(PLVN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC, việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) yêu cầu Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải nộp 2.495 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) rất có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN…
Rất có thể việc KTNN yêu cầu Habeco nộp số tiền 2.495 tỷ đồng vào NSNN sẽ tạo tiền lệ xấu cho quá trình CPH, thóa vốn nhà nước tại DN
Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong số báo trước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI ) vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc KTNN yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước là trái với Luật DN 2014…
Dẫn Luật DN, VAFI khẳng định, chỉ có Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần. Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên của Sabeco ngày 18/4/2017 đã thông qua, sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ, khoản lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2016 của Sabeco là hơn 2.946 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này đã được ĐHCĐ quyết định không chia, trong đó có vai trò quyết định của cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương (chiếm 89,59%/vốn điều lệ với số tiền 2.495 tỷ đồng).
Với rất nhiều nỗ lực, trong phiên đấu giá cạnh tranh ngày 18/12/2017 Bộ Công Thương đã bán hết 343.662.587 triệu cổ phần tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phần. Với thương vụ IPO này, Nhà nước đã thu về gần 110.000 tỷ đồng tương đương với 4,8 tỷ USD và còn nắm giữ 36% cổ phần ở Sabeco.
Phiên đấu giá cổ phần nhà nước thành công đã khẳng định chủ trương “công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, chống tiêu cực và lợi ích nhóm; đúng quy luật thị trường, hiệu quả, ổn định thị trường chứng khoán; theo giá thị trường” hoàn toàn đúng đắn. Sự kiện này không chỉ mang về nguồn vốn cho NSNN mà còn mở ra cơ hội rất lớn cho quá trình CPH, thoái vốn DNNN.
Thế nhưng sau gần 2 tháng IPO, Sabeco bất ngờ nhận được Thông báo 155/KTNN-TH KTNN ngày 8/2/2018, trong đó yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước về NSNN với số tiền 2.495 tỷ đồng. Đây hẳn cũng là lý do cho đến nay, sau hơn 3 tháng IPO thành công, Tập đoàn Thaibev, nhà đầu tư đã bỏ ra 4,8 tỷ USD để mua toàn bộ 343.662.587 triệu cổ phần để sở hữu 53,59% vốn điều tại Sabeco vẫn chưa được ngồi vào “cái ghế” của mình ở Sabeco.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC), quá trình thoái vốn nhà nước tại SABECO và định giá DN đã được thực hiện bài bản, có sự tham gia của kiểm toán. Nhưng lúc đó không thấy có ý kiến gì của kiểm toán về khoản lợi nhuận để lại tại DN này.
Theo Luật sư Đức, chính khoản lợi nhuận chưa chia mà KTNN đang yêu cầu Sabeco phải nộp lại này là yếu tố để Thaibev mua Sabeco giá cao như thế. Luật sư Đức cho rằng nếu không có khoản tiền này thì giá cổ phiếu Sabeco khi thoái vốn có thể giảm đi với một mức độ tương ứng, bởi thị trường và cổ đông mua cổ phiếu của Sabeco giá bao nhiêu là dựa vào giá trị cổ phiếu hiện tại và kỳ vọng vào tương lai.
“Sau khi việc thoái vốn đã hoàn thành, nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của Sabeco với giá rất cao thì KTNN lại yêu cầu thanh toán cổ tức cho cổ đông nhà nước trước thời điểm thoái vốn thì “không tâm phục, khẩu phục”…” – Luật sư Đức nhận xét.
Đáng ngại, theo các chuyên gia kinh tế, những thông tin về truy thu tiền này cũng có thể làm giá cổ phiếu của Sabeco giảm, nhà đầu tư mất tiền, trong đó có cả nhà đầu tư nhà nước và người lao động. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, bởi không biết chừng, sau Sabeco sẽ có những DN IPO xong xuôi lại bất ngờ bị “đòi” chia lợi nhuận sau thuế. Nếu có tiền lệ này, liệu các nhà đầu tư còn mạnh tay xuống tiền mua lại vốn nhà nước tại DN hay không?
Trao đổi với báo chí, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco khẳng định: “Yêu cầu Sabeco phải nộp NSNN 2.495 tỷ đồng của KTNN là chưa phù hợp với Luật DN và điều lệ của Sabeco cũng như các văn bản pháp luật khác”. Ông Hà cũng cho biết ông đã ký công văn phản hồi gửi KTNN nói rõ về khoản lợi nhuận 2.495 tỷ đồng mà KTNN kiến nghị phải nộp về NSNN. Trong công văn này, Sabeco khẳng định “không có cơ sở để thực hiện ngay kết luận của KTNN mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định luật pháp hiện hành là Điều 132 của Luật DN năm 2014”.Tại công văn này, Sabeco cũng khẳng định Nhà nước đã thực hiện thoái vốn 53,59% cho cổ đông lớn nhất là Thai Bev mà đại diện là Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị gần 5 tỷ USD ngày 18/12/2017, vì vậy, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Sabeco tại thời điểm 28/12/2017 chỉ còn hơn 36%.
Trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, VAFI cũng cho rằng nếu ĐHCĐ tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.946 tỷ đồng thì cổ đông nhà nước chỉ được hưởng 36% của khoản phân chia này, không phải là 85,95% như KTNN kết luận…
Linh Linh
————————-
Pháp luật Việt Nam (Kinh doanh) 14-4-2018:
(297/1.109)