(ND) – Mặc dù dư luận và các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ từ việc kinh doanh tiền ảo nhưng với những cám dỗ không nhỏ về lợi nhuận, tiền ảo vẫn đang được nhiều người dân tìm đến. Thực tế này một lần nữa cho thấy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng, khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp luật, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro, hệ lụy do hoạt động liên quan tiền ảo mang lại.
Khách hàng sử dụng máy giao dịch Bitcoin tại TP Hồ Chí Minh.
Rủi ro tiền ảo Thông tin về việc khoảng
32 nghìn người tại TP Hồ Chí Minh với tổng số tiền đầu tư ước tính lên đến 15 nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ trắng tay do các hoạt động, giao dịch liên quan đến đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin mang lại thật sự là hồi chuông báo động về những rủi ro từ tiền ảo. Đây không phải là vụ việc đầu tiên khi trước đó, rất nhiều vụ việc liên quan hoạt động, giao dịch tiền Bitcoin, tiền ảo nói chung đã bị phanh phui và báo chí nhiều lần lên tiếng phản ánh. Nhưng xem ra, sự cảnh báo vẫn là chưa đủ khi thực tế, vì ham muốn làm giàu nhanh mà không ít người dân đã và đang tiếp tục lao vào đầu tư, kinh doanh các loại tiền ảo, bất chấp rủi ro. Thậm chí, ngay cả khi dư luận về vụ “vỡ” đường dây tiền ảo iFan đa cấp nghìn tỷ này chưa kịp lắng xuống, thì trên thực tế, nhiều đồng tiền ảo khác như One Coin, TEC, BNC… vẫn được giao dịch nhộn nhịp trên sàn điện tử.
Một số luật sư và chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, nhu cầu đầu tư, kinh doanh tiền ảo là rất lớn và không ít người đang coi đây như một kênh đầu tư sinh lãi hấp dẫn, nhất là sau khi đồng Bitcoin tăng giá “phi mã” năm 2017 (có thời điểm lên tới 20 nghìn USD/coin). “Chiêu trò lừa đảo với lãi suất cao bất hợp lý tuy không mới nhưng vẫn có người mắc lừa, bởi bên cạnh một số người không biết, cũng có thể có nhiều người biết rõ nhưng vẫn tham gia bởi hy vọng sẽ rút ra sớm. Vì vậy lúc này, cơ quan quản lý cần có động thái chấn chỉnh, cảnh báo rõ ràng và kiên quyết để người dân biết”, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Tại Việt Nam, đến nay, những hoạt động, giao dịch liên quan tiền ảo vẫn chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Nhưng do nhu cầu và thực trạng phức tạp của loại giao dịch này, ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; giao Bộ Tư pháp làm đầu mối chủ trì, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2018.
Hoàn chỉnh khung pháp lý
Mới đây, trong một văn bản của Bộ Tư pháp hồi tháng 1-2018 trả lời về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam có nêu rõ: Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam năm 2010… tuy không có quy định về tiền ảo, nhưng cũng không có quy định cấm đối với các giao dịch sử dụng tiền ảo. Do đó, cơ quan này đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm (tuyệt đối hoặc tương đối) hay dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hoặc dưới dạng tương tự như phương tiện thanh toán,… để phù hợp hơn với xu thế của thế giới cũng như phù hợp đặc điểm, tình hình Việt Nam.
Góp ý vào văn bản của Bộ Tư pháp, tháng 3-2018 vừa qua, NHNN lại một lần nữa khẳng định lập trường, quan điểm của mình về tiền ảo như đã nêu từ hồi năm 2014. Theo đó, liên quan tới hành vi sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như phương tiện thanh toán tại Việt Nam, khoản 1, Điều 17 Luật NHNN năm 2010 quy định: “NHNN là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của Việt Nam; Tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam”. Khoản 6, 7, Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt quy định phương tiện thanh toán như sau: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN; Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”. Ngoài ra, khoản 6, Điều 6 Nghị định số 101 cũng có quy định về hành vi bị cấm bao gồm: “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. “Như vậy, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam”, NHNN khẳng định.
Tuy nhiên, ngoài những nội dung cấm sử dụng tiền ảo như một phương tiện thanh toán ra, thì cũng chưa có văn bản pháp luật nào khác quy định cấm trực tiếp các giao dịch sử dụng tiền ảo. Cụ thể, theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay pháp luật Việt Nam cấm việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo với tư cách là phương tiện thanh toán. Nếu ai vi phạm bình thường thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, còn nếu qua hoạt động đấy mà gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ là vi phạm hình sự. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý sẽ trở nên phức tạp hơn khi tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán. “Theo đó, nếu sử dụng tiền ảo như là các hoạt động dân sự khác, hoạt động kinh doanh khác thì vì chưa có văn bản quy định cấm nên đương nhiên người dân, doanh nghiệp sẽ được làm. Và cũng vì chưa có gì rõ ràng, nên cũng chưa thể thu được thuế và cũng chưa có chế tài gì để có thể nói là ngăn chặn, hạn chế” – luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Trong khi đó, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), nhất là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo, đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường cảnh báo người dân về những rủi ro của hình thức đầu tư này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người đầu tư; góp phần bảo đảm an toàn thị trường tài chính. Mặt khác, cũng cần tăng cường theo dõi, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi bất hợp pháp liên quan mua bán, đầu tư tiền ảo. Về phía nhà đầu tư, trong thời gian chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh, người đầu tư cần cẩn trọng với những quyết định của mình. Bởi khi tham gia, nếu có rủi ro xảy ra, người đầu tư sẽ thiệt thòi nhiều nhất, không những mất tiền, rơi vào cảnh trắng tay mà còn có thể vướng vào các vấn đề pháp lý khác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý các hoạt động liên quan Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, Thống đốc NHNN đã ra chỉ thị yêu cầu các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện các giao dịch liên quan tới giao dịch tiền ảo cho khách hàng; tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan đến tiền ảo…
HỒNG ANH
—————–
Nhân dân (Kinh tế) 30-4-2018:
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/36254102-dau-tu-tien-ao-rui-ro-that.html
(293/1.550)