(NĐT) – Một thực tế đang tồn tại và nghiễm nhiên được ngân hàng cũng như khách hàng thừa nhận là khách VIP ngân hàng nên được phục vụ tận nhà, chăm sóc “tận răng”. Sự tồn tại của cách hành xử này không phải là không có lý. Vậy ứng xử ra sao với thực tế này và khách hàng nên đặt niềm tin vào đâu?
Mất tiền tại ngân hàng, khách hàng còn biết tin ai
Trách nhiệm nào cho Ngân hàng Nhà nước?
Câu chuyện 245 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình “bỗng dưng biến mất” dấy lên lo ngại đối với khách hàng về một lỗ hổng trong quản trị, quản lý của ngân hàng, trong quy trình gửi rút tiền của hệ thống ngân hàng chứ không còn là câu chuyện mất tiền của một cá nhân và riêng ngân hàng Eximbank.
Sau nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong ngành ngân hàng liên quan tới việc cấu kết, lừa đảo tài sản của nhân viên ngân hàng với khách hàng và với chính ngân hàng. Mới đây, ngày 1/3, trả lời chính thức báo chí về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về vụ việc một khách hàng bị mất 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank ra sao? Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nói: “Quan điểm của NHNN Việt Nam là quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền phải được ưu tiên hàng đầu. Eximbank đã tích cực gặp gỡ trao đổi với người gửi tiền, đưa ra hướng xử lý trong khi chờ kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật”.
Vị Phó thống đốc NHNN cũng cho biết thêm về hoạt động của tổ chức tín dụng với khách hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định hướng dẫn của NHNN. Do đó, trả lời câu hỏi Eximbank có đối xử “phân biệt” với khách hàng VIP hay không, bà Hồng khẳng định “NHNN không có chỉ đạo phân biệt khách hàng VIP và khách hàng bình thường”.
Tại thời điểm dư luận đang xôn xao về câu chuyện của Eximbank, NHNN cũng đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Với nội dung chủ đạo yêu cầu các TCTD phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị của TCTD, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm; tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tài chính, những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng thì nói thôi là chưa đủ, phủ nhận thực tế về khách VIP ngân hàng cũng là sai. Một văn bản cũng chưa đủ sức răn đe hoặc ngăn chặn tình trạng “giao dịch chui” tại gia như hiện nay. Có thể phải coi tình trạng chăm sóc khách VIP tới “tận răng” là một thực tế và nương vào đó mà ban hành quy định mới với quy định rõ ràng hoặc quyết tâm cấm hoặc mở ra một hướng đi mới mới hòng giải quyết câu chuyện rủi ro do là khách VIP ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức: Hãy coi khách VIP ngân hàng như khách VIP của Vietnam Airlines
Trả lời Nhadautu.vn về câu chuyện khách VIP ngân hàng và lo ngại lỗ hổng từ đây, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay có một nghịch lý trong ngành ngân hàng là “đáng ra có nhiều tiền, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng thì tiền của khách VIP càng phải được đảm bảo an toàn, thì nay họ lại là đối tượng bị nhắm tới, là tâm điểm của nguy hiểm để có thể bị lừa đảo bởi chính ngân hàng đó”.
“Việc khách hàng VIP nhận được ưu đãi phục vụ tận nhà phải là lẽ dĩ nhiên. Nó cũng giống như Vietnam Airlines có phòng VIP cho khách và khách VIP có quyền tới muộn. Vì thế, khách hàng gửi tiền lớn có quyền nhận được ưu đãi vì họ mang lợi nhiều lợi ích cho ngân hàng”, ông Đức so sánh.
Cùng với đó, ông Đức nhấn mạnh, việc lý luận mất tiền do giao dịch tại nhà là không hợp lý. Bởi ngay cả tới quầy để giao dịch mà nhân viên ngân hàng đã chủ tâm lừa đảo thì chúng ta cũng không thể biết chữ ký giám đốc trên giấy tờ đó có phải là thực, tiền gửi đã thực sự được chuyển vào tài khoản chưa… vì đó là hoạt động trong nội bộ ngân hàng.
Ông Đức khuyến nghị, để giải quyết những vụ việc như thế này, ngân hàng muốn lấy lại lòng tin của khách hàng thì NHNN cần quy trách nhiệm cho ngân hàng. Chỉ có làm thế, ngân hàng mới thực sự có trách nhiệm xiết chặt lại quy trình để các vụ việc tương tự không còn xảy ra. Còn nếu để thực trạng như hiện nay, khách hàng sẽ mất hết niềm tin vào ngân hàng và ngân hàng sẽ tiếp tục thờ ơ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng: Ở Mỹ cấm mọi hành vi giao dịch tiền tại nhà, dù là khách VIP
Chia sẻ quan điểm về câu chuyện mất tiền tại Eximbank, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Chưa được biết kết luận của cơ quan điều tra, tuy nhiên, nếu theo những gì báo chí phản ánh thì việc giao dịch tiền gửi tại nhà khách hàng hay quán cafe ngoài phạm vi phòng giao dịch của ngân hàng là sai quy định của NHNN. Cùng với đó, việc ký khống trước vào các giấy tờ, mẫu văn bản của ngân hàng cũng bị coi là hành vi sai phạm.
Có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác ngân hàng tại Mỹ, ông Hiếu cho biết, khái niệm khách VIP thì ở đâu cũng có, tuy nhiên không vì thế mà ngân hàng Mỹ bỏ qua các quy trình. Cụ thể, dù là khách VIP hay không thì khách hàng vẫn buộc phải tới quầy giao dịch của ngân hàng để thực hiện các thủ tục trong giờ hành chính. Việc giao dịch tại nhà hay bất cứ địa điểm nào ngoài phạm vi phòng giao dịch ngân hàng đều bị coi là sai phạm và sẽ bị xử lý nếu bị phát giác.
Có thể vì việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại ngân hàng như vậy mà trong hơn 30 năm làm việc tại Mỹ ông Hiếu chưa gặp phải trường hợp nào nhân viên ngân hàng có thể lừa khách hàng một số tiền lớn như ở Việt Nam hoặc để các trường hợp tương tự xảy ra.
Nói riêng về câu chuyện mất tiền tại Eximbank, ông Hiếu khuyến nghị NHNN cần đưa ra những quy định rõ hơn nữa về quy trình gửi tiền tại các ngân hàng. Cụ thể, cấm hành vi đến nhà khách hàng phục vụ như thế nào để có hiệu quả trước thực tế là hầu như mọi ngân hàng đều có chính sách này? Hoặc nếu không cấm thì phải mở ra như thế nào, quy định ra sao về quyền lợi và trách nhiệm của cả 2 bên?
Ông Hiếu nhấn mạnh thêm rằng “việc bỏ ngỏ quy định trong hoạt động gửi tiền, bàng quang trước thực tế khách VIP ngân hàng là yếu tố tạo điều kiện cho tội phạm ở Việt Nam”.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại: Khách hàng hãy học cách tin vào ngân hàng với hiện thân là các quy định
Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, cũng như quan điểm cá nhân về vụ việc bỗng dưng mất tiền tại ngân hàng gần đây, Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cho rằng: “Hiện, đang có thực tế tồn tại về khách VIP ngân hàng. Tuy nhiên, bản thân tôi đã nhiều lần lên tiếng phản đối quan điểm này. Bởi nên thấy khách hàng nào của ngân hàng cũng là khách hàng và phải phục vụ tận tâm hết mức. Riêng với khách hàng có hạn mức gửi tiền lớn thì nên chăm sóc bằng giá, bằng ưu đãi lãi suất. Còn việc bỏ qua quy trình là không nên”.
Tuy nhiên, vị Giám đốc cũng chia sẻ thực tế rằng, đang tồn tại nghiễm nhiên một khái niệm khách VIP ngân hàng và sự phân biệt ứng xử là khủng khiếp. Do đó, theo vị này, NHNN nên ra quy định cấm một cách quyết liệt tồn tại này của ngành ngân hàng.
Nhận định riêng về vụ việc Eximbank, vị Giám đốc này cho biết, lỗi thuộc về cả khách hàng và ngân hàng. Dường như câu chuyện càng ngày càng đẩy khách hàng về phía đuối lý.
Theo đó, vị này phân tích, lỗi của khách hàng là quá tin vào vị Phó Giám đốc chi nhánh của Eximbank. Trong khi đó, một cá nhân không phải là hiện thân của ngân hàng, mà phải là những quy trình, quy định của ngân hàng đó. Vì thế, khách hàng thay vì tin tưởng tuyệt đối vào nhân viên ngân hàng thì hãy tin tưởng vào ngân hàng bằng những quy trình, quy định của ngân hàng đó.
Mới đây HĐQT Eximbank đã có buổi làm việc với khách hàng bị mất hàng trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này. Theo đó, HĐQT Eximbank đề nghị tạm ứng hoàn trả 14 tỷ đồng cho vị khách hàng này.
Tại Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN
Điều 8. Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm
- Thủ tục gửi tiền gửi tiết kiệm lần đầu:
- Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ sau:
Đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam phải xuất trình Chứng minh nhân dân.
Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu có thời hạn hiệu lực còn lại dài hơn kỳ hạn gửi tiền (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh được miễn thị thực); xuất trình hộ chiếu kèm thị thực có thời hạn hiệu lực còn lại dài hơn kỳ hạn gửi tiền (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh có thị thực).
Đối với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.
NGUYỄN THOAN
—————————-
Nhà đầu tư (Tài chính) 03-3-2018:
http://www.nhadautu.vn/cafe-cuoi-tuan-mat-tien-tai-ngan-hang-con-cai-gi-de-tin-d7298.html
(330/1.969)