(TBNH) – Quy định của ĐKKD khiến cho lãnh đạo DN Việt Nam mất nhiều thời gian để tìm hiểu quy định, tiếp xúc với cán bộ nhà nước để tuân thủ pháp luật hoặc tránh bị phạt, không có thời gian nâng cao chất lượng quản lý DN, tìm kiếm phương thức kinh doanh mới hiệu quả hơn.
“Một điểm mừng là trong phiên họp vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bãi bỏ một cách căn bản tất cả các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết. Điều đó cho thấy Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mới về cải cách ĐKKD, một quyết tâm rất lớn so với những nỗ lực từ trước tới nay”, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu.
Quản lý nhà nước về kinh doanh vẫn theo lối mòn cũ
Việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD đã được VCCI, CIEM nỗ lực thúc đẩy 17 năm qua và từ hơn 350 ngành nghề kinh doanh chỉ còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo đó là hàng nghìn ĐKKD được cắt bỏ. Nhưng như Luật sư Trương Thanh Đức (thành viên Tổ công tác) thì “ĐKKD bỏ 10 lại thêm 7” và hiện nay đang có khoảng 4284 yêu cầu ĐKKD.
Rà soát của CIEM chỉ ra: Hệ thống 4284 ĐKKD này đang làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung, đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng các DN đang hoạt động. Sự bất hợp lý của ĐKKD là một trong những lý do chính khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Các ĐKKD đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN |
Do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo, lại không ít ĐKKD gắn với hàng hóa, dịch vụ của một đơn vị công lập hoặc được Nhà nước chỉ định, tạo ra lợi thế độc quyền đã cản trở các nhà đầu tư tiềm năng gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Các ĐKKD đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của DN khi bắt buộc DN phải kinh doanh theo một phương thức nhất định, phải sử dụng một loại công nghệ nhất định, phải thành lập một loại DN nhất định…
Nhiều ĐKKD đang làm tăng chi phí không cần thiết cho DN, làm giảm giá trị gia tăng DN có thể tạo ra. Quy định của ĐKKD khiến cho lãnh đạo DN Việt Nam mất nhiều thời gian để tìm hiểu quy định, tiếp xúc với cán bộ nhà nước để tuân thủ pháp luật hoặc tránh bị phạt, không có thời gian nâng cao chất lượng quản lý DN, tìm kiếm phương thức kinh doanh mới hiệu quả hơn. Do đó, DN Việt Nam có năng suất thấp và không cạnh tranh được.
Nhiều ĐKKD, giấy phép có thời hạn ngắn, khiến DN khó dự liệu cho tương lai, không muốn đầu tư lớn, tạo ra rủi ro lớn trong quá trình hoạt động. Nhiều ĐKKD yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch và quy hoạch có nhiều thay đổi. Rủi ro chính sách nói chung và ĐKKD nói riêng luôn là điểm quan ngại hàng đầu của DN trong các cuộc khảo sát ý kiến DN.
Nếu như đạt được, đây là bước đột phá
Trước những bất cập nói trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu báo cáo của VCCI và CIEM chủ động tự rà soát để sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý, không cần thiết. Nếu có ý kiến khác nhau giữa các Bộ và VCCI, CIEM, Chính phủ sẽ là người ra quyết định cuối cùng.
“Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, mọi khó khăn, để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Các bộ cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, DN để có vướng mắc là sửa ngay, không chờ đợi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước chỉ đạo của Thủ tướng, ông Hiếu cho rằng Chính phủ đã thay đổi cách làm và đây là thông điệp tích cực của Chính phủ trong cải cách ĐKKD lần này. Nếu như đạt được, đây là bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên, hai thành viên Tổ công tác và cả 2 cùng được dự phiên họp thường trực Chính phủ vừa rồi để báo cáo về rà soát ĐKKD là ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế VCCI) và ông Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng CIEM) thì không lạc quan như ông Hiếu.
Trong suốt nhiều năm gần đây, cả Quốc hội và Chính phủ đã có những nỗ lực và quyết tâm rất lớn trong cải thiện chất lượng và xóa bỏ rào cản kinh doanh từ hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo rà soát của VCCI “rất khó tìm giải pháp để cải cách ĐKKD trong suốt 10 năm vừa qua”, tuy đã bỏ được hàng ngàn ĐKKD, đã xây dựng khung khổ về kiểm soát chất lượng ĐKKD nhưng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc nên không kiểm soát được ĐKKD.
Và chuyên gia của CIEM cho rằng: Các quy định về kiểm soát chất lượng quy định ĐKKD không được thực thi hoặc chưa được thực thi đúng và đầy đủ. Cũng chưa có sự thay đổi tư duy và nhận thức về vai trò và ý nghĩa của điều kiện đầu tư kinh doanh. Quản lý nhà nước về kinh doanh vẫn theo lối mòn cũ, vẫn theo tư duy kiểm soát và tiền kiểm, chưa áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội, khoa học, công nghệ để thay thế cho các quy định “truyền thống” về ĐKKD.
Lan Linh
Thời báo Ngân hàng (Doanh nghiệp – Doanh nhân) 31-8-2017:
http://thoibaonganhang.vn/dn-kho-vi-qua-nhieu-dieu-kien-kinh-doanh-67007.html
(80/1.089)