(QĐND) – Sau khi Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11-9-2017 đăng bài “Bộ Công Thương tiếp tục đi đầu trong cải cách hành chính”, tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi đồng tình với cách làm quyết liệt và tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về vấn đề này
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Uỷ ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Bộ Công Thương gần đây luôn “đi đầu”
Cải cách hành chính để giảm tối đa các thủ tục hành chính đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Bộ Công Thương là một bộ kinh tế đa ngành có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Việc bộ này chủ động cắt giảm các điều kiện kinh doanh được xem là bước đột phá để phá bỏ “rào cản” tạo lập môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Không chỉ có việc giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh mà thời gian qua, Bộ Công Thương luôn đi đầu trong việc tinh giản các thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có một số thủ tục liên quan tới giao thương quốc tế nên việc cắt giảm điều kiện là việc làm rất hữu ích cần phải nhân rộng. Để làm tốt được việc này trong thời gian tới, tôi cho rằng, không chỉ có Bộ Công Thương mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành khác có liên quan. Cần xây dựng Luật Hành chính công để bảo đảm cắt giảm các thủ tục chung và thống nhất về mặt nguyên tắc. Đồng thời, rà soát loại bỏ những điều kiện không cần thiết, hoặc đơn giản hóa các điều kiện. Chỉ giữ lại những điều kiện cần thiết phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng lợi ích của doanh nghiệp, người dân và bảo đảm các quy định của pháp luật, an ninh quốc gia. Đối với những điều kiện thuộc lĩnh vực chuyên môn, còn nhiều ý kiến sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Có một số điều kiện liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài cần tách bạch rõ ràng, báo cáo với Chính phủ vì có liên quan đến đàm phán quốc tế. NGUYỄN CƯỜNG (ghi)
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp (Bộ Tư pháp):
Người dân và doanh nghiệp ủng hộ, kỳ vọng
Bộ Công Thương quản lý nhiều điều kiện kinh doanh nhất. Trong đó, có những điều kiện kinh doanh vô lý ở một số lĩnh vực như: Xuất khẩu gạo, xăng dầu, ô tô… Một số điều kiện kinh doanh đi ngược lại với sự sáng tạo, tự do kinh tế thị trường. Điều này đã được các chuyên gia chỉ ra, Chính phủ cũng đã yêu cầu sửa đổi. Thế nên, việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lần này đưa ra chỉ đạo và quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết được đông đảo người dân, doanh nghiệp hoan nghênh ủng hộ. Mọi người kỳ vọng lần cắt giảm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn sẽ rất khó khăn để bộ có thể rà soát hết cả nghìn điều kiện kinh doanh. Việc làm này cần thời gian hàng tháng để phân tích đánh giá kỹ lưỡng. Theo tôi, khi đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ nghiên cứu đã trình lên phương án các danh mục cần loại bỏ, có lập luận, lý lẽ thì Bộ Công Thương cứ thế mà bỏ. Điều kiện kinh doanh nào cần giữ lại thì bộ phải đưa ra lập luận, lý lẽ để thuyết phục được đơn vị chuyên môn. VĂN THI (ghi)
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam:
Nên lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp
Tôi theo dõi thấy Bộ Công Thương đã chuẩn bị thời gian dài cho việc cắt giảm tối đa các thủ tục kinh doanh do bộ quản lý. Đây là một động thái cực kỳ tốt. Tuy nhiên, muốn cắt giảm được, Bộ Công Thương phải xem thực tế nó đang diễn ra như thế nào, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp ra sao. Từ thực tế đó để chúng ta giảm bớt các thủ tục, như vậy mới có thể tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm trách nhiệm quản lý ngành.
Để thực hiện được, ngoài việc lấy ý kiến từ các ngành, chuyên gia, các nhà quản lý… bộ phải xem xét, lấy ý kiến từ các doanh nghiệp, càng nhiều càng tốt. Vì doanh nghiệp là những đối tượng trực tiếp va chạm với thủ tục, họ nắm rất rõ những khó khăn, vướng mắc. Thêm vào đó, Bộ Công Thương cần phải sáng tạo, đổi mới phương thức. Và để sáng tạo được thì phải lựa chọn những cán bộ có năng lực, nếu không rất khó thực hiện. HOÀNG HẢI (ghi)
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương):
Thống nhất nhận thức, sớm triển khai lộ trình cắt giảm
Sau khi các cơ quan của Bộ Công Thương và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến làm việc với VCCI, VCCI đã có chỉnh sửa một số nội dung tại Báo cáo và đã bỏ số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh đã công bố trên báo chí.
Cách tiếp cận về hiểu, thống kê điều kiện đầu tư kinh doanh của VCCI có nhiều nội dung không phù hợp cách tiếp cận của Luật Đầu tư năm 2014 đã được hiểu thống nhất bởi các bộ, ngành và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định tại Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng trước khi thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký dự án đầu tư; hoàn toàn khác với điều kiện, yêu cầu với hàng hóa, dịch vụ trong kinh doanh – là các yêu cầu, giấy phép, tiêu chuẩn, quy chuẩn…cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư đã được thành lập.
Như vậy, cách tiếp cận của VCCI không thể hiện đúng bản chất về điều kiện đầu tư kinh doanh và dẫn đến số lượng điều kiện theo công bố của VCCI là 1.220 điều kiện, tương đương với “1..220 giấy phép con”. Điều này gây hiểu nhầm cho Chính phủ và dư luận rằng Bộ Công Thương áp đặt nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số điều kiện chủ yếu áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nội luật hóa các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế; không áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước mà ngược lại nhằm bảo vệ nền kinh tế Việt Nam khỏi sự bành trướng quá nhanh của khối doanh nghiệp FDI.
Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ thống nhất cho rằng, nếu các kế hoạch, phương án cải cách được thực hiện thì dự kiến sẽ cắt giảm 425/1.220 điều kiện, bằng 34,83% tổng số điều kiện theo thống kê của VCCI.
Hiện chúng tôi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương, lộ trình, biện pháp giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và tiếp tục rà soát các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhằm kịp thời đề xuất loại bỏ các điều kiện không phù hợp và không thực sự cần thiết.
——————
Quân đội nhân dân (Bạn đọc) 13-09-2017:
https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cach-lam-can-duoc-nhan-rong-517687
(227/1.393)