1.811. Còn dùng tiền mặt, khó trị tham nhũng

(TT) – Ra tòa trong những vụ án gần đây, các bị cáo khai “lại quả” cho nhau hàng chục tỉ đồng tiền mặt. Điều đó đặt ra câu hỏi: cách nào quản lý đồng tiền để biết rõ nguồn gốc, tiền nào sạch, tiền nào bẩn?

Còn dùng tiền mặt, khó trị tham nhũng - Ảnh 1.

* Ông Min Bùi (chuyên gia công nghệ tài chính):

Môi trường tiền mặt dung dưỡng tham nhũng

VN là một trong nhóm những nước còn thanh toán nhiều bằng tiền mặt. Việc chuyển đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chậm chạp của VN đang để lại những thách thức trong quản lý dòng tiền, minh bạch tài chính.

Điều này đã tạo môi trường dung dưỡng cho nạn tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt.

Thanh toán sử dụng tiền mặt không chỉ làm thất thoát, đẩy cao chi phí cho toàn xã hội mà còn tạo điều kiện cho môi trường kinh tế ngầm, buôn gian bán lận, trốn thuế…

Ở các nước, người ta xem các giao dịch số tiền lớn bằng tiền mặt đương nhiên hiểu là không minh bạch, không sạch sẽ, gắn với hoạt động kinh tế “ngầm”.

Chúng ta có Luật thuế thu nhập cá nhân nhưng vì dòng tiền không qua ngân hàng, tự do được giao dịch bằng tiền mặt dẫn đến khó kiểm soát thu nhập thực.

Ở các nước, những công chức, cá nhân có việc làm đều phải mở tài khoản và nhà nước quản lý mã số thuế cá nhân đi kèm, tiền ra vào tài khoản đều được theo dõi, các hoạt động giao dịch mua bán lớn cũng vậy.

Minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội là biện pháp để giải quyết tham nhũng, cảnh báo được nguồn tiền thu nhập không rõ ràng của nhiều người, chống rửa tiền, trốn thuế và các hoạt động phi pháp khác.

Khi tất cả khoản thu trả qua ngân hàng, chúng ta cũng dẹp bỏ được câu chuyện khó lý giải trước giờ tại sao lương công chức vài triệu đồng/tháng nhưng lại sắm điện thoại xịn, xe xịn, nhà to…

Còn dùng tiền mặt, khó trị tham nhũng - Ảnh 2.

Chuyên gia Bùi Trinh

* Chuyên gia Bùi Trinh:

Không thấy tiền, không phát sinh lòng tham

Nền kinh tế buôn thúng bán mẹt của VN thời gian dài đã dung túng cho thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Kinh tế cá thể, hộ kinh doanh chiếm hơn 32% thành phần kinh tế, ngay cả doanh nghiệp cũng chuộng thanh toán bằng tiền mặt, không có hóa đơn.

 Với thực trạng xã hội như hiện nay rất nhiều nhà đầu tư vào VN cho biết họ e ngại chi phí gầm bàn, hệ thống kế toán hai sổ của doanh nghiệp VN.

Những nhà tài chính đều lý giải nạn tham nhũng từ các nước đang phát triển xuất phát từ nguyên nhân thói quen dùng tiền mặt.

Ở các nước, người ta nói đến những phi vụ giao dịch triệu USD, tỉ USD nhưng không hề cầm một đồng tiền nào. Tất cả đều qua ngân hàng, tồn tại là những con số nên cũng khó có thất thoát, ăn bớt, lại quả…

 Nhưng ở VN, mua nhà cả tỉ bạc người ta cũng cầm tiền đưa cho nhau. “Thấy tiền thì lóa mắt, nổi lòng tham”, đó là tâm lý tất yếu. Chính thói quen giao dịch tiền mặt, tâm lý thích đếm tiền đã tạo điều kiện cho nạn tham nhũng hoành hành.

Một khi tất cả dòng tiền đều được quản lý qua ngân hàng, thu nhập ra vào của một người dân thể hiện qua tài khoản thì nhà chức trách sẽ lý giải được nguồn gốc số tiền của công dân, quan chức.

Còn dùng tiền mặt, khó trị tham nhũng - Ảnh 3.

Luật sư Trương Thanh Đức (chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng)

* Luật sư Trương Thanh Đức (chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng):

Phải rõ nguồn tiền mới kiểm soát được thu nhập

Việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các nước đã làm từ quá lâu rồi, còn chúng ta đã có đề án cả chục năm nay mà vẫn chưa triển khai là quá chậm trễ.

Để triển khai việc này thì cần phân định ra 2 trường hợp. Đối với doanh nghiệp, tới đây phải buộc doanh nghiệp thanh toán qua ngân hàng đối với giá trị giao dịch thanh toán trên 5 triệu đồng. Còn nếu thanh toán không qua ngân hàng thì không được hoàn thuế, không được hạch toán để khấu trừ thuế…

Còn đối với cá nhân, đối với giao dịch giá trị nhỏ, mua bán tiêu dùng thì khuyến khích sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên đối với giao dịch thanh toán chuyển nhượng mua bán những tài sản có giá trị lớn như bất động sản, ôtô… có giá trị trên 100 triệu đồng là phải qua ngân hàng. Không thể để người dân ôm cả bao tải tiền đi mua nhà, mua xe được.

Sử dụng tiền mặt một cách vô tư như hiện nay sẽ không thể kiểm soát được nguồn gốc của đồng tiền. Đây là nguyên nhân gây ra tham nhũng, hối lộ, rửa tiền.

Mua đất cất căn biệt thự cả chục tỉ nhưng nguồn tiền từ đâu, có thu nhập từ đi buôn chổi đót, nuôi lợn hay do ai biếu, tặng, lại quả? Tất cả việc này sẽ được rõ ràng khi thanh toán qua ngân hàng.

Thanh toán qua ngân hàng sẽ kiểm soát được thu nhập, nguồn gốc của đồng tiền. Qua đó góp phần ngăn chặn được nạn tham nhũng, rửa tiền.

Để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát được thu nhập thì một mình ngành ngân hàng không thể làm nổi mà các ngành khác như thuế, tài nguyên môi trường, kho bạc… cũng phải cùng thực hiện một cách đồng bộ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước:

Sắp tới, giao dịch lớn phải qua ngân hàng

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra lấy ý kiến về việc buộc mua bán nhà đất phải thanh toán qua ngân hàng.

Nhưng nhiều ý kiến phản đối cho rằng khu vực vùng sâu vùng xa, điều kiện hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo cho việc này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải để lại.

Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn phải quy định những giao dịch có giá trị lớn sẽ buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Bán hàng không nhận thanh toán bằng thẻ

Đến cuối năm 2016, tại VN đã phát hành trên 103 triệu thẻ các loại. Số thẻ đã nhiều hơn cả dân số tại VN nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ở mức khiêm tốn.

Người dân chủ yếu dùng thẻ chỉ để rút tiền thay vì “cà thẻ trả tiền”. Có nguyên nhân là chuyện mạng lưới điểm chấp nhận thẻ còn chưa rộng khắp và không phải cửa hàng nào cũng sẵn sàng nhận thanh toán thẻ.

Anh Vĩnh (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mới đây đến cửa hàng bán vật liệu lớn để mua vật liệu làm nhà. “Chọn gạch xong tôi muốn thanh toán bằng thẻ thì chủ cửa hàng nói chỉ nhận tiền mặt. Tôi đành phải tìm máy ATM rút tiền rồi quay lại thanh toán” – anh Vĩnh than.

Có tình trạng điểm bán hàng hóa, dịch vụ từ chối thanh toán thẻ vì không muốn bị mất chi phí, không muốn minh bạch doanh thu để tránh thuế.

——————

Tuổi trẻ (Thời sự) 17-09-2017:

https://tuoitre.vn/dien-dan-chu-nhat-con-dung-tien-mat-kho-tri-tham-nhung-20170917081121675.htm

(367/1.308)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,089