(TP) – Thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam đang phát triển rất nóng, với một vài “ông lớn” nổi lên, như Fe Credit… Tuy vậy, không ít người vay không hiểu rõ đã bị dính vào những khoản nợ với lãi suất “trên trời”; khi chậm thanh toán lập tức bị “khủng bố” điện thoại để đòi nợ.
Không ít khách hàng gặp rắc rối vì vay tín chấp và mở thẻ tín dụng của Fe Credit.
Như Tiền Phong đã phản ánh, hiện các công ty tài chính, ngoài hoạt động cho vay mua sản phẩm như điện thoại, điện máy, xe máy… còn có dịch vụ thẻ tín dụng với các khoản vay tiền mặt.
Tuy vậy, nếu người vay không tìm hiểu kỹ, chuẩn bị về các phương án tài chính, sẽ dễ dẫn tới những phiền hà, rắc rối với mình và người thân.
Điển hình như những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi nhiều người nghèo (bán trà đá, mua ve chai…) bị dụ dỗ mua bộ mỹ phẩm của Cty Deaura trị giá 43 triệu đồng. Với hợp đồng vay mua trả góp do Cty Tài chính Fe Credit cung cấp.
Chỉ khi khách hàng về nhà xem lại hợp đồng, phương án tài chính mới ngớ người mình bị lừa, với đống nợ vào người. Khi khách hàng tìm đến Cty Deaura trả lại sản phẩm thì bị làm khó, không trả được, hoặc bị phạt tiền dù chưa dùng sản phẩm… Có người đem trả mới phát hiện hợp đồng vay tiêu dùng với Fe Credit đã có hiệu lực, đành ngậm ngùi xách “đống nợ” về nhà.
Cũng có khách hàng phản ánh, khi mở thẻ tín dụng rút tiền mặt, nhân viên các công ty tài chính thường nói lãi suất chỉ 1-2%, nhưng khi xem lại hồ sơ mở thẻ, trả nợ, bị đòi nợ… mới phát hiện lãi suất lên tới 4,08%/tháng (gần 49%/năm). Khi đó, đã quá muộn. Thậm chí, nếu nợ quá hạn lãi suất còn cao hơn gấp nhiều lần.
Với khoản lãi “cắt cổ” trên, chỉ sau 1 năm, số tiền lãi nuôi công ty tài chính đã bằng gần nửa số tiền gốc khách hàng đã vay.
Nếu không trả được nợ, lập tức khách hàng, người thân sẽ bị nhân viên công ty tài chính “khủng bố” điện thoại, với hàng chục cuộc gọi yêu cầu trả nợ mỗi ngày. Sau đó, các công ty này sẽ dọa dẫm sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án, công an để khởi tố vì tội “lợi dụng tín nhiệm chiếm dụng tài sản”.
Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, nếu cho vay tín dụng ngoài lãi suất vượt quá 20% lãi suất cơ bản là bất hợp pháp, nhưng các công ty tài chính đưa ra lãi suất cao hơn thế nhiều lần vẫn không bị ràng buộc bởi luật pháp.
Theo luật sư Đức, về mặt lý thuyết, người vay có thể bị đưa ra tòa, hoặc chuyển hồ sơ sang công an. Tuy nhiên, để thực hiện được bước này cần rất nhiều yếu tố. “Do đó, việc công ty tài chính nói sẽ cho ra tòa, chuyển công an phần lớn là gây sức ép để người vay phải trả nợ, còn làm được vậy phải phụ thuộc nhiều yếu tố, mất nhiều thời gian”, ông Đức nói. Vì vậy, quan trọng nhất với người vay tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ các hợp đồng vay tiêu dùng, khả năng trả nợ trước khi đặt bút ký.
Về cách thức truy nợ kiểu “khủng bố” điện thoại của các công ty tài chính, cuối năm 2017, đầu năm 2018, dư luận từng xôn xao về trường hợp nghệ sĩ hài Quang Thắng bị đòi nợ dù anh không hề vay mượn gì . Thậm chí, nhân viên đòi nợ còn làm phiền anh vào cả ngày nghỉ lẫn đêm muộn. Dù anh giải thích không vay nợ, bị nhầm số… nhưng nhân viên vẫn không tin còn nói anh “nổ”.
Theo tìm hiểu, hệ thống đòi/nhắc nợ của công ty tài chính được thực hiện tự động, với rất nhiều nhân viên, mỗi người một số khác nhau (để tránh khách hàng chặn số). Do đó, khi hệ thống vẫn ghi nhận nợ, số của khách hàng được tự động chuyển liên tục từ nhân viên này sang nhân viên khác. Chỉ khi khách hàng trả nợ, hệ thống loại khỏi danh sách, khi đó mới không bị làm phiền.
Cũng chính vì hoạt động tự động, nên nếu người vay kê khai khống số điện thoại, bộ phận thẩm định vay thiếu kiểm tra, người có số bị ghi vào hợp đồng dù không vay sẽ thành nạn nhân bị “khủng bố” điện thoại để đòi nợ. Đấy là trường hợp mà nghệ sĩ Quang Thắng và nhiều người bỗng thành “con nợ”.
Cùng với “khủng bố” điện thoại, các nhân viên đòi nợ của công ty tài chính thường nói liên hồi cho hết phần thông báo của mình rồi tắt máy, không cho khách hàng phản hồi, hay ghi nhận phản hồi của khác. Vì vậy, nhiều trường hợp, dù oan ức, tức nghẹn cũng không thể làm được gì.
Do quy định cho phép các khoản vay tiêu dùng, phí duy trì thẻ tín dụng của các công ty tài chính cũng được phép chuyển sang hệ thống ghi nhận lịch sử tín dụng (CIC), nên không ít người dù chỉ nợ phí vài chục nghìn đồng cũng thành người có nợ xấu, không ngân hàng nào còn dám cho vay.
Lê Hữu Việt
————
Tiền phong (Kinh tế) 10-5-2018:
https://www.tienphong.vn/kinh-te/vay-tieu-dung-can-trong-bay-lai-suat-va-khung-bo-doi-no-1271321.tpo
(167/982