(DĐDN) – Cần có một quy trình chuẩn thay thế cho phương thức huy động vốn đầu tư hạ tầng cũ, mà vẫn phát huy được cơ hội hợp tác đối tác công tư (PPP).
Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức PPP được đưa ra, ghi nhận ban đầu cho thấy đã không có nhiều doanh nghiệp “hồ hởi”.
Không phải “nói không” với BT và BOT
Đổi đất lấy hạ tầng là phương thức cơ bản trong hợp tác PPP từ trước đến nay. Hoạt động theo phương này, về mặt tích cực, giảm bớt áp lực ngân sách đầu tư công, chia sẻ bớt gánh nặng Nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm, hạ tầng. Trong một nền kinh tế đang phát triển và cơ sở hạ tầng vẫn đang còn thiếu, yếu, cần được hoàn thiện, nợ công lại đang cao gây khó cho quỹ vốn đầu tư hạ tầng, việc thúc đẩy PPP để hoàn thiện nền của nền kinh tế, là rất cần.
Tuy nhiên, thực tế của hợp tác PPP theo các hình thức BOT, BT… ở nhiều dự án và trên nhiều tỉnh thành, địa phương cả nước, chưa hoàn toàn phát huy được mọi mặt tích cực. Ở một chiều khác, việc hợp tác phát triển các dự án hạ tầng của toàn dân, với những nhà đầu tư BT, BOT, được cho là chưa công khai, minh bạch, theo cơ chế “riêng” hoặc theo nhóm lợi ích, quản lý buông lỏng…khiến hiệu quả dự án sau chuyển giao không như kỳ vọng. Trong khi đó, quỹ đất công được dùng để đổi lấy hạ tầng ngày một vơi đi, thất thoát và lãng phí tài sản Nhà nước đã xảy ra…
Pháp luật quy định các dự án BT khi nào xây dựng xong thì mới quy ra đất, khi đó mới có giá. Thế nhưng, hiện nay đa phần đang đi ngược với chính sách quy định nên xảy ra tình trạng thiếu minh bạch trong các dự án BT.
Sau những bất cập được lộ diện trong quá trình thực thi PPP những năm qua, các cơ quan chức năng đã nhận chân điều này. TP HCM vào cuối 2017 đã ra quyết định tạm ngừng hoàn toàn các dự án BT đang trong giai đoạn đàm phán (10/2017) để xây dựng và hoàn thiện quy trình chuẩn, thể hiện quyết tâm sử dụng hiệu quả nhất phương thức huy động vốn này.
Song song đó, đầu 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng công bố Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó khắc phục các bất cập về hình thức và đang lấy ý kiến các bên. BT, BOT hay BOO… theo đó, không phải là hoàn toàn nói “nói không”, mà là được đặt trong các quy định chung của tổng thể pháp luật được định khung cho hình thức PPP. BT, BOT và nhiều hình thức hợp đồng khác trong PPP, theo đó, có thể thay đổi bắt đầu từ phương thức thu hút nhà đầu tư: Quyền lợi thanh toán để đi tới hợp tác.
Vì sao không hồ hởi?
Có thể xem xét vài ví dụ.
– Tại Điểm 2, điều 10, chương II, Nghị định 15 quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Một phần điểm 2 cũng quy định đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 10%. Có nghĩa, một dự án cầu đường có tổng vốn đầu trên 1500 tỷ đồng, doanh nghiệp muốn tham gia chỉ cần đáp ứng vốn chủ sở hữu ở mức trên 150 tỷ đồng. Đây là một con số khá thấp và hầu như bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào hoạt động trong lĩnh vực xây dựng -bất động sản (những DN có xu hướng mở rộng quỹ đất bằng BT) trên thị trường chứng khoán đang niêm yết, đều cũng có thể đáp ứng được.
Một chuyên gia từng cho rằng chỉ riêng yêu cầu về năng lực tài chính này, doanh nghiệp đã “khỏe re” và không chịu bất cứ áp lực vốn nào. Bởi một khi đã tham gia đấu thầu được dự án, vốn để triển khai dự án thực tế đã có ngân hàng cung cấp. Lợi ích doanh nghiệp đạt được là “ăn” cả 2 đầu khi: Tổng dự toán xây dựng trong đó cơ bản giá thành xây dựng là do doanh nghiệp “xây” lên; thời gian thu phí và quỹ đất đổi lấy hạ tầng cũng do doanh nghiệp đề xuất, theo phê duyệt của “cơ quan có thẩm quyền”. Nếu đổi lại bằng quy định mới, chắc chắn các nhà quản lý sẽ phải siết lại những điểm cơ bản này trước tiên.
Và trong dự thảo, các nhà soạn thảo cũng đã nâng tỷ lệ yêu cầu về vốn chủ sở hữu lên ở mức 20%. Song đây vẫn chưa phải là mấu chốt. Luật sư Trương Thanh Đức trả lời báo chí cho rằng xét về lý cả đầu tư BT và BOT Nhà nước cần phải kiểm soát chặt giá thành, chi phí xây dựng công trình, kiểm soát được thời gian thu phí và quỹ đất đổi hạ tầng. Hiểu ngắn gọn: Ở cả 2 đầu, cần phải thay đổi những quy định hạn chế “quyền” mặc cả của nhà đầu tư về giá BT, BOT…
– Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thì nhấn mạnh, cần tách bạch giữa hai chuyện: Việc các nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng theo phương thức PPP và cách thức thanh toán của hợp đồng hợp tác. Theo đó, một mặt, việc kiểm soát khâu đánh giá năng lực nhà đầu tư BT hoặc BOT cũng như kiểm soát giá thành xây dựng là cần thiết, có thể thực thi theo con đường đấu giá – nhà đầu tư nào đưa phương án BT có giá thành hợp lý, đảm bảo năng lực tài chính, đầu tư, vận hành, sẽ có cơ hội trúng đấu giá, đảm bảo công bằng công khai và minh bạch. Một mặt khác, quỹ đất dự kiến dùng làm tài sản thanh toán, hay nói nôm na là đổi lấy dự án hạ tầng – thay vì đổi ngang cho nhà đầu tư tham gia trúng thầu BT, BOT, sẽ được đấu giá công khai minh bạch qua trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Trên cơ sở đó, Nhà nước thu được nguồn tiền tối đa -đặc biệt với các tài sản đất công có giá cao có nhiều tổ chức muốn sở hữu, phát triển và khai thác. Nguồn tiền thu được dùng chi trả cho giá dự án tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng, phần dôi dư bổ sung ngân sách.
Dù vậy, nếu đấu giá được áp dụng cho cả khâu chọn mặt gửi hàng lẫn thanh toán đổi tiền lấy hàng, tiến tới liệu đầu tư PPP có còn phát huy sự hấp dẫn và huy động được nguồn vốn xã hội hóa tham gia vào hạ tầng nữa hay không? Tách bạch giữa đất và công trình theo cơ chế nào để không gây đứt gãy mục tiêu phát hạ tầng với PPP – Dự thảo Luật PPP chưa hẳn sẽ hóa giải hoàn toàn được những nút thắt này.
B.I
————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Đầu tư) 05-5-2018:
http://enternews.vn/thay-doi-dat-lay-ha-tang-bang-phuong-thuc-nao-128659.html
(107/1.317)