(DĐDN) – Năm 2017, Việt Nam được không ít các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể “đón lõng” được thị trường vốn đầy biến động này.
Vậy đâu là phương án đầu tư vừa sinh lời tốt vừa đề cao tính an toàn của đồng vốn?
Chọn mặt gửi… tiền
Chứng khoán, kênh đầu tư hút vốn nhất hiện nay, đang chênh vênh trên đỉnh. Năm 2018 mới trôi qua được hơn ba tháng nhưng chỉ số chứng khoán Việt Nam VN-Index đã tăng tới 22%. Riêng năm 2017, VN-Index ghi nhận mức tăng 45%.
Tuy nhiên, Bloomberg mới đây đã đưa ra khuyến cáo rằng các nhà đầu tư cần cẩn trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt thị trường. Thống kê của hãng này cho thấy, 15 cổ phiếu trong rổ MSCI Vietnam Index đang giao dịch ở mức P/E lên tới 30,5 lần, gấp rưỡi mặt bằng chung của VN-Index (P/E khoảng 21 lần).
“Ông trùm” chứng khoán Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đã lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Hưng cho rằng giai đoạn hiện nay rất nhạy cảm khi thị trường thế giới đang diễn biến bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang gia tăng cũng như việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất.
Hơn nữa, việc thị trường đã tăng rất mạnh trong hơn một năm qua khiến dư địa tăng tương lai không còn nhiều. Thời kỳ này, rót tiền vào một kênh đầu tư “mất nhiều hơn được” như chứng khoán có lẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan, đặc biệt đối với nhà đầu tư không nắm rõ tình hình hoạt động và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Kênh đầu tư truyền thống là vàng và tiết kiệm ngân hàng được coi là những hình thức đầu tư “chắc ăn” nhất, nhưng tỷ suất sinh lời cũng thấp nhất.
Năm 2017, giá vàng trong nước chưa bao giờ dưới 36 triệu đồng/lượng, trong khi mức giá kịch trần đạt được chưa đến 37,5 triệu đồng/lượng, nghĩa là biên độ dao động tối đa chỉ khoảng 4%, thấp hơn cả gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ngay với kênh tiết kiệm ngân hàng vốn tưởng chừng là kênh đầu tư “không phải lo nghĩ” nhưng thời gian gần đây, hàng loạt vụ tiền gửi “bốc hơi” theo nhiều cách khác nhau xảy ra ở cả ngân hàng lớn lẫn nhỏ đã dấy lên không ít lo ngại cho người gửi tiền.
Vụ “mất tích” 245 tỷ đồng tiền gửi của khách VIP tại một ngân hàng lớn gần đây là một trong nhiều tín hiệu cho thấy gửi tiết kiệm ngân hàng dù chấp nhận tỷ suất sinh lời thấp vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thậm chí, càng gửi nhiều tiền, nguy cơ trở thành đối tượng bị lừa đảo càng cao.
Bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống, không ít những nhà đầu tư tò mò với làn sóng hút vốn mới trên thị trường : tiền ảo. Tuy nhiên, cơn địa chấn Modern Tech mới đây đã làm không ít các nhà đầu tư đứng ngồi không yên. Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) mới đây khuyến cáo: “Tiền ảo là kênh đầu tư vô cùng rủi ro, được mất trong nháy mắt. Bên cạnh một người được vinh danh vì huy động vốn thành công cho các startup bằng tiền ảo, thì cũng có nhiều người vướng vào lao lý vì tội lừa đảo.”
Đâu là lựa chọn tối ưu?
“Giữa các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tốt và ổn định thì bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất trong năm 2018, đơn giản nó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người dân. Đối với những khoản đầu tư ngắn hạn thì chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả. Nhưng ở phân khúc trung và dài hạn, bất động sản là kênh có vị trí cao nhất”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu góc nhìn về sức hấp dẫn của các kênh đầu tư.
Chốt lời ở một kênh đầu tư ngắn hạn như chứng khoán, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm đến bất động sản để trú ẩn cũng như dự trữ tài sản lâu dài. Đây là một trong những đặc tính hấp dẫn nhất của bất động sản, khiến kênh đầu tư này luôn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dù ở thời kỳ nào.
Vững chắc, nhưng nếu xét về sức sinh lời thì còn phải tùy vào từng thời kỳ và từng phân khúc. Hiện tại, mặc cho những tranh cãi xoay quanh condotel thời gian vừa qua, giới chuyên gia nhận định đây vẫn là kênh đầu tư sinh lời an toàn và bền vững nhất do chủ động được nguồn khách so với chung cư hay đất nền.
Lý giải về sức hút của phân khúc này so với các kênh đầu tư khác, ông Nguyễn Hoàng, một môi giới lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cho biết: “Lợi nhuận từ đầu tư vào condotel thực chất không phải là từ việc ngồi chờ tăng giá như các loại hình bất động sản “truyền thống” mà là từ việc đầu tư vào kết quả kinh doanh, vận hành dự án trong tương lai. Những dự án nằm ở vị trí đẹp, được khai thác, quản lý và vận hành bởi những Tập đoàn quản lý khách sạn lớn trên thế giới sẽ chủ động được nguồn khách nên tỷ suất lấp đầy thường xuyên tối ưu. Vì thế, cam kết sinh lời phổ biến được các chủ đầu tư đưa ra dao động từ 8-10%/năm là hoàn toàn có cơ sở.”
Đơn cử như dự án Best Western Premier Sonasea Phu Quoc do Tập đoàn CEO là chủ đầu tư và được quản lý vận hành dưới thương hiệu Best Western – Tập đoàn Quản lý khách sạn hàng đầu đến từ nước Mỹ, đang được mở bán giai đoạn 2 trong tháng 4 này với số ít căn hộ được ra hàng.
Dự án này được cam kết lợi nhuận 10%/năm trong vòng 10 năm, nghĩa là nếu không tính đến các chi phí phát sinh, khách hàng có thể thu về toàn bộ 100% giá trị đầu tư ban đầu sau 10 năm. Khách hàng thậm chí còn có thể nhận ngay 3 năm lợi nhuận (chiết khấu trực tiếp 25% vào giá bán), được hỗ trợ lãi suất tới 60% giá trị căn hộ.
Từ năm thứ 11, lợi nhuận chia sẻ giữa chủ đầu tư và khách hàng là 85%/15%, cộng với giá trị bất động sản tại thời điểm tương lai.
“Việc chủ động được nguồn khách và cam kết chia sẻ lợi nhuận khiến cho condotel không chỉ là một tài sản để lại cho con cháu sau này mà còn là một kênh sinh lời đều đặn và bền vững. Những giá trị gia tăng ổn định, độ an toàn cao chính là lý do vì sao nhiều người lựa chọn quay về đầu tư vào phân khúc này, đặc biệt là khi những nút thắt về pháp lý sắp được tháo gỡ.”, ông Hoàng phân tích./.
THUỲ LINH
—————————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Thị trường) 16-4-2018:
http://batdongsan.enternews.vn/thi-truong/loi-giai-nao-cho-bai-toan-dau-tu-2018-20180416090718.html
(63/1.301)