(NTD) – Một trong những đại gia ngân hàng đến tham dự đám cưới “quý tử” nhà Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát NHNN tại TP.HCM (Cục II) – Nguyễn Văn Dũng có ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank, một trong những lãnh đạo ngân hàng liên quan đến đại án Phạm Công Danh đang xét xử hiện nay. Cùng bị kết luận sai phạm như ông Trầm Bê (Nguyên Phó Chủ tịch Sacombank), ông Trần Bắc Hà (fNguyên Chủ tịch BIDV) nhưng Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú là người duy nhất chưa thấy cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự vì liên quan đến Phạm Công Danh.
TPBank liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh
“Đại án” Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB cũ nay là CB) đã gây ra nhiều “rúng động” trong thời gian vừa qua. Trong giai đoạn 2 xét xử vụ án, nhiều cái tên lãnh đạo của nhà băng khác cũng được nhắc tới trong đó đáng chú ý chính là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) mà người đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT.
Theo thông tin của cơ quan điều tra để hợp thức hóa việc rút tiền của VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 1.666 tỷ đồng của TPBank. Do các công ty này đã đứng tên vay vốn tại Sacombank nên ông Danh nhờ Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) mượn pháp nhân của 11 công ty khác vay.
Thực chất các công ty này do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Sau khi được giải ngân, ông Danh chỉ đạo chuyển tiền lòng vòng trước khi về tài khoản của VNCB để tăng vốn điều lệ dưới danh nghĩa cổ đông mua cổ phần.
Ngân hàng TPBank có nhiều liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh |
Sau khi được TPBank giải ngân, các công ty đã chuyển toàn bộ tiền cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng… Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án, TPBank có hai cán bộ hầu tòa là bị cáo Đinh Việt Cường (nguyên Giám đốc khối doanh nghiệp TPBank), Đặng Thị Bích Thủy (nguyên Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank).
Các lãnh đạo TPBank liên quan là Hội đồng tín dụng, Ủy Ban tín dụng TPBank, trong đó có Chủ tịch HĐQT TPBank. Dù xác định việc phê duyệt hồ sơ cho vay là chưa đầy đủ về quy định cho vay, tuy nhiên do TPBank không thiệt hại nên Chủ tịch HĐQT TPBank và các lãnh đạo cao cấp của TPBank không bị xử lý hình sự.
Theo chia sẻ trên báo mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết trong cáo trạng vụ án nêu rõ hội đồng tín dụng TPBank trực tiếp xét duyệt tín dụng, chấp nhận cho Phạm Công Danh vay tiền gây thiệt hại cho VNCB 1.700 tỉ đồng.
Cũng theo ông Đức thì đương nhiên hồ sơ nêu rõ hội đồng tín dụng phê duyệt, hội đồng có cả cấp cao nhất của ngân hàng phê duyệt. Quyết định phê duyệt hay không phê duyệt một khoản tín dụng lên đến hơn nghìn tỷ đồng thì không riêng gì TPBank mà bất kể ngân hàng nào không thể là cán bộ hội sở, khối, chi nhánh phê duyệt. Do đó có trách nhiệm của cả hội đồng khi phê duyệt.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức trong hội đồng phê duyệt tín dụng cũng phân rõ vai trò, vị trí và quyền hạn khác nhau. Trong đó tiếng nói của Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc mang tính quyết định, sai phạm trong cho vay có trách nhiệm của các vị này. Nhưng nếu quá trình xử lý hồ sơ mà cấp dưới “che đậy” những sai phạm thì lúc này trách nhiệm sẽ được xem xét cá nhân rõ ràng hơn.
Xuất hiện tại tiệc cưới con trai quan Thanh tra Giám sát NHNN?
Vào ngày 15/1 phiên tòa xử vụ ‘đại án’ giai đoạn 2, Tòa tiến hành xét hỏi làm rõ khoản 1.700 tỷ đồng mà ông Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp làm hồ sơ khống đề vay tại TPBank. Tuy nhiên, lãnh đạo TPBank vắng mặt
Trong lúc đang liên quan đến đại án như vậy, thì mới đây một tài khoản mạng xã hội đã đăng những bức hình trong đó có ông Đỗ Minh Phú lại xuất hiện ồn ào tại tiệc cưới xa hoa của “quý tử” nhà Cục trưởng Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM (Cục II) – Nguyễn Văn Dũng.
Như vậy, cũng như ông Trần Bắc Hà, lãnh đạo TPBank cũng vắng mặt. Phiên tòa xét xử liên quan đến cả ngàn tỷ đồng thì ông Phú vắng mặt. Còn tiệc cưới linh đình xa hoa của gia đình của quan Thanh tra, giám sát NHNN ông Phú lại tham dự, vui vẻ nhậu nhẹt. Một số ý kiến tỏ ra lo ngại về mối quan hệ thân mật này giữa bối cảnh ngành ngân đang tồn tại nhiều sai phạm như hiện nay?
Vừa qua, ông Đỗ Minh Phú đã từ bỏ Doji để chọn TPBank theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, chủ tịch các ngân hàng thương mại không được kiêm nhiệm vị trí tương tự tại các doanh nghiệp khác.
Ông Đỗ Minh Phú cũng được biết là một “tay ngang” trong giới ngân hàng. Lập nghiệp và thành công trong việc tạo dựng thương hiệu Diana sau đó lại đến lĩnh vực đá quý Doji. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nhưng ông Phú đã mạnh tay mua lại 20% cổ phần của TPBank năm 2011, khi mà ngân hàng này là một trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của NHNN. Đây được xem là một quyết định “liều” của ông Đỗ Minh Phú giữa bối cảnh ngành ngân hàng còn nhiều khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là, cũng cùng trách nhiệm như nhau đối với vụ án Phạm Công Danh, tại sao ông Trầm Bê (Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và ông Phan Huy Khang (Tổng Giám đốc Sacombank) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ông Đỗ Minh Phú thì vẫn hiên ngang “ngoài vòng pháp luật” như thách thức dư luận và cơ quan công quyền ?!?
Thanh Huyền
————–
Người tiêu dùng (Kinh doanh) 14-6-2018:
(215/1.256)