(ĐĐK) – Trước đề xuất tính thuế tài sản đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng của Bộ Tài chính, đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại.
Cách tính thuế tài sản của Bộ Tài chính khiến nhiều người dân lo lắng.
Người dân chịu gánh nặng
Trong phương án nhà có giá trị từ 700 trăm triệu trở lại phải đóng thuế, Bộ Tài chính cho biết diện tích nhà tính thuế là toàn bộ diện tích nhà sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về nhà ở.
Giá 1m2 nhà tính thuế được xác định như sau: Đối với nhà mới xây dựng, giá 1m2 nhà tính thuế là giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp, hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế (giá 1m2 nhà xây dựng mới được xây dựng căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành). Đối với nhà đã qua sử dụng, giá 1m2 nhà tính thuế được xác định bằng giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp, hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế nhân với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng nhà tại thời điểm tính thuế (hiện nay, UBND cấp tỉnh đang ban hành tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để tính lệ phí trước bạ đối với nhà).
Đang sở hữu một căn nhà có diện tích sàn là 210 m2 ở ngõ 66 đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), bà Nguyễn Hoa Quế cho biết nhà xây từ năm 2002, giá trị xây toàn căn nhà chưa tới 350 triệu đồng. Với mức đề xuất thu thuế của Bộ Tài chính, bà vẫn không hiểu cơ quan Thuế sẽ tính lại hay là sử dụng phương pháp tính nào khác. “Tôi phải vay mượn để xây nhà, nay nghỉ hưu thì chỉ còn lương hưu để sinh sống. Hiện không hiểu thuế như thế nào, nhưng cứ nghĩ nhà mình ở đã đóng thuế đất, giờ thêm thuế nhà nữa thì còn tiền đâu để sinh hoạt phí” – bà Hoa Quế nói.
Trong khi đó, vợ chồng chị Hương ở phố Hoàng Cầu nhẩm tính, căn nhà 3 tầng (diện tích sàn khoảng 150m2) của mình sẽ có giá nhà là hơn 1,1 tỷ đồng. Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, phần giá nhà tính thuế còn lại là trên 400 triệu đồng. Nhân với mức thuế suất dự kiến là 0,4%, tính tiền thuế phải chịu gần 1,7 triệu đồng. Chị Hương cho rằng, số tiền đó không hề nhỏ đối với vợ chồng làm công chức nhà nước.
Phần lớn ý kiến người dân đều thắc mắc rằng Bộ Tài chính đang xây dựng một chính sách thuế vì ai hay chỉ chỉ nhằm tận thu sức dân. Họ cho rằng, nhiều người có nhà to nhưng đó là do của cải của bố mẹ tích cóp mấy chục năm mất đi để lại, hoặc vay mượn để xây nhà chứ bản thân toàn là người đi làm công ăn lương. Hết đóng thuế xăng dầu, lại thuế đất, giờ thêm thuế nhà nữa là quá tải.
Báo cáo thu ngân sách nhà nước năm 2017 và nhất là quý 1 năm 2018 đang có vấn đề đặt ra: nguồn thu hụt đi so với trước đây rất nhiều. Cụ thể thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, đạt 67.580 tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán năm, giảm 2,8% so cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó về chi ngân sách nhà nước ước đạt 290.000 tỷ đồng, bằng 19% dự toán, tăng 1,7% so cùng kỳ năm 2017. Các hoạt động chi đầu tư phát triển đạt 35.300 tỷ đồng, bằng 8,8% dự toán, bằng 79,9% so cùng kỳ năm 2017; chi trả nợ lãi đạt 31.400 tỷ đồng, bằng 27,9% dự toán, tăng 7,8%; chi thường xuyên đạt 222.550 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán, tăng 5,3%.
Điều này có thể thấy rằng, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục có nhiều lỗ hổng, khi chi thường xuyên vẫn tăng trong khi nguồn thu hụt đi.
Nên giảm chi rồi hãy tính phương án đánh thuế nhà
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi nhận xét về đề xuất cần ban hành luật Thuế Tài sản của Bộ tài chính.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, nhiều mặt hàng hiện chỉ có mức thuế khoảng 3% khiến nguồn thu giảm trong khi chi tiêu dù chắt bóp nhưng không hề giảm. Theo ông, vấn đề hiện tại là phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, xem xét các luật thuế, trong đó có thuế tài sản.
Còn luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói việc thu thuế có thể tạo ra gánh nặng cho người dân. Ông cho rằng, để mua được nhà, đại đa số người dân phải làm việc cật lực, tiết kiệm chi tiêu, sống rất khó khăn vất vả. Ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng là quá thấp. Vì tài sản thường đánh vào người giàu, vào tài sản có giá trị lớn cỡ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần phải đặt câu hỏi mục đích ban hành chính sách thuế này là gì, tính toán thu như vậy liệu có đạt được mục tiêu không? Từ đây, mới có thể trả lời việc ban hành Luật Thuế tài sản xuất phát từ nhu cầu về nguồn thu ngân sách hay bảo đảm sự công bằng giữa người nghèo, thu nhập thấp với những người sở hữu nhiều tài sản lớn.
Ông Long cho rằng trong bối cảnh thu nhập bình quân của người Việt Nam còn thấp, ngoài phải lo cho đời sống hàng ngày còn phải chịu thêm thuế tài sản liệu có bảo đảm được cuộc sống không?
H.Hương
————————–
Đại đoàn kết (Bất động sản) 16-4-2018:
http://daidoanket.vn/bat-dong-san/de-xuat-tinh-thue-tai-san-nhieu-y-kien-lo-ngai-tintuc401162
(87/1.076)