậm nhất cuối năm 2016, các NH sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán phải đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM.

Việc chậm lên sàn do nhiều nguyên nhân, có NH buộc phải hoãn kế hoạch vô thời hạn vì thuộc diện tái cơ cấu nhưng cũng không ít NH chưa muốn lên vì cổ đông hoặc ban lãnh đạo nhận thấy chưa chín muồi. Như trường hợp của Techcombank, tại đại hội cổ đông năm nay, hơn 90% cổ đông biểu quyết thông qua kế hoạch lên sàn nhưng tại MaritimeBank lại chỉ có hơn 3% cổ đông đồng ý với kế hoạch niêm yết trên UPCoM.

Luật sư Trương Thanh Đức, Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH (Hiệp hội NH Việt Nam), cho rằng tại thời điểm này, thị trường đang thuận lợi nhưng giá cổ phiếu NH lại ở mức khá thấp nên các cổ đông thận trọng với kế hoạch lên sàn, đặc biệt là cổ đông lớn. “Thường các cổ đông bao giờ cũng mong muốn lên sàn kể cả thị trường có xấu đi nữa. Nhưng đối với cổ đông lớn, những lúc giá cổ phiếu thấp, họ không muốn lên sàn vì lo ngại có nhà đầu tư bỏ tiền gom cổ phiếu, sau đó không loại trừ khả năng NH có ông chủ mới. Nếu vào thời điểm giá cổ phiếu NH cao, khả năng bị thâu tóm ít hơn do chi phí cao, nhà đầu tư khó gom được số lượng lớn cổ phiếu. Các ông chủ thực sự của NH phải tính toán điều này để cơ nghiệp của mình không dễ dàng rơi vào tay người khác” – luật sư Đức phân tích.

Trong thực tế, cơ quan quản lý nhà nước đã bằng nhiều thủ tục hành chính thúc giục NH lên sàn nhằm nâng cao tính minh bạch thông tin, thanh khoản… nhưng không thành công. Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận trừ những NH đang bị kiểm soát đặc biệt, còn lại các NH khác đều là công ty đại chúng với quy mô vốn lớn, quản lý bài bản thì lên sàn không khó. Tuy nhiên, không nên chốt thời hạn đối với việc lên sàn mà chỉ dừng ở mức độ vận động, khuyến khích vì các NH muốn lên sàn được phải có đủ các điều kiện. Hơn nữa, việc lên sàn còn do cổ đông quyết định, phải mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông, cơ quan quản lý khó có thể ép buộc bằng biện pháp hành chính. Ngoài ra, cần phải giải quyết gốc vấn đề là sở hữu của các ông chủ NH.

Tuy nhiên, việc niêm yết là con đường tất yếu, cần thiết cho quá trình phát triển của hệ thống NH, nhất là trong bối cảnh cần minh bạch, giảm sở hữu chéo và tăng vốn.

Tô Hà


Người lao động (Kinh tế) 23-7-2017:

http://nld.com.vn/kinh-te/ngan-hang-dung-dinh-len-san-20170723220205969.htm

(340/1.005)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,032