1.835. Cử tri đặt câu hỏi về hàng loạt các vụ tiền gửi “bốc hơi”

(DT) – Càng đến gần kỳ họp Quốc hội thì cử tri cả nước lại càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề “nóng” của đất nước, trong đó lĩnh vực ngân hàng đặc biệt được chú ý với những câu chuyện về lãi suất, hỗ trợ vốn cho nông dân, đặc biệt là liên quan đến sổ tiết kiệm bỗng dưng bị “bốc hơi”…

Đã có hàng chục vụ mất tiền, vàng của khách hàng trong ngân hàng (Ảnh minh hoạ).

Gửi tiền ở ngân hàng, rút tiền phải ra tòa

Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ mất tiền, vàng tiết kiệm của khách hàng. Đến nay, phần lớn các vụ việc này vẫn chưa đi đến kết cục cuối cùng và hiện đang được giải quyết thông qua tòa án.

Gần đây nhất là vụ đại gia thủy sản Chu Thị Thanh Bình bị chiếm đoạt 245 tỷ đồng khi gửi tại Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank). Tiếp đó, Eximbank lại gây ồn ào với vụ 6 khách hàng khác gửi tiết kiệm tại Eximbank cho biết đang sốt ruột chờ phương án từ Eximbank khi bị nhân viên tại Phòng giao dịch (PGD) Eximbank Đô Lương (Nghệ An) “phù phép” chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng từ năm 2016.

Trong khi vụ việc hiện vẫn chưa ngã ngũ bởi các bên còn bận đổ trách nhiệm cho nhau, bà Bình, chủ nhân của số tiền 245 tỷ đồng bức xúc chia sẻ: “Gửi tiết kiệm vào ngân hàng, cuốn sổ gốc tôi còn cầm đây, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ là việc rút tiền do phó giám đốc chi nhánh chỉ đạo nhân viên làm giả giấy tờ mà sao muốn rút tiền lại phải chờ quyết định của tòa án?”.

Trước đó, vụ việc 17 khách gửi tiền mất 400 tỷ đồng tại Ocean Bank chi nhánh Hải Phòng cũng là một trong những vụ cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách lớn nhất gần đây.

Hay xa hơn, vụ việc 26 tỷ đồng trong tài khoản Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân mở tại VPBank “biến mất”. Tháng 2 vừa qua, khách hàng cho hay muốn đưa vụ việc ra toà.

Đặc biệt, nhắc đến những vụ việc tiền gửi “bốc hơi” không thể không kể tới vụ án liên quan tới “siêu lừa Huyền Như”. Tháng 9/2011, vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra ở Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) chính thức được khởi tố. 7 năm liên tục, 3 phiên tòa, hàng trăm cuộc điều tra, bản án dành cho Huyền Như vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

TAND cấp cao tại TPHCM cho biết, ngày 28/5/2018 sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, để xem xét kháng cáo của 5 nguyên đơn yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong đơn kháng cáo, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) – một trong những đơn vị thiệt hại nặng nhất trong vụ này cũng đã khẳng định, hồ sơ, thủ tục mở tài khoản tiền gửi thanh toán của SBBS tại VietinBank – CN TPHCM là thật, hợp lệ và hợp pháp. Tiền SBBS chuyển vào tài khoản của SBBS tại VietinBank Chi nhánh TPHCM đã được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trong hệ thống sổ sách của VietinBank. Do đó, đã phát sinh trách nhiệm quản lý tiền của VietinBank đối với tiền trong tài khoản của SBBS.

Trước đó quyết định trả hồ sơ trước đó của TAND tối cao đã khẳng định Huyền Như phạm tội “Tham ô tài sản” theo điều 178 Bộ Luật hình sự chứ không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố. Do đó, nguyên đơn đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo bồi thường cho khách hàng.

Cử tri kiến nghị gửi lên Quốc hội

Liên quan đến sổ tiết kiệm bỗng dưng bị “bốc hơi” được nhiều cử tri đặt câu hỏi và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện tổng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và rà soát lại các giao dịch tài chính giữa ngân hàng và khách hàng để phát hiện sớm và xử lý nghiêm các sai phạm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất.

Chính vì vậy, công tác thanh tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng nói chung và công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng, trong đó có các hoạt động huy động tiền gửi, thanh toán, thẻ… luôn được ngành ngân hàng coi là nhiệm trọng tâm thường xuyên hàng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả; đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn, nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các biện pháp cụ thể đấu trang, phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm ngân hàng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục trong toàn ngành.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và chỉ đạo hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa những vụ việc sai phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền nói riêng và bảo đảm an ninh, an toàn, hoạt động ngân hàng nói chung.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với báo giới về hiện tượng tiền gửi ngân hàng liên tục “bốc hơi”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, nếu như ngân hàng làm đúng thì không bao giờ đối tượng phạm tội lấy được tiền từ ngân hàng dù khách hàng có mất sổ tiết kiệm, dù khách hàng có đưa chứng minh nhân dân cho người gian lận.

Theo ông Đức, ngân hàng phải chịu trách nhiệm vì tất cả đều là cán bộ của ngân hàng, là người của pháp nhân, khách hàng giao dịch chỉ biết tin vào cán bộ ngân hàng với quy trình, với uy tín ngân hàng thì “bảo gì người ta làm thế”. Tất cả luật chơi do ngân hàng áp đặt, chứ không khách hàng nào mà ép được ngân hàng.

“Một nguyên nhân căn bản nhất là hiểu sai rất trầm trọng Bộ Luật Dân sự. Từ những vụ án như Huyền Như, ngân hàng không phải chịu trách nhiệm gì đến những vụ án nhỏ hơn. Các cơ quan pháp luật đều có thiên hướng, cứ vụ nào có yếu tố hình sự thì cá nhân đấy, tội phạm đấy phải đền. Còn tất cả các vụ dân sự, tôi khẳng định ngân hàng phải đền”, ông Đức nêu quan điểm.

Theo luật sư, điều này dẫn đến hậu quả, ngân hàng không mất tiền, “của không đau, con không xót”, không nâng cao trách nhiệm, không hoàn thiện các giải pháp. Ông Đức khẳng định nếu nguy cơ không phải của người khác mà của ngân hàng thì lập tức sẽ có đủ giải pháp, an toàn tối đa chứ không xảy ra một cách tràn lan như vừa qua.

Trước đó, trao đổi với báo chí, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng nhìn nhận các ngân hàng trên thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại, một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua nhưng trên thực tế vẫn có những sơ hở (dù nhỏ).

Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát.

Phương Dung

—————

Dân trí (Kinh doanh) 23-5-2018:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/cu-tri-dat-cau-hoi-ve-hang-loat-cac-vu-tien-gui-boc-hoi-20180523062157615.htm

(286/1.623)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,380