(ANTĐ) – Quản lý taxi công nghệ như Uber và Grab ra sao để không rơi vào cấm đoán, nhưng cũng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các loại hình vận tải vẫn đang làm đau đầu nhà quản lý.
Du nhập vào Việt Nam từ năm 2014, taxi công nghệ như Uber và Grab đã tạo ra một làn sóng phản đối từ các hãng taxi truyền thống, mà đỉnh điểm là taxi Vinasun đệ đơn ra tòa án nhân dân TP.HCM để kiện Grab.
Đến nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải. Tuy vậy, làm thế nào để hài hòa giữa cái cũ và cái mới vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp. Và, loại hình này cũng chưa được định danh một cách cụ thể để quản lý.
Cuộc chiến giữa taxi truyền thống và Grab, Uber vẫn chưa có hồi kết qua 5 năm
Bày tỏ quan điểm về việc quản lý Uber, Grab, ông Đặng Quang Vinh, Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Đây là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới – kinh doanh taxi công nghệ và chúng ta phải ghi nhớ là nếu không có 2 công ty này thì sắp tới cũng sẽ có một số đơn vị thực hiện cách làm tương tự”.
Hiện nay, Viettel cũng đã đầu tư vào một doanh nghiệp có xây dựng phần mềm điều phối hoạt động vận tải như loại hình này. Điều này có nghĩa sắp tới chúng ta sẽ phải mở rộng quan điểm quản lý, coi đây là một hình thức kinh doanh mới so với hình thức kinh doanh cũ chứ không chỉ nhấn mạnh vào Uber hay Grab. Nếu cứ tiếp tục nhấn mạnh vào hai công ty này thì sẽ tạo ra quan điểm trong – ngoài.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Về bản chất, họ cung cấp nền tảng để kết nối và họ tham gia cả vào công việc điều hành hoạt động. Khi ra đời ở Mỹ, Uber hoạt động đầu tiên tại California. Bang California định nghĩa doanh nghiệp này, loại hình này là công ty mạng vận tải chứ không phải là công ty vận tải theo phương thức truyền thống, tức là có xe và trực tiếp chở người từ địa bàn này đến địa bàn khác”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI bày tỏ, quan điểm cấm hay không cấm loại hình vận tải công nghệ như Grab, Uber chỉ đúng vào thời điểm 5 – 7 năm trước. Đến giờ phút này không thể nói chuyện cấm nữa vì Hiến pháp 2013, đến 2014, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ.
“Bộ GTVT chẳng có quyền cấm. Bộ luật Dân sự nói không được hạn chế quyền pháp nhân của cá nhân, chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm. Nếu muốn cấm thì phải sửa Luật giao thông, đồng thời chỉ được cấm trong 4 trường hợp”, ông Đức cho hay.
Tuy nhiên, LS Đức cũng cho rằng việc hạn chế là hoàn toàn có thể và nên làm. Cần yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ.
Đặc biệt, LS Đức đưa ra một quan điểm khá “bạo” , nếu hạn chế thì nên hạn chế cái truyền thống, khuyến khích cái hiện đại vì nó lợi ích, hiệu quả, an toàn, vì nó có dữ liệu và quản lý tốt hơn.
“Hiện không chỉ riêng taxi công nghệ, taxi thường chúng ta cũng có quản được đâu. Rõ ràng, số lượng taxi “dù” hiện rất nhiều chứ đâu có quản được, hở thì hở chung và không quản thì không quản chung, nếu taxi công nghệ vào nữa thì chúng ta càng không quản được”, LS Đức nhấn mạnh.
Hải Dương
——————————-
An ninh Thủ đô (Xe) 22-3-2018:
http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/tranh-cai-nay-lua-ve-quan-ly-grab-uber/761443.antd
(260/702)