(TT) – Doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường, song một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn là tình trạng phí bôi trơn, tình trạng phong bì, nhũng nhiễu…
Trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, trong số 4.700 doanh nghiệp giải thể. Ảnh minh họa
Số liệu rất đáng chú ý của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy, trong số 4.700 doanh nghiệp giải thể.
Trong số các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 2.083 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 44,3%); 1.372 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 29,2%); 581 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 12,4%); 661 công ty cổ phần (chiếm 14,1%) và 2 công ty hợp danh.
Theo ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động do bốn nguyên nhân: Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thương mại của Việt Nam, chính vì vậy, các doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng, gặp khó dẫn tới giải thể.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn đầu tư thấp, tay nghệ, trình độ quản lý kinh doanh thấp … nên khả năng cạnh tranh thấp. Điều này cũng dễ dẫn tới việc doanh nghiệp dễ phá sản, giải thể khi không thể cạnh tranh được trên thương trường.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt nhỏ bé về quy mô nên tâm lý của các ông chủ cũng dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn. Ở Việt Nam, chuyện từ bỏ kinh doanh này chuyển sang kinh doanh việc khác là chuyện diễn ra hằng ngày.
Thứ tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo quản lý lao động còn yếu kém, công tác quản lý hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế, còn thua kém các nước khác rất nhiều.
Ngoài nguyên nhân khách quan, theo các chuyên gia, những khó khăn về cơ chế, nạn phong bì, tham nhũng vặt cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố cho thấy trong giai đoạn 2014- 2016 doanh nghiệp phải chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006.
Cụ thể trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị (tỉnh có chỉ số cạnh tranh mức trung bình) cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức.
9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến, chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng vẫn cao so với kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: “Việc doanh nghiệp phải mất nhiều phí “bôi trơn” làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh và làm xấu môi trường kinh doanh đầu tư”.
Các khoản chi “bôi trơn” càng lớn sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước giảm sức hút của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung trong vấn đề thu hút đầu tư.
“Vấn đề phí “bôi trơn” doanh nghiệp đã nói đến rất nhiều nhưng vẫn không giải quyết được.
Người ta từng nói “không sợ chính sách của Nhà nước mà chỉ sợ người thực hiện” điều đó toát lên toàn bộ vấn đề tồn tại hiện nay: Không phải do chính sách Nhà nước mà là do người thực hiện”, PGS. Long cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia tham vấn thẩm tra các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Văn phòng Chính phủ cho biết, vấn đề phí “bôi trơn” tăng trong khi môi trường kinh doanh đang dần được cải thiện, hệ thống văn bản cấp phép được rút ngắn, hệ thống chính sách được điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cho thấy một nghịch lý và bất cập trong thực thi chính sách pháp luật.
“Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết và văn bản dưới luật để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có các Nghị quyết 19 (các năm 2014, 2015, 2016) hay Nghị quyết 35 năm 2016…
Chính phủ cũng quyết tâm và đi vào thực hiện xây dựng một Chính phủ liêm chính vì người dân và doanh nghiệp. Nhưng hiện tượng phí “bôi trơn” lại tăng, vậy căn nguyên là ở người thực thi”, LS. Đức nhận định.
Theo LS. Đức, dường như vấn đề nhũng nhiễu để vòi vĩnh doanh nghiệp ngày càng trầm trọng và có nguy cơ tăng lên theo sự phát triển của nền kinh tế, của quy mô doanh nghiệp
Khi đó dễ dẫn đến doanh nghiệp không chấp hành quy định của pháp luật, lấy phí “bôi trơn” thay cho việc thực hiện quy định của luật.
Hoàng Linh/Tạp chí SHTT
—————
Tin tức VN (Tài chính) 01-5-2018:
(240/1.019)