1.845. Quốc hội chốt sửa Luật Chứng khoán trong năm 2019

(ĐTCK) – Theo Chương trình xây dựng luật năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Sửa đổi 8 chính sách

Để được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2019, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án luật đã trải qua không ít thay đổi. Nếu như đầu năm 2017, hồ sơ dự án sửa Luật Chứng khoán thể hiện 6 nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung, thì một thời gian sau đó nội dung sửa đổi được nâng lên 7 chính sách.

Tuy nhiên, khi dự án luật được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4/2018 xem xét để hoàn thiện hồ sơ đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2019, số lượng chính sách mà Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Chứng khoán được nâng lên con số 8.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, 8 chính sách mà Chính phủ đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán lần này bao gồm: Hàng hóa trên thị trường chứng khoán; thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; thu hút đầu tư nước ngoài; quản trị công ty; tổ chức kinh doanh chứng khoán, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm.

Thực tế trong quá trình lấy ý kiến các bộ ngành, các thành viên thị trường cho hoàn thiện hồ sơ dự án luật, ngoại trừ hai nội dung là quyền hạn của UBCK trong giám sát, thanh tra, xác minh vi phạm và thu hút đầu tư nước ngoài còn có nhiều ý kiến trái chiều thì các nội dung còn lại nhiều ý kiến khá đồng thuận với đề xuất của Ban soạn thảo. Đại diện UBCK cho hay, dự kiến trong tháng 7 tới, dự thảo Luật sẽ được công khai để lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.

Tăng quyền cho UBCK: Sẽ rà soát kỹ

Qua tổng kết thi hành Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính nhận thấy quy định về thẩm quyền của UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm về hoạt động chứng khoán còn chưa đầy đủ. Với quy định hiện hành, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán hoặc giao dịch có sử dụng thông tin nội bộ, UBCK chỉ có thể thực hiện quyền khi tiến hành thanh tra gồm: Yêu cầu đối tượng nghi vấn cung cấp thông tin, tài liệu, mời đối tượng đến làm việc, giải trình.

UBCK không có quyền buộc đối tượng đến làm việc để đối chất; không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện, cơ quan khác cung cấp các thông tin về dòng tiền giữa các tài khoản nghi vấn, về thông tin trao đổi giữa đối tượng nghi vấn, về danh tính, nhân thân đối tượng để xác minh, làm rõ mối liên hệ giữa các đối tượng, sự móc nối, thông đồng giữa các đối tượng trong thực hiện hành vi vi phạm…

Thực tiễn cho thấy, việc UBCK chưa có thẩm quyền này trong kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đã làm cho việc phát hiện, xử lý vi phạm rất khó khăn do thiếu thông tin, thiếu bằng chứng xác thực, làm giảm đáng kể hiệu quả thanh tra, giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là hành vi thao túng giá chứng khoán và sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp, tinh vi hơn…

Từ thực tế trên, ban soạn thảo đề xuất xuất bổ sung thẩm quyền cho UBCK trong thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm. Theo đó, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh vi phạm, UBCK có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng có dấu hiệu vi phạm; yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm; triệu tập tổ chức, cá nhân có liên quan đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như ngân hàng, thuế, công an… trong phối hợp thực hiện.

Theo góp ý của Bộ Công an, với đề xuất bổ sung thẩm quyền cho UBCK được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu về giao dịch tài khoản ngân hàng; yêu cầu tổ chức, cá nhân đến làm việc để làm rõ hành vi vi phạm…, cần bổ sung nội dung đánh giá về sự phù hợp của giải pháp này với quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cho rằng để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, theo Bộ Tư pháp, việc bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCK có đủ quyền lực để thực thi tốt các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán là cần thiết.

Tuy nhiên, chính sách này có ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân là đối tượng nghi vấn vi phạm pháp luật từ hoạt động thu thập thông tin liên quan đến nhân thân, giao dịch, mối quan hệ giữa các cá nhân…

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng chính sách theo hướng đảm bảo tối đa thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, quy định rõ tiêu chí, trường hợp áp dụng, thẩm quyền của cơ quan thực thi cũng như thẩm quyền của cơ quan thanh tra, giám sát.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc các giải pháp thực hiện để phù hợp với Luật Thanh tra, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật. Với giải pháp bổ sung thẩm quyền cho UBCK yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về giao dịch tài khoản ngân hàng của đối tượng có dấu hiệu vi phạm, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin, phạm vi cung cấp và việc thực hiện cung cấp thông tin phải theo chế độ “mật”, đảm bảo không mâu thuẫn với quy định hiện hành và bảo vệ quyền lợi khách hàng của các tổ chức tín dụng…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng các vi phạm trên thị trường chứng khoán có tính chuyên môn sâu, mặt khác thông lệ quốc tế cũng trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, nên trao thẩm quyền điều tra cho UBCK là hợp lý. Điều này sẽ giúp cho cơ quan quản lý thị trường chủ động và hiệu quả hơn trong đấu tranh ngăn chặn các trường hợp vi phạm…

Cơ quan soạn thảo nhất trí với góp ý trên của các bộ ngành để trong quá trình hoàn thiện dự thảo đảm bảo phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Các tổ chức tín dụng…

Đặc biệt, sẽ quy định rõ về trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin, phạm vi cung cấp thông tin và việc thực hiện cung cấp thông tin phải đảm bảo quy định về bảo mật thông tin, bảo đảm quyền riêng tư của khách hàng.

Trong quá trình đánh giá tác động của chính sách, cơ quan soạn thảo đã xem xét vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin của đối tượng vi phạm và đánh giá sự cần thiết của việc bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm…

Nới room cho khối ngoại: Phù hợp với Luật Đầu tư

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 60/2015 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện đa số các công ty đại chúng đều đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành hiện chưa quy định hoặc không quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này, pháp luật về chứng khoán quy định một tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể (tối đa là 49% theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP) là khó chính xác, chưa thực sự phù hợp.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, khi trở thành tổ chức có sở hữu nước ngoài từ 51% vốn điều lệ trở lên, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Do vậy, doanh nghiệp chưa mặn mà với chính sách tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật chứng khoán, thậm chí có doanh nghiệp không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhưng tự ấn định một tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn tại Điều lệ công ty…

Vấn đề nới room cho khối ngoại đang có nhiều ý kiến trái chiều từ phía thị trường, cũng như các bộ ngành. Bên cạnh những ý kiến đề xuất cần mở rộng các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm cổ phần để nới room đến 100% cho nhà đầu tư nước ngoài thì có những ý kiến cho rằng việc nới room lên tối đa cần thận trọng vì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách có liên quan khác của pháp luật chuyên ngành kiểm soát hoạt động đầu tư chưa được hoàn thiện và đồng bộ.

Cơ quan soạn thảo nhất trí quan điểm của các bộ, ngành về việc điều chỉnh vấn đề sở hữu nước ngoài cần phù hợp với Luật Đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư còn có những vấn đề chưa rõ (như chưa phân định rõ đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, chưa đưa ra danh mục hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài…).

Vì vậy, cần có sự thống nhất quan điểm về sở hữu nước ngoài trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài…

Sớm hoàn thiện dự thảo luật để công khai lấy ý kiến rộng rãi…

Sau khi Quốc hội đưa dự án Luật Chứng khoán vào chương trình xây dựng luật năm 2019, Ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật (đã được Bộ Tài chính thành lập) sẽ tiến hành họp để cho ý kiến và thống nhất đề cương chi tiết của dự án luật. Trên cơ sở đó để có định hướng xây dựng các nội dung cụ thể của dự án luật.

Trong quá trình này, Ban soạn thảo sẽ tranh thủ tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế. Tiếp đó Ban soạn thảo sẽ thông qua nội dung dự thảo trước khi công khai lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường, giới chuyên gia trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Sau khi tiếp thu ý kiến các thành viên thị trường, dự án luật sẽ được hoàn thiện để lấy ý kiến các bộ ngành trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến trước khi hoàn thiện và trình ra Quốc hội tại kỳ họp đầu năm tới.

Nguyễn Hữu

————–

Đầu tư chứng khoán (Chứng khoán) 13-6-2018:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/quoc-hoi-chot-sua-luat-chung-khoan-trong-nam-2019-232209.html

 (89/2.346)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,905