1.764. Tài xế xe khách đâm xe cứu hỏa khiến một cảnh sát tử vong có bị xử lý hình sự?

(GĐ) – Phản bác việc tài xế xe khách có thể bị xử lý hình sự, nhiều chuyên gia cho rằng chính anh này mới là nạn nhân. Bởi anh ta đã không có sự lựa chọn nào khác để tránh thiệt hại, trong khi lái xe cứu hỏa có thể có nhiều phương án lựa chọn khi cho xe ngược chiều vào đường cao tốc.

GiadinhNet – “Thời điểm đó trời mưa và đường trơn, trên xe có khoảng 40 hành khách, nếu tôi đánh lái tránh xe cứu hỏa thì có thể sẽ gây ra tai nạn liên hoàn và chắc chắn số lượng người thương vong sẽ nhiều hơn”, tài xế xe khách trong vụ va chạm lý giải.

Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe của Cảnh sát PCCC và xe khách trên tuyến đường cao tốc

Pháp Vân – Cầu Giẽ xảy ra 3 ngày trước khiến một chiến sỹ Cảnh sát PCCC hy sinh và nhiều người bị thương, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận về quyền ưu tiên của xe cứu hỏa và tình huống bất khả kháng của tài xế xe khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, người điều khiển xe khách không có lỗi, trong khi đó có ý kiến cho rằng xe cứu hỏa đi không sai luật.

Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, các phương tiện được chạy tối đa 100km/h.

Đại tá Trần Sơn nêu quan điểm, trong điều kiện trời mưa, đường trơn và tầm nhìn hạn chế thì người lái xe cứu hỏa dù được quyền ưu tiên nhưng phải hết sức thận trọng chấp hành các quy định khi nhập vào làn cao tốc, phải đi vào làn đường theo quy định rồi mới được lưu thông bình thường.

Tình huống này, người điều khiển xe cứu hỏa vào cao tốc không đi vào làn đường khẩn cấp mà lái xe sang làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao nhất (làn số 1) dẫn đến xe khách không kịp phản ứng, đâm trực diện xe cứu hỏa.

Hiện trường vụ tai nạn xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ. Ảnh cắt từ clip

“Qua clip ghi lại vụ việc có thể thấy, lái xe cứu hỏa thiếu quan sát và chủ quan. Nếu tài xế xe khách đánh lái, rất có thể xe lật nghiêng, lộn nhiều vòng và cũng không thể lường trước được hậu quả”, đại tá Trần Sơn nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, đại tá Trần Sơn cho rằng, cơ quan điều tra sẽ phải kết hợp kết quả khám nghiệm, lời khai các bên, nhân chứng và video toàn cảnh vụ việc để xác định nguyên nhân, lỗi vi phạm đối với người điều khiển của từng phương tiện.

“Theo tôi, cả người điều khiển xe khách và người điều khiển xe cứu hỏa đều có lỗi. Còn bên nào lỗi nghiêm trọng hơn thì cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan CSĐT”, đại tá Trần Sơn nói.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư La Văn Thái (Giám đốc Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh vượng) phân tích, Luật Giao thông đường bộ quy định “người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, giữ an toàn cho mình và cho người khác. Dù là

xe chữa cháy

được ưu tiên số một khi đi làm nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện đang lưu thông trên đường”.

Nếu cự ly, khoảng cách, tốc độ, tầm quan sát khiến lái xe khách không đủ điều kiện xử lý tình huống thì được xác định là sự kiện bất ngờ theo Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp này, lái xe khách không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Còn nếu có căn cứ xác định lái xe khách do thiếu quan sát, không nhường xe ưu tiên khi đủ khả năng quan sát xe cứu hỏa đang tiến vào, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu phạm vi phạm quy định giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo luật sư Thái, cơ quan công an cũng phải xem xét trách nhiệm của tài xế xe cứu hỏa. Dù xe cứu hỏa được ưu tiên số một nhưng về nguyên tắc khi đi làm nhiệm vụ, lái xe cũng phải đảm bảo an toàn cho bản thân và phương tiện khác.

Nhiều hành khách trên xe giường nằm hoảng loạn.

“Đặc biệt, ngoài việc có đèn tín hiệu cảnh báo thì phải quan sát và đi vào phần đường quy định ở làn khẩn cấp. Làn đường này đóng vai trò là nơi dừng, đỗ khi xe bị hỏng hoặc dành riêng cho các xe công an, cấp cứu, cứu hỏa di chuyển trong trường hợp khẩn cấp”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc áp dùng quyền ưu tiên được đi ngược đường, không giới hạn tốc độ với xe cứu hỏa khi đang làm nhiệm vụ là chưa đầy đủ.

Theo ông Tuấn, năm 2015 Bộ GTVT có ban hành Thông tư quy định về khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông trên đường. Trong đó, khoảng cách an toàn tối thiểu đối với đường Pháp Vân – Cầu Giẽ là 100m.

“Quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu được áp dụng để tất cả lái xe biết rằng, đây là khoảng cách tối thiểu để lái xe có thể xử lý được khi có sự cố xảy ra, nó chỉ đơn thuần là điều kiện cần để có thể xử lý khi có sự cố khi lưu thông trên cao tốc.

Tại đoạn đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quy định khoảng cách an toàn tối thiểu 100m; theo đó được hiểu là với vận tốc và các điều kiện khách quan khác, thì khoảng cách tối thiểu để lái xe có thể xử lý được an toàn khi phát hiện được chướng ngại vật phải tối thiểu là 100m.

Việc xe cứu hỏa được quyền ưu tiên nhưng có thể chưa tuân thủ những yếu tố tối thiểu về an toàn, khi nhập vào đường cao tốc, không đảm bảo cự ly tối thiểu để xe khách có thể xử lý được dẫn tới tai nạn thì lỗi thuộc về xe cứu hỏa”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hiện trường thảm khốc của vụ tai nạn.

Cùng bàn về vấn đề trên, luật sư Vũ Thái Hà – Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, tài xế xe khách không thể bị coi là có lỗi mà là nạn nhân. “Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, đây là một vụ việc không may, tài xế xe khách không thể bị coi là có lỗi, thậm chí, có thể gọi anh ta là nạn nhân.

Anh ta đã không có sự lựa chọn nào khác để tránh thiệt hại, trong khi lái xe cứu hỏa có thể có nhiều phương án lựa chọn khi cho xe ngược chiều vào đường cao tốc. Đơn giản, có thể là chạy ngược chiều trong làn dừng khẩn cấp hoặc tại làn có tốc độ tối đa cho phép thấp nhất trong đường cao tốc”, vị luật sư bày tỏ.

Về phía Công an TP Hà Nội, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) thông tin, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xem xét có khởi tố vụ án hay không.

Trước đó, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, ngay sau vụ tai nạn trên xảy ra, lực lượng Công an huyện Thường tín đã tiến hành tiếp nhận và điều tra ban đầu về vụ việc.

Sau nhiều ngày, những người xe ôm làm việc gần khu vực xảy ra vụ tai nạn vẫn chưa hết bàng hoàng.

Theo ông Đỗ Đức Cường – Trưởng công an huyện Thường Tín, qua tiếp nhận và điều tra ban đầu, chiếc xe PCCC đang đi làm nhiệm vụ khi cấp cứu 1 vụ tai nạn ở km202+490. Khi đến Km192+873 thì xảy ra va chạm.

Khi xảy ra tai nạn, xe khách trên đang đi với tốc độ 87km/h so với tốc độ cho phép là 100km/h. Hiện tại hồ sơ được chúng tôi củng cố và chuyển lên Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội tiếp tục thụ lý”, ông Cường cho biết thêm.

Được quyền ưu tiên nhưng không phải là bất chấp

Luật sư Trương Thanh Đức – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng không ai bàn cãi việc xe cứu hỏa đi vào đường cao tốc. Tuy nhiên, không thể lí luận một cách đơn giản và thuần túy như vậy, mà cần phải xét đến cả yếu tố các phương tiện trên cao tốc đều đang di chuyển hợp pháp tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Và trong trường hợp cụ thể này, xe cứu hỏa đã di chuyển bất hợp pháp. Còn tài xế xe khách đang điều khiển xe hợp pháp, đi trên đường hợp pháp, tốc độ hợp pháp, không có bất cứ một sai phạm gì liền trước khi tai nạn xảy ra, nên không thể xác định tài xế xe khách vi phạm pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, xe ưu tiên được quyền đi vào đường cao tốc, điều này được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần, lái xe cứu hỏa không phải vì thế mà được phép bất chấp nguy hiểm, thiệt hại về tính mạng, tài sản của người khác và bản thân mình.

“Trên đường cao tốc, các xe được phép chạy tốc độ cao, nên việc chạy ngược đường sẽ rất nguy hiểm, chưa kể khi xuất hiện phương tiện lấn làn. Luật quy định xe cứu hỏa được phép lấn làn, nhưng chỉ trong những điều kiện cụ thể. “Quan trọng nhất là đặt ra điều kiện để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, cứu nạn cứu hộ, để giảm thiểu thiệt hại, chứ không phải làm tăng thêm nguy cơ thiệt hại”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Nhật Tân

————————–

Gia đình (Xã hội) 21-3-2018:

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tai-xe-xe-khach-dam-xe-cuu-hoa-khien-mot-canh-sat-tu-vong-co-bi-xu-ly-hinh-su-20180321132704725.htm

(301/1.834)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.979. "Vá" lỗ hổng livestream bán hàng.

"Vá" lỗ hổng livestream bán hàng (NLĐ) - Các nền tảng cần phải có...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,028