(PNTĐ) – Thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, người tiêu dùng (NTD) có nhu cầu đã được giải ngân ngay một khoản vay từ các công ty tài chính. Tuy nhiên…
Thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chứng minh thư, người tiêu dùng (NTD) có nhu cầu đã được giải ngân ngay một khoản vay từ các công ty tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế, vay càng dễ nhưng nếu chậm trả, người vay không những phải chịu lãi phạt rất cao mà còn bị “truy nã” qua điện thoại như… tội phạm.
Những quảng cáo cho vay tiêu dùng không cần nhiều thủ tục, giấy tờ được dán ở nhiều tuyến phố. |
Khốn khổ vì vay tiêu dùng
Đầu năm 2018, chị Đỗ Hoàng Minh ở Lò Đúc, Hai Bà Trưng vay 50 triệu đồng để sắm đồ gia dụng của một công ty tín dụng với lãi suất 0%, trả góp trong 12 tháng. Sau khi điền thông tin cá nhân vào tờ khai, photo chứng minh thư nhân dân và trả trước 30% số tiền vay theo quy định, chị Minh nhanh chóng được giải ngân và nhận đồ gia dụng chỉ trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ.
Mối quan hệ giữa khách hàng và tổ chức tín dụng “xuôi chèo mát mái” trong vòng 3 tháng đầu tiên khi chị Minh nộp tiền trả góp đúng hạn và đầy đủ. Từ tháng thứ 4, do đi công tác xa, không kịp nộp tiền đúng hạn, chị Minh liên tục nhận được điện thoại nhắc nợ. Không chỉ vậy, tất cả 5 người thân trong danh sách “người có liên quan với người đi vay” mà chị Minh bắt buộc phải kê khai số điện thoại trong tờ khai vay tiền cũng liên tục phải trả lời những cú điện thoại nhắc nhở, bất kể sáng tối hay giờ nghỉ trưa.
Chị Hà Thu Anh ở phố Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân đang thực hiện gói vay tiêu dùng trị giá 20 triệu đồng để mua xe máy. “Tổ chức tín dụng công bố lãi suất trả góp là 0% để tăng sức hấp dẫn và lôi cuốn khách hàng nhưng thực tế chi trả, khách hàng gánh thêm nhiều khoản phí như bảo hiểm dư nợ, bảo hiểm mở rộng…
Nếu chứng minh thu nhập thì mỗi tháng số tiền trả góp, ngoài tiền gốc khách hàng còn đóng thêm một khoản tương đương 20%/năm trên dư nợ ban đầu; còn khách vay chỉ có chứng minh thư hoặc hộ khẩu thì số tiền đóng thêm là 40%/năm trên dư nợ gốc hoặc 80%/năm trên dư nợ giảm dần. Song, khoản nặng nhất là tiền phạt nộp muộn và lãi cho các khoản vay quá hạn có thể lên đến 120%/năm (10%/tháng)”. Vì thế, theo chị Thu Anh, dù lãi suất trả góp 0% nhưng sau 6 – 12 tháng, số tiền thực trả có thể tăng từ 20 – 60%, tùy khoản vay nhiều hay ít.
Lại có khách hàng dù đã từ chối mở thẻ tín dụng sau khi được nhân viên công ty tài chính mời chào nhưng vài ngày sau, thẻ vẫn được tự động gửi qua đường bưu điện tới NTD. NTD đã vứt bỏ, không kích hoạt thẻ nhưng vẫn liên tục nhận được thông báo, điện thoại, tin nhắn nhắc nhở nộp phí sử dụng thẻ hàng tháng, kèm theo cả nội dung đe dọa, quấy rối. Để tránh phiền toái, NTD đã làm việc trực tiếp với công ty tài chính và nhận được cam kết đóng thẻ và không gọi điện làm phiền nhưng thực tế, NTD vẫn tiếp tục bị gọi điện thu hồi nợ suốt hơn 4 tháng sau đó.
Thận trọng khi vay tiêu dùng
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Tùng Bách – Phó trưởng phòng Bảo vệ NTD, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công thương) cho biết: từ quý 3/2017 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 130 khiếu nại của NTD và hơn 200 phản ánh qua Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục. Qua tổng hợp, thì nổi lên một số vi phạm trong hoạt động cho vay tài chính như không minh bạch thông tin hợp đồng, không tạo điều kiện để NTD đọc hợp đồng trước khi ký; không cung cấp hợp đồng để khách hàng lưu; không giải quyết khiếu nại, yêu cầu khi có tranh chấp phát sinh; đặc biệt là có hành vi quấy rối, đe dọa NTD.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo LS Trương Thanh Đức thứ nhất là do hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, nếu các ngân hàng cho vay tín dụng ngoài lãi suất vượt quá 20% lãi suất cơ bản là bất hợp pháp thì lãi suất các khoản vay các công ty tài chính dựa trên sự thỏa thuận nên họ đưa ra lãi suất cao hơn thế nhiều lần vẫn không bị ràng buộc bởi luật pháp. Thứ nữa, do vay dễ, không có tài sản thế chấp nên rủi ro cao. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng nắm “đằng lưỡi” nên khách hàng nộp chậm, chây ì là bị các công ty tài chính sử dụng biện pháp thu hồi nợ mạnh, cụ thể ở đây là gọi điện, nhắn tin, đe dọa…
Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD đã có văn bản đề nghị cơ quan liên quan của Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và cho ý kiến đóng góp để tránh tình trạng có công ty tín dụng cho vay với lãi suất lên đến 84%/năm mà vẫn được xem là hợp lý. Trong thời gian chờ đợi khung pháp lý được hoàn thiện, LS Trương Thanh Đức, NTD cần thận trọng, đọc và tìm hiểu kỹ các điều khoản hợp đồng, tính toán trước khả năng tài chính khi vay trước khi đặt bút ký hợp đồng. Với trường hợp bị khủng bố điện thoại nhắc nợ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, NTD cần thu thập bằng chứng (chụp ảnh màn hình điện thoại có danh sách số điện thoại liên hệ, gửi tin nhắn hoặc nội dung ghi âm…) để gửi kèm đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng để được hướng dẫn bảo vệ quyền lợi.
Nguyễn Hương
————–
Phụ nữ Thủ đô (Kinh tế – Xã hội) 23-5-2018:
http://baophunuthudo.vn/article/27566/169/cho-vay-tieu-dung-mieng-ngon-chang-con-den-trua
(198/1.151)