1.836. ‘Tòa án đặc khu nên được xét xử chủ tịch UBND cùng cấp’

(MTG) – Sáng 23.5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Một trong những nội dung được quan tâm là bộ máy hành chính của đặc khu.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trả lời báo chí về bộ máy hành chính đặc khu – Ảnh: Nam Phong

Tăng quyền cho phó chủ tịch đặc khu

Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở đặc khu, theo dự thảo luật, HĐND đặc khu có không quá 15 đại biểu, trong đó đa số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND; HĐND đặc khu có chủ tịch và 1 phó chủ tịch HĐND; kết quả bầu chủ tịch HĐND đặc khu phải được UB TVQH phê chuẩn.

UBND đặc khu bao gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch; chủ tịch và phó chủ tịch UBND đặc khu không nhất thiết là đại biểu HĐND đặc khu; chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

HĐND đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề về nhân sự chủ chốt, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách đặc khu, chủ trương đầu tư và thu hồi đất, biện pháp tổ chức đời sống dân cư và thực hiện chức năng giám sát.

UBND đặc khu có trách nhiệm xây dựng để trình HĐND quyết định các vấn đề quan trọng của đặc khu; quyết định một số vấn đề về tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Góp ý về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với việc trong đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần có tổ chức HĐND để thực hiện giám sát. Lý do là quyền lực càng cao, mô hình càng mới thì càng cần được kiểm soát, giám sát quyền lực, tránh tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng.

“Với các đặc khu, nếu có sai phạm rất khó điều chỉnh vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới”, vị đại biểu tỉnh Quảng Bình nhìn nhận.

Bên cạnh đó, cần giảm bớt các quy định giao quyền cho chủ tịch, tăng giao quyền cho UBND để UBND uỷ quyền trách nhiệm cho phó chủ tịch và các ban ngành chuyên môn.

“Theo dự thảo, nội dung chủ tịch ký rất nhiều như cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu, cấp đổi giấy phép kinh doanh… Chủ tịch không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề. Việc gì chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn”, ông Phương nêu.

Cũng theo đại biểu này, theo dự thảo này thì vị trí chủ tịch dễ vi phạm khuyết điểm. “Một trăm việc làm tốt mà chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa, rất nguy hiểm”.

Có HĐND thì không có UBND và ngược lại?

Trong khi đó, theo luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), đã đặt ra đặc khu thì phải đặt ra mục tiêu đột phá phát triển gấp hàng chục lần so với không có đặc khu. Nếu chỉ tập trung vào việc tạo ra ưu đãi về tiền thuế, đất, tài nguyên… thì chỉ tạo ra sự dịch chuyển kinh tế chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế.

Do đó, đặc khu, cần tạo ra môi trường tự do, thuận lợi, thông thoáng về chính quyền, thủ tục hành chính, chính trị và giải quyết tranh chấp để phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nhằm thu được nhiều thuế, chứ không phải là miễn giảm thuế, tiền đất, dịch chuyển lợi ích từ đia bàn khác về đặc khu. Tức giảm tiền đóng góp cho ngân sách ở nơi khác, cách khác để tăng thu ngân sách cho đặc khu.

Về hành chính, ông Đức nhận định, tuy tên gọi là khu hành chính – kinh tế đặc biệt nhưng thực chất chỉ là nhằm tạo ra khu kinh tế đặc biệt chứ không phải nhằm tạo ra khu hành chính đặc biệt.

“Sự đặc biệt của hành chính chỉ nhằm phục vụ cho sự đặc biệt về kinh tế chứ không có mục đích tự thân. Vì vậy, cần thiết kế cơ chế hành chính vì kinh tế chứ không phải là ngược lại”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo tinh thần này, ông Đức cho rằng nhà nước cần áp dụng cơ chế hành chính đặc biệt để tạo ra môi trường kinh doanh đặc biệt nhằm tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt, thay vì áp dụng cơ chế kinh tế đặc biệt này để tạo ra kết quả kinh tế đặc biệt khác.

“Đặc khu cần phải áp dụng một trong hai cơ chế. Thứ nhất, nếu có HĐND thì không có UBND; chỉ có thị trưởng, chế độ thủ trưởng lãnh đạo thay vì chế độ tập thể lãnh đạo. Thứ hai, nếu có UBND thì không có HĐND. Nếu có cả hai và bó buộc trong khuôn khổ bất hợp lý, không sửa Hiến pháp thì không có gì đáng gọi là đặc khu.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng nhà nước cần phải chấp nhận đặc khu có sự đặc biệt cả về chính trị, chứ không chỉ có sự đặc biệt về kinh tế và hành chính. Chẳng hạn, đặc khu cần không có cán bộ mà chỉ có công chức, tập trung gần như toàn bộ vào phát triển kinh tế, không tổ chức các cơ quan, đoàn thể đầy đủ ban bệ như các cấp chính quyền khác.

Tòa án đặc khu cần được xét xử chủ tịch UBND, HĐND

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng nên xem lại quy định với khiếu kiện hành chính (người dân kiện chính quyền) thì dự luật lại quy định như hiện hành, nghĩa là mọi khiếu kiện của người dân với chủ tịch UBND, HĐND toà án đặc khu không có quyền xét xử mà do toà án tỉnh thụ lý.

Thứ nhất, cùng với sự phát triển năng động của đặc khu sẽ phát sinh nhiều khiếu kiện hành chính tăng mạnh về giải phóng mặt bằng, đất đai. Toà án đặc khu có thẩm quyền giải quyết vụ việc rất phức tạp như liên quan đến bắt giữ tàu bay quốc tế, trong khi lại không có quyền xử lý khiếu kiện hành chính với chủ tịch UBND, HĐND.

Lý do đưa ra là tòa án xử quan chức đồng cấp có thể ảnh hưởng tới tính vô tư khách quan không thuyết phục, bởi pháp luật hiện hành lại đang giao cho 63 toà án cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện với chủ tịch uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Cũng theo đại biểu Thủy, 3 đặc khu đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc, nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì toà phúc thẩm giải quyết trong khi cả nước chỉ có 3 toà án cấp cao đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, như thế sẽ rất khó khăn cho người dân, nhà đầu tư.

Bà Thủy chia sẻ, khi đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều đặc khu trên thế giới được biết, sức hấp dẫn của đặc khu ngoài ưu đãi về kinh tế còn là cơ quan tư pháp đủ mạnh, ổn định chính sách sẽ giữ chân được nhà đầu tư. Do đó, Quốc hội nên giao cho cơ quan tư pháp ở đặc khu có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện chủ tịch UBND, HĐND đồng cấp.

Lam Thanh – Nam Phong

—————

Một thế giới (Chính trị) 23-5-2018:

http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/chinh-tri-c-93/toa-an-dac-khu-nen-duoc-xet-xu-chu-tich-ubnd-cung-cap-88692.html

(462/1.382)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.431. Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn...

Cần điều tra, làm rõ việc huy động vốn của Công ty cổ phần New...

Trích dẫn 

3.981. Năm 2025 và tương lai của vàng.

Năm 2025 và tương lai của vàng. (ĐĐK) - Giới chuyên gia cho rằng thị trường...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,089