(KT&ĐT) – Từ năm 2018, theo các cam kết tự do hóa thương mại, thuế nhập khẩu (NK) ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0%.
Trong khi đó, để khuyến khích nội địa hóa ngành ôtô trong nước, nhiều loại thuế khác đang được các cơ quan chức năng đề xuất giảm. Đồng thời, một số loại thuế như tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), môi trường… một số dòng xe sẽ tăng.
Giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế VAT
Theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ năm 2018, thuế suất thuế NK ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm còn 0%. Bên cạnh đó, thuế TTĐB giảm còn 35% với xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, 40% với xe 1.5L – 2.0L. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm thuế suất thuế NK ưu đãi với linh kiện, phụ tùng ôtô nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, Dự án Luật sửa đổi 5 Luật thuế đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến cũng đề xuất tăng thuế TTĐB từ 10% hiện nay lên 12% dự kiến từ năm 2019. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế TTĐB với xe bán tải bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xilanh.
Khách hàng tham khảo dòng xe nhập khẩu tại một cửa hàng trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Với các chính sách thuế mới này, giá ôtô vào năm 2018 và các năm tiếp theo như thế nào vẫn là một ẩn số. Hiện nay, một chiếc ôtô tại Việt Nam phải chịu thuế NK cho linh kiện (10 – 30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 – 70%) tùy loại, tùy nguồn gốc NK. Tiếp đó là thuế TTĐB 40 – 60%, tùy theo dung tích xe. Thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập DN 22%.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để bù đắp mức thuế NK giảm về 0% từ năm 2018, ngân sách chắc chắn phải tính đến việc cân đối bằng tăng thu từ một số sắc thuế nội địa như thuế TTĐB, thuế môi trường… Tuy nhiên, thuế NK xe nguyên chiếc từ ASEAN hiện đang ở mức khoảng 30%, thuế VAT 10%…, từ năm 2018, thuế NK sẽ giảm về 0%. Nếu các loại thuế khác như VAT dự kiến lên 12%, thuế môi trường tăng thì mức tăng không đáng kể so với việc giảm sâu thuế NK. Mặt khác, các chính sách thuế khuyến khích nội địa hóa ôtô sẽ khiến các DN tiếp tục giảm giá xe để tăng sức cạnh tranh. Cũng theo ông Phong, một số loại thuế tăng nhưng chỉ tăng ở dòng xe dung tích lớn, phát thải nhiều.
Thị trường ô tô trong nước có sôi động?
Có thể thấy, ngoài việc giảm thuế NK xe nguyên chiếc về 0% từ năm 2018 theo các cam kết hội nhập, các chính sách khuyến khích sản xuất linh kiện ôtô trong nước đang được Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nói đến nhiều. Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ôtô, giới chuyên gia cho rằng, chính sách khuyến khích các DN sản xuất linh kiện trong nước phải cố định trong nhiều năm, hành lang pháp lý chặt chẽ, thủ tục hành chính đơn giản, và quan trọng nhất là những ưu đãi thuế, phí và một thị trường đủ tiềm năng.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, các DN ô tô trong nước cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa, không chỉ thuế mà còn là sự thuận lợi trong thủ tục hành chính, đất đai, chính sách vay vốn. Chúng ta đang loay hoay giữa giải quyết các vấn đề và chưa tìm ra nút thắt. Tắc đường, hạ tầng kém được giải quyết bằng các loại thuế, phí. Đơn cử, hạ tầng giao thông yếu nên phải đánh thêm một số thuế phí gián tiếp vào đầu phương tiện. Thêm thuế, phí, giá ôtô tăng lên. Rồi thiếu chỗ đỗ, người dân cân nhắc mua ôtô… Câu chuyện luẩn quẩn này khiến giá xe khó giảm, thị trường co cụm.
DN Việt hiện đang đơn độc trong công cuộc nội địa hóa ôtô. Đơn cử câu chuyện Vinaxuki, ngoài những sai lầm trong kinh doanh, DN thực sự thiếu các chính sách hỗ trợ để có thể phát triển và cạnh tranh trước các “ông lớn” thế giới. “Tại sao một DN lớn như Toyota cũng không thể nội địa hóa, sản xuất linh kiện tại Việt Nam? Điều này có thể thấy, nội địa hóa là việc không dễ. Vì vậy, DN Việt cần nhiều hỗ trợ hơn” – ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam đã bảo hộ sản xuất lắp ráp ôtô trong nước gần 20 năm. Đây là thời điểm cần nới để DN tự cạnh tranh và phát triển.
Đối với chính sách thuế NK linh kiện ôtô, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, do thuế NK xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% từ năm 2018, nên VAMA kiến nghị cần giảm thuế NK về 0% từ năm 2018 áp dụng cho tất cả các linh kiện xe lắp ráp trong nước NK bởi các nhà sản xuất ôtô, cũng như áp dụng cho toàn bộ vật tư, bán thành phẩm NK bởi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô mà không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào.
2 phương án giảm thuế NK linh kiện mà Bộ Tài chính đề xuất là: Thứ nhất, giảm thuế NK của 163 dòng thuế linh kiện ôtô NK để lắp ráp về 0%. Theo đó, giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14 – 16% xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn. Phương án hai là giảm thuế NK của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên từ mức 3 – 50% hiện tại về 0%. |
HÀ LÂM
Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 26-8-2017:
http://kinhtedothi.vn/thay-doi-chinh-sach-thue-gia-xe-oto-van-kho-doan-296506.html
(218/1.099)