(CFF) – Buổi giao lưu sẽ được tổ chức từ 14h00 đến 16h00 ngày 27/9/2017 với sự tham gia trả lời của các diễn giả: TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế tài chính; TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân; Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Đại diện của Ngân hàng Nhà nước và Đại diện công ty tài chính Fe Credit.
Tài chính tiêu dùng đang trở thành thuật ngữ khá phổ biến trong hoạt động tài chính ngân hàng. Mảng kinh doanh này cũng đã đem lại những thành công bước đầu nhưng vô cùng lừng lẫy cho một số ngân hàng, với điển hình nhất là VPBank. Nhiều ngân hàng khác đang nhắm đến tài chính tiêu dùng như là một trong những chiến lược quan kinh doanh trọng nhất.
Tài chính tiêu dùng hướng đến các đối tượng khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng, tức những người có thu nhập trung bình thấp, thu nhập không ổn định, thậm chí là sinh viên muốn vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo. Theo thống kê, lượng khách hàng mà các công ty tài chính phục vụ nhiều hơn cả lượng khách hàng của ngân hàng, nhưng vì khoản vay chỉ rất nhỏ, bình quân là 4-6 triệu đồng/món nên tổng dư nợ của các công ty tài chính mới chỉ khoảng 50 – 70 nghìn tỷ, tức bằng 0,01% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.
Không những vậy, tài chính tiêu dùng còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng nền kinh tế.
Tuy nhiên tài chính tiêu dùng vẫn còn mới mẻ với nhiều người dân và chưa thực sự thu hút được sự quan tâm đúng mực của xã hội. Đâu đó vẫn còn những ánh nhìn thiếu thiện cảm với tài chính tiêu dùng, thậm chí nhiều người còn đánh đồng với hoạt động cầm đồ hay tín dụng đen.
Để góp phần giúp người dân và xã hội nhìn nhận đúng hơn về tài chính tiêu dùng, qua đó thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển, Kênh thông tin tài chính kinh tế CafeF phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: Hiểu đúng về Tài chính tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội
Buổi giao lưu sẽ được tổ chức từ 14h00 đến 16h00 ngày 27/9/2017.
Tham gia buổi giao lưu có các diễn giả: TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính TS. Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng Tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân; Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Đại diện của Ngân hàng Nhà nước; và Đại diện công ty tài chính Fe Credit – đơn vị đang nắm hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng ở Việt Nam.
———————
Câu hỏi gửi Luật sư Trương Thanh Đức
Tín dụng tiêu dùng thúc đẩy sản xuất!
- Công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo cơ sở pháp lý nào?
Công ty tài chính tiêu dùng hoạt động trên cơ sở Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 07-5-2014 của Chính phủ về “Hoạt động của Công ty tài chính và Công ty cho thuê tài chính” và cho vay theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính”.
Ngoài ra, việc cho vay của Công ty tài chính tiêu dùng còn phải tuân theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng” và các quy định liên quan khác.
Về Tổ chức và hoạt động nói chung của Công ty tài chính tiêu dùng thì theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Bộ luật Dân sự năm 2015,…
- Các lĩnh vực, dịch vụ mà công ty tài chính tiêu dùng được triển khai?
Công ty tài chính tiêu dùng được hoạt động theo 3 lĩnh vực, dịch vụ là: Nhận tiền gửi của tổ chức (gồm cả phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài); chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; và cho vay tiêu dùng đối với khách hàng (gồm cả cho vay trả góp, hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng và thực hiện các hoạt động cho vay khác theo quy định của pháp luật).
- Công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất rất cao, gấp 3-4 lần ngân hàng, việc này có vi phạm quy định về lãi suất không? Họ xác định lãi suất cho vay trên cơ sở nào?
Nếu hiểu chặt theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì lãi suất cho vay không quá 20%/năm. Tuy nhiên, những năm qua cũng như tại thời điểm hiện nay, thì đang được hiểu rằng tổ chức tín dụng, trong đó có công ty tài chính tiêu dùng, được phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận mà không bị giới hạn mức trần 20%/năm.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 9 về “Lãi suất cho vay tiêu dùng”, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN thì Công ty tài chính phải dựa vào cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng (lãi suất cao nhất và thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng), các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.
- Có ý kiến cho rằng để cho vay tiêu dùng phát triển bền vững không chỉ cần có hành lang pháp lý bảo vệ các TCTD mà còn phải đặt yêu cầu bảo vệ người đi vay trước nguy cơ vỡ nợ lên cao, theo ông thì sao?
Ý kiến đó cũng hoàn toàn hợp lý, cần phải xem xét. Nếu như lãi suất quá cao và điều kiện trả nợ không khả thi, thì sẽ dẫn đến những khó khăn, thiệt thòi cho người đi vay, làm cho họ rất khó trả nợ và dễ bị rơi vào tình thế bi đát, vỡ nợ. Và nếu như có nhiều người đi vay không trả được nợ, thì cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho chính các tổ chức tín dụng tiêu dùng.
- Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn nhiều lãi vay NH là hiển nhiên nhưng làm thế nào để giảm được lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay?
Lãi suất là kết quả tương đối mặc định của thị trường tín dụng, trong đó có vấn đề cung cầu. Vì vậy, muốn giảm lãi suất thì phải dựa vào thị trường phát triển lành mạnh, ít rủi ro. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và có tính chất lâu dài.
Còn với tầm nhìn ngắn hơn, thì cần cho mở ra, cho nhiều công ty tài chính tham gia thị trường này, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty này đẩy mạnh việc huy động vốn và tăng trưởng cho vay. Quan trọng nhất là tăng nguồn cung cấp tín dụng và tăng cường sự cạnh tranh thì lãi suất sẽ giảm xuống mức hợp lý nhất.
- Ngoài đường có rất nhiều các tờ rơi quảng cáo tín dụng đen dán khắp nơi mà không thấy ai giám sát, xử lý. Việc này theo ông thuộc về trách nhiệm của ai?
Các tờ rơi quảng cáo đó có thể chỉ là hoạt động môi giới dẫn đến các địa chỉ cho vay là các tổ chức tín dụng hoặc dịch vụ cầm đồ hợp pháp, nhưng rất có thể là hoạt động cho vay bất hợp pháp, tức là tín dụng đen.
Đúng là hiện nay quy định không rõ trách nhiệm này thuộc về Ngân hàng Nhà nước, ngành Công thương hay Công an. Theo tôi, nội dung của việc hoạt động cho vay này nên thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường của ngành Công thương, vì đó chính là một dạng hoạt động thương mại.
- Có ý kiến cho rằng nếu điều kiện khuôn khổ pháp lý được thông thoáng hơn, mở rộng đối tượng đầu tư vào các công ty tài chính để nguồn vốn đầu vào của các công ty tài chính thấp hơn thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ tự dần điều chỉnh về mức hợp lý. Ý kiến của ông thế nào?
Đấy chính là một trong những vấn đề mấu chốt. Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là một hoạt động kinh doanh mang đậm tính thị trường, nên cần phải điểu chỉnh bằng cơ chế thị trường. Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ít ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính, tiên tệ, vì vậy cần được nới lỏng hơn, nhất là việc huy động vốn của các tổ chức kinh tế, chứ không phải của công chúng.
- Theo ông có nên để lãi suất vay tiêu dùng tự do, thả nổi theo nhu cầu thị trường hay áp trần?
Nếu thị trường cho vay tiêu dùng thực sự phát triển và có tính cạnh tranh cao, thì hoàn toàn không cần thiết đặt ra trần lãi suất. Nhưng với những gì đang diễn ra trong thời gian vừa qua, theo tôi, cần phải tính đến việc áp trần lãi suất tối đa. Trong quan hệ dân sự, kinh tế đã ấn định mức không quá 20%/năm, thì trong lĩnh vực tín dụng, chẳng có lý do gì vượt quá nhiều. Mức lãi suất đối với cho vay tiêu dùng tối đa chỉ nên là 30%, cùng lắm là 40%/năm, thay vì 50%, thậm chỉ cao hơn như lâu nay.
Từ 01-01-2018 tới đây, nếu lãi suất 100%/năm là đến mức phạm tội cho vay lãi nặng. Nếu cứ chấp nhận lãi suất cho vay trong hạn lên đến 70%, thì lãi suất quá hạn hợp pháp sẽ là 105%, chưa kể lại còn được phép tính thêm 10% đối với số tiền lãi chậm trả.
- Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra như bị áp lãi suất cao hoặc bị phạt, bị vỡ nợ, người dân cần lưu ý gì trước khi quyết định vay?
Quan trọng nhất là cần tính toán, cân nhắc khả năng trả nợ trước khi đi vay. Lãi suất trong hạn tương đối thấp của cho vay tiêu dùng hiện nay là khoảng 30%, mà bị quá hạn thì lập tức sẽ tăng lên 45% thì sẽ rất khó trả nợ.
Nếu lãi suất trong hạn mà đã là 45 – 50%, thì càng cần phải thận trọng khi vay các khoản lớn, thời hạn trả nợ dài. Đối với các khoản vay nhỏ lẻ, dễ dàng trả nợ thì hoàn toàn có thể chấp nhận lãi suất cao.
- Với các ngân hàng hiện nay đã thông thoáng hơn trong việc xử lý nợ xấu nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14. Nhưng các công ty tài chính thì xử lý nợ xấu thế nào khi không có tài sản đảm bảo?
Các công ty tài chính tiêu dùng thường cho vay không có tài sản bảo đảm, vì vậy không bao giờ trông chờ vào việc xử lý tài sản bảo đảm. Họ phải tính toán thu hồi và xử lý nợ xấu bằng cách khác, như tăng cường đôn đốc trả nợ và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro. Ngoài ra còn phải thuê dịch vụ đòi nợ và phải chi phí đáng kể cho hoạt động đòi nợ. Và đó chính là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc cho vay lãi suất cao để bù đắp cho nhiều khoản nợ không thu hồi được.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của tín dụng tiêu dùng với kinh tế và xã hội Việt Nam hiện nay?
Tín dụng tiêu dùng đang và sẽ là một kênh bán hàng nhanh chóng, tiện lợi, có hiệu quả, rất phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, nhất là đối với lực lượng trẻ.
Tín dụng tiêu dùng cũng đang và sẽ làm thay đổi quan niệm ngàn đời đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt Nam là phải dành dụm, chắt bóp, dè xẻn ăn tiêu, sợ kiểu như “ăn trước, trả sau, đau hơn hoạn”. Tín dụng tiêu dùng có tác dụng thúc đẩy chi tiêu, mua sắm, từ đó tác động tích cực đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, phát triển nền kinh tế. Người đi vay sẽ chịu sức ép trả nợ, nên cũng năng động, tích cực, chịu khó hơn trong quá trình làm việc, sản xuất, kinh doanh, trao đổi, giao lưu, tạo ra năng xuất cao hơn và nhiều sản phẩm hơn, tạo ra sự năng động của nền kinh tế.
Và nhìn chung, kết quả cả trước mắt cũng như lâu dài sẽ là nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nhiều hơn đối với lực lượng lao động trẻ, có sức khỏe, có kiến thức và cũng có nhiều nhu cầu. Nó còn gián tiếp hạn chế bớt tình trạng quá nhiều người đang sung sức ngồi chơi, xơi nước, buôn chuyện, chém gió, thậm chí nhàn cư vi bất thiện.
- Để tài chính tiêu dùng đi vào cuộc sống nhiều hơn, theo ông chính sách cần có những hỗ trợ gì, đặc biệt về luật?
Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chỉ cần xem xét cả khả năng đưa công ty tài chính tiêu dùng ra khỏi loại hình tố chức tín dụng, để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này.
Đã đến lúc Không chỉ coi tín dụng tiêu dùng là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh.
——————
CafeF (Ngân hàng) 26-09-2017:
https://cafef.vn/giao-luu-truc-tuyen-hieu-dung-ve-tai-chinh-tieu-dung-de-thuc-day-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20170925140633413.chn
(1.998/1.998)