(TT) – “Sau 4 lần trình Dự thảo sửa đổi Nghị định 86, Thủ tướng xác định đây là Nghị định tác động rất lớn đến xã hội, liên quan nhiều đối tượng, đặc biệt người dân nên soạn thảo cần rất chặt chẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, người dân, của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt các thành viên Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ nói.
Với lợi thế ứng dụng công nghệ 4.0 và tận dụng lợi thế của kinh tế chia sẻ, taxi công nghệ đang có nhiều ưu điểm nổi trội hơn taxi truyền thống. Ảnh minh họa. |
Sau gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, Grab, Uber đã trở nên quen thuộc tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Tuy nhiên, việc định danh và quản lý loại hình vận tải mới này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận và đặc biệt là của các doanh nghiệp taxi truyền thống.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, ứng dụng công nghệ vào vận tải là xu thế tất yếu. Ứng dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước vào sản xuất, phát triển dịch vụ đã đem lại lợi ích rất thiết thực cho người dân, cho xã hội. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Chính phủ cũng giao Bộ GTVT tổng hợp đánh giá, đề nghị Quốc hội sửa Luật Giao thông đường bộ.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay: Tiếp thu các ý kiến gần 2 năm qua, Bộ GTVT đã tiếp tục xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã được đăng chính thức trên website của Bộ để tiếp tục lấy ý kiến.
“Về điều kiện kinh doanh taxi và xe hợp đồng, Ban soạn thảo đã rất cầu thị, tiếp thu các ý kiến trên cơ sở không phải cứ taxi có điều kiện gì thì xe hợp đồng cũng phải thế và ngược lại mà phải theo các quy định theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện. Riêng đối với xe hợp đồng, dự thảo đã bổ sung một số quy định để quản lý tốt hơn. Cụ thể, quy đình về quản lý về thuế, bảo hiểm, ứng dụng hợp đồng hay ứng dụng các công nghệ điều hành vận tải đã được cụ thể hóa tại điều 15, 16, 37 và khoản 1 điều 3 của Nghị định. Dự thảo thứ 4 mới được Bộ GTVT gửi sang Bộ Tư pháp sáng 22/3″, ông Thủy cho biết.
Theo Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trước đây, có định danh nhưng chưa có định dạng cụ thể về taxi công nghệ. Quan điểm của Bộ GTVT là cần có định dạng rõ ràng và taxi công nghệ thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải.
* TS Đặng Quang Vinh, Phó ban Môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Grab, Uber là hai công ty đại diện cho loại hình kinh doanh mới – kinh doanh taxi công nghệ và chúng ta phải ghi nhớ là nếu không có 2 công ty này thì sắp tới cũng sẽ có một số đơn vị thực hiện cách làm tương tự. Hiện, Viettel cũng đã đầu tư vào một doanh nghiệp cũng có xây dựng phần mềm điều phối hoạt động vận tải như loại hình này và sắp tới chúng ta phải mở rộng quan điểm quản lý, coi đây là một hình thức kinh doanh mới so với hình thức kinh doanh cũ chứ không chỉ nhấn mạnh vào Uber hay Grab. Nếu cứ tiếp tục nhấn mạnh vào hai công ty này thì sẽ tạo ra quan điểm trong – ngoài. Như vậy sẽ hình thành ấn tượng không tốt về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. * Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Cần yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư, Luật Giao thông đường bộ và taxi dưới dạng gì cũng cần tuân thủ các điều kiện này. Đề xuất hạn chế xe taxi tính toán trên cơ sở ngăn ngừa tình trạng tắc đường, tuy nhiên, nên khuyến khích loại hình quản lý hiện đại vì nó lợi ích, hiệu quả, an toàn, vì nó có dữ liệu và quản lý tốt hơn”. |
Minh Phương/Báo Tin tức
————————-
Tin tức (Kinh tế) 24-3-2018:
(95/844)