(TBKD) – Theo các chuyên gia, với những trường hợp không rút tiền mà bỗng dưng tài khoản “bốc hơi” thì khách hàng thiệt một do bị mất tiền, còn ngân hàng không chỉ mất uy tín, mất thương hiệu, giảm số lượng khách hàng, mà vốn hóa cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay sau khi thông tin 2 nhân viên chi nhánh Tp.HCM bị bắt vào cuối giờ trưa ngày 26/3, cổ phiếu của Eximbank (mã: EIB) liên tục rớt giá. Tính đến 16h neo ở mức 14.100 đồng/cp, mất 650 đồng/cp so với mở đầu phiên buổi sáng.
Vốn hóa “bốc hơi” 800 tỷ đồng
Trong năm 2017, cùng với sự tăng trưởng tốt của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, cổ phiếu EIB cũng bứt phá với đà tăng trưởng 30% từ 12.000 đồng/cp lên 16.200 đồng/cp.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, vốn hóa của nhà băng này liên tục tăng giảm, thậm chí có thời điểm giảm đến 1.045 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cổ phiếu EIB rớt giá liên tiếp là do “scandal” mất tiền của khách hàng.
Cụ thể, sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp vào ngày 23 và 26/2, cổ phiếu EIB đã giảm tổng cộng 5,25% xuống mức 15.350 đồng/cp. Vốn hóa thị trường theo đó “bốc hơi” hơn 1.045 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 27/2, EIB đã phục hồi nhẹ lên gần 2,3%, đưa giá trị cổ phiếu neo ở 15.700 đồng/cp. Thế nhưng, sang tháng 3 liên tục xuất hiện những “tin xấu” khiến cổ phiếu EIB đảo chiều suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu EIB neo ở mức 14.750 đồng/cp. Chưa dừng lại ở đó, sáng 26/3, thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an_phối hợp với các đơn vị liên quan đang tổ chức khám xét trụ sở Eximbank chi nhánh Tp.HCM trên đường Đồng Khởi, quận 1 và đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, thực hiện lệnh khám xét nơi làm việc và nơi ở của 2 bị can Hồ Thị Thủy và Nguyễn Thị Thi (nhân viên chi nhánh) về hành vi cố ý làm trái trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ việc liên quan đến nữ đại gia thủy sản Chu Thị Bình mất hơn 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại nhà băng này.
Thông tin trên ngay lập tức khiến cổ phiếu EIB chao đảo trên thị trường. Mở cửa phiên giao dịch chiều 26/3, giá cổ phiếu EIB ở mức 14.500 đồng/cp, nhưng đến 16h giảm còn 14.100 đồng/cp. Với khối lượng niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tính chung trong ngày, cổ phiếu EIB giảm 4% thị giá, khiến vốn hóa của nhà băng này “bốc hơi” hơn gần 800 tỷ đồng chỉ một phiên.
Liên tục xuất hiện những “scandal” mất tiền của khách hàng khi gửi tiết kiệm khiến Eximbank phải đối mặt với nhiều bất lợi.
Nỗi lo giảm uy tín, thương hiệu
Liên tục xuất hiện những “scandal” mất tiền của khách hàng khi gửi tiết kiệm khiến Eximbank phải đối mặt với nhiều bất lợi. Bất lợi có thể nhìn thấy ngay đó là cổ phiếu mất giá, quyền lợi của cổ đông bị ảnh hưởng, nhưng có những bất lợi khó nhìn thấy rõ ràng như mất niềm tin với khách hàng, mất uy tín và thương hiệu gây dựng bao lâu nay cũng bị lung lay.
Dù cho rằng luôn ưu tiên quyền lợi hợp pháp của khách hàng lên hàng đầu, song ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, vẫn quả quyết: “Eximbank mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền và cơ quan điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan”.
Khẳng định của lãnh đạo ngân hàng này cho thấy “scandal” mất tiền chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết, bởi kẻ được cho là cầm đầu vụ lừa đảo đã trốn ra nước ngoài.
Tuy nhiên, có một điều chắc rằng tại đại hội cổ đông thường niên sắp tới, “sóng gió” sẽ chưa dừng lại với nhà băng này.
Việc giá cổ phiếu EIB biến động lên xuống từ “scandal” này khi cổ phiếu ở hầu hết các ngân hàng khác vẫn tăng đang ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông Eximbank. Và nếu toà án tuyên ngân hàng thua kiện và phải hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi phát sinh cho khách hàng Chu Thị Bình là hơn 300 tỷ đồng, thì Eximbank sẽ lấy nguồn tiền nào để chi trả? Đây sẽ là những câu hỏi hóc búa mà cổ đông đặt ra cho Hội đồng quản trị.
Anh Hà Minh Hồng, một cổ đông của Eximbank, cho rằng: “nếu ngân hàng lấy từ nguồn dự phòng rủi ro hoạt động, sẽ phải trích thêm chi phí dự phòng tỷ lệ 100% thiệt hại do hoạt động quản trị rủi ro yếu kém. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận kinh doanh năm 2018”.
Theo các chuyên gia, sự việc càng để lâu, kéo dài sẽ khiến người gửi tiền chịu thiệt đã đành, nhưng bản thân các ngân hàng cũng bị mất uy tín và những ảnh hưởng đến thương hiệu sau này khó mà đong đếm được.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng: “Điều nguy hiểm hơn là niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Đó mới là tổn thất thực sự cho cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng gì ngân hàng bị thiệt hại”.
Huyền Anh
—————————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 28-3-2018:
(51/1.001)