1.767. Grab, Uber: Cấm hay không cấm?

(DV) – Quản lý Grab, Uber ” Bộ GTVT chẳng có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm, Chính phủ không có quyền… chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm” – quan điểm này được nêu ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề quản lý taxi công nghệ, do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (22.3).

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề quản lý taxi công nghệ ngày 22.3

Phải có cơ chế điều chỉnh phù hợp

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, trong Luật GTĐB có những đối tượng chúng ta không đề cập hết, đặc biệt sau khi ứng dụng công nghệ trong GTVT xuất hiện. Cụ thể, từ 2014, một số tổ chức cá nhân sử dụng phần mềm kết nối giữa chủ phương tiện và hành khách, kết nối giữa lái xe và hành khách.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, thực tế hiện nay đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Ví dụ như việc lợi dụng ứng dụng công nghệ để trực tiếp điều hành quản lý vận tải, điều hành giá (trong khi theo quy định của Việt Nam phải quản lý chặt chẽ, công khai niêm yết giá, có nguồn thu phải nộp thuế), ứng dụng công nghệ phải đăng ký, quản lý… Chính những điều này gây ra sự lộn xộn trong thị trường vận tải hành khách, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Lê Đình Thọ

Qua đó, với chức năng QLNN, trách nhiệm của Bộ GTVT là phải tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ tất cả loại hình, đối tượng kinh doanh vận tải dù có ứng dụng công nghệ hay không ứng dụng công nghệ.

“Bộ GTVT đang dự thảo trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ… Các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm; Các cơ quan chức năng khác như ngành Thuế cũng cần có những hướng dẫn, những quy định cụ thể để tạo sự đồng bộ và tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải” – Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Bàn về việc quản lý Grab, Uber như thế nào, TS Đặng Quang Vinh – Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) đưa quan điểm: “Chúng ta đang nhìn dưới góc độ 2 công ty nước ngoài vào hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên mở rộng quan điểm một chút. Đây là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới – kinh doanh taxi công nghệ và chúng ta phải ghi nhớ là nếu không có 2 công ty này thì sắp tới cũng sẽ có một số đơn vị thực hiện cách làm tương tự”.

TS Đặng Quang Vinh – Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM)

Theo TS Đặng Quang Vinh, chúng ta phải coi đây là một hình thức kinh doanh mới so với hình thức kinh doanh cũ chứ không chỉ nhấn mạnh vào Uber hay Grab. Nếu cứ tiếp tục nhấn mạnh vào hai công ty này thì sẽ tạo ra quan điểm trong – ngoài. Như vậy sẽ hình thành ấn tượng không tốt về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Theo tôi, việc cấm hoàn toàn thì rất ít mà chủ yếu đặt ra điều kiện và khi các điều kiện đó doanh nghiệp thấy không phù hợp, họ sẽ buông… Điều quan trọng hiện nay là những công nghệ đã làm biến đổi thị trường, phá vỡ thị trường cũ. Vì vậy, nên dựa trên những rủi ro mà nó có thể đem lại để điều chỉnh cho phù hợp. Anh không thích, anh không hòa hợp được anh đừng làm. Chúng ta nên tư duy mở hơn một chút và có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước” – TS Vinh cho biết.

Không nên cấm

Tại buổi tọa đàm, với góc độ là người nghiên cứu, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Trường ĐH GTVT cho rằng, bất kỳ một dịch vụ mới nào cũng được sự quan tâm của công chúng. Trong đó, họ quan tâm nhất đến chất lượng dịch vụ. Dịch vụ vận tải hành khách rất phổ biến, có những yêu cầu nhất định về giá thành. Taxi công nghệ có những lợi thế về giá, thậm chí thường xuyên khuyến mãi giảm giá nên khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, taxi công nghệ có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống.

GS.TS Từ Sỹ Sùa – Trường ĐH GTVT cho rằng, bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên… taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền.

Theo GS.TS Sùa, hiện nay chúng ta có khá nhiều văn bản pháp quy để quản lý dịch vụ taxi truyền thống, thì taxi công nghệ cần quản lý về: Nhận diện thương hiệu, có thể đơn giản hoá mào, logo nhưng phải có để hành khách và cơ quan chức năng nhận diện. Thứ hai, phải tôn trọng pháp luật giá của Viêt Nam, khuyến mãi phải tuân theo pháp lệnh giá, điều tiết giá trần và giá sàn. Hiện chưa tính thuế một cách đầy đủ với Uber, Grab. Họ kêu lỗ nhưng vẫn khuyến mãi rất nhiều.

Thứ ba, nếu nói kinh tế chia sẻ, đó là một thứ không chuyên nghiệp, cần phải có sự chuyên nghiệp hơn như giá vé phải có bảo hiểm cho hành khách. Thứ tư, cần có sự cạnh tranh lành mạnh, giả sử xe của DN taxi cùng tháo hết mào, logo chuyển sang taxi công nghệ có được không?

“Bất kỳ cái gì cũng có giải pháp, cấm là không nên nhưng taxi truyền thống hiện đươc quản lý quá chặt, taxi công nghệ không nhất thiết phải chặt như vậy nhưng cũng phải quản lý, phải có logo nhận diện thương hiệu, đồng hồ tính tiền. Theo tôi cần một giải pháp hài hoà nhất, chứ không thể để như hiện nay. Các doanh nghiệp cần lấy khách hàng làm trung tâm, phát triển hài hoà các lợi ích; hoạt động minh bạch công khai” – GS.TS Sùa nói.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu 3 ý kiến: Thứ nhất là về quan điểm cấm hay không cấm; Thứ hai là về quan điểm hạn chế hay không hạn chế; Thứ ba là về quản lý taxi công nghệ như thế nào.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đến giờ phút này không thể nói chuyện cấm nữa vì Hiến pháp 2013, đến 2014, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định rõ. 

“Bộ GTVT chẳng có quyền cấm, Hà Nội, Đà Nẵng chẳng có quyền gì cấm, Chính phủ không có quyền, Ủy ban Thường vụ không có quyền cấm, không có quyền hạn chế. Bộ luật Dân sự nói không được hạn chế quyền pháp nhân của cá nhân, chỉ có Quốc hội và luật mới có quyền cấm” – Luật sư Đức nói.

Luật sư Đức hoàn toàn đồng ý với việc hạn chế xe công nghệ: “Tôi nhất trí với việc nếu hạn chế thì Hà Nội phải hạn chế bao nhiêu xe, TP.HCM bao nhiêu xe chứ không thể để tình trạng tắc đường hết không đi được và mất an ninh trật tự và nhiều thứ khác” – Luật sư Đức nêu quan điểm.

Thành An

—————————-

Dân Việt (Tin tức) 22-3-2018:

http://danviet.vn/tin-tuc/grab-uber-cam-hay-khong-cam-859188.html

(224/1.397)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,898