(CL) – Nếu xảy ra trường hợp cho vay một khách hàng vượt quá 100% vốn tự có của ngân hàng thì có thể vẫn đúng luật, nhưng nếu khoản nợ này rơi vào tình trạng nợ xấu thì sẽ đe dọa sự an toàn của ngân hàng.
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng đối với một khách hàng và người có liên quan với một số điều kiện.
Ngày 1/5 tới, Quyết định số 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực pháp luật. Đây không phải là cơ chế mới, nhưng quy định mới đã đề cập các điều kiện xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn và đưa ra mẫu số chung để các bên áp dụng.
Mức cấp tín dụng tối đa này áp dụng đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại các khoản 1, 2, 7, Điều 128, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Ở mặt tích cực, quyết định trên đã tạo thêm nhiều dư địa để TCTD tự chủ trong việc cấp tín dụng, dựa trên khẩu vị rủi ro và chiến lược hoạt động của riêng mình mà ít bị cản trở bởi cùng một chiếc áo – quy định hoạt động – “may đo” bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chung cho cả hệ thống, miễn là các tiêu chí, giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn không bị vi phạm.
Ngược lại, quyết định này làm gợn lên lo ngại có thể bị lợi dụng để một số doanh nghiệp đầu tư vào những dự án được phép cho vay vượt giới hạn theo kiểu “tay không bắt giặc”, trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực được quy định khá chung chung như “dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế – xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ”, và “các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ”. Nhiều luật sư cho rằng, quy định như trên là chưa đủ.
Đặc biệt, luật không quy định giới hạn được vượt dẫn đến mức độ rủi ro mất vốn của tổ chức tín dụng rất lớn. Trên thực tế, doanh nghiệp có thể hoàn thiện bộ hồ sơ bằng những công ty “sân sau”, hoặc lợi dụng chính sách ngân hàng đẩy nhanh giải ngân để “làm ẩu”, làm liều. Thậm chí, có trường hợp cán bộ ngân hàng “bắt tay” với doanh nghiệp để hợp thức hóa hồ sơ. Cho vay vượt giới hạn có thể dẫn đến thất bại của ngân hàng. Một dự án nghìn tỷ có thể không sao, nhưng 10 dự án nghìn tỷ, ngân hàng sẽ chết. Trên thực tế, các quy định mới nhằm vào đối tượng là các công ty quốc doanh.
Các công ty cổ phần nếu có thì chỉ “ké theo”, vì không thể cầm trịch các dự án lớn. Quyết định trên sẽ tạo ra gánh nặng, áp lực (và cả đặc quyền) lớn cho việc quản lý và phê chuẩn dự án cho NHNN, các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ, Thủ tướng. Theo quy định, mọi khoản vay vượt giới hạn đều phải được báo cáo, giải trình trước tiên với NHNN, sau đó, thông qua NHNN, đến các bộ, ngành, địa phương và cuối cùng lên Thủ tướng. Như vậy, những giao dịch cấp tín dụng giữa TCTD và khách hàng của họ, vốn thuần túy mang tính thương mại, đã bị biến thành giao dịch mang tính hành chính, có hơi hướng xin – cho, “huy động cả hệ thống chính trị”, lên đến tận cấp Thủ tướng. Trừ khi cả nước chỉ có một vài dự án thuộc dạng này, nếu không sẽ khó mà tính được phí tổn xã hội và cả những rủi ro liên quan cho những việc như vậy.
Tuy có thể những quy định tương tự như thế này là cần thiết ở một khía cạnh nào đó, trong ngắn hạn, nhưng cần thiết phải được hạn chế và hủy bỏ trong thời gian tới để nền kinh tế nói chung và hệ thống TCTD nói riêng vận hành theo đúng quy luật thị trường, minh bạch và không có các giấy phép “con” dưới dạng các bản giải trình, xin xỏ các cơ quan quản lý chức năng. Theo quy định, khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng, không có nợ xấu trong 3 năm liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn. Hoặc khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất – kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thuộc một trong các trường hợp xác định trong quyết định trên.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các quy định mới chỉ làm rõ thủ tục, trình tự về cho vay vượt quá giới hạn, nhưng chưa nêu rõ về điều kiện. Các điều kiện chỉ được nhắc tới một cách khá chung chung như khách hàng có nhu cầu triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế vì lý do phát triển kinh tế – xã hội quan trọng cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ. Với quy định này, TCTD sẽ phải thận trọng khi cho vay vượt giới hạn với khách hàng để tuân thủ các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Ngược lại, nếu NHNN muốn hạn chế tín dụng vào những lĩnh vực mà họ cho là rủi ro như BOT giao thông, Bất động sản, Chứng khoán thì họ có thể nâng các giới hạn và tỷ lệ đảm bảo an toàn này như là những cái van hãm dòng tín dụng vào những lĩnh vực mà họ không khuyến khích, mặc dù các lĩnh vực này có thể là những lĩnh vực được phép cho vay vượt giới hạn./.
Cẩm Tú
————-
Nhà báo & Công luận (Kinh tế) 27-4-2018:
(175/1.309)